Tuyết Sương cuối hè

 

“Tuyết Sương cuối hè” không phải là khóm chữ có văn phong kiểu cách. Nó chỉ có nghĩa là hai chị em Tuyết và Sương đến thăm vợ chồng chúng tôi, thầy cô cũ của họ, vào cuối hè. Tuy nhiên, kể cũng lạ, hè năm nay California bị hạn hán, tỉnh Elk Grove thường trực nóng 40 độ C, nhưng khi Tuyết và Sương đến Elk Grove, nhiệt độ bỗng hạ xuống còn 30 0 C. Không gian mát như trời thu. Vẫn còn kỳ lạ, khi Tuyết và Sương rời Elk Grove, ngày hôm sau nhiệt độ vọt lên, rồi những ngày kế trời nóng trở lại 40 0 C.

Kể từ ngày thầy trò chúng tôi chia tay, đã hơn 40 năm, tưởng rằng sẽ không còn bao giờ được gặp lại. Bây giờ ai cũng đã lớn tuổi và đã về hưu. Khi thấy nhau, chúng tôi không thể tin vào mắt mình. Tuổi tác đã thay đổi hình dáng của mọi người. Chúng tôi chỉ còn nhìn vào tấm lòng của nhau.

Tuyết và Sương cho biết, trước khi Sương xuất gia vào chùa, hai chị em quyết định làm một cuộc hành trình từ Kiến Tường qua Mỹ thăm thầy và cô giáo cũ. Hai người được em trai mình – Phước, tức chú Chín, hướng dẫn đi một vòng khắp nơi trên đất Mỹ, trong 3 tuần.

Tuyết hỏi tôi, “Thầy còn nhớ món ăn nào đặc biệt vào mùa nước lụt không?” Tôi trả lời ngay, “Cá linh.” Sương cười nói, “Còn món gì nữa?” Tôi đáp, “trăn… rắn.” Những thứ tôi nhớ đều đúng nhưng… sai.

Tuyết và Sương đưa ra một gói quà nhỏ dán kín băng keo, Sương nói, “Thưa thầy cô, món ăn đặc biệt là trái cà na. Chúng em ướp đường một lọ mang qua tặng thầy cô.”

image001

Em Phước đang gỡ vòng băng keo cuối cùng bọc cái hũ ướp trái cà na, thổ sản của Kiến Tường mùa lụt.

Nhìn hai khuôn mặt đơn sơ và nụ cười hiền hòa của Tuyết và Sương, tôi thấy rõ hai em là biểu tượng đơn thuần nhất của Trung học Kiến Tường. Hai em có những lời mộc mạc, nhưng nội dung bồng bềnh đầy sóng gió của miền sông Vàm Cỏ Tây. Chúng tôi đều cảm thấy như thế khi ôn lại dĩ vãng. Trong lòng chúng tôi, THKT không phải là danh xưng của một ngôi trường, nhưng là tâm tình sống của từng người đã một thời lớn lên ở đó. Kể từ khi chia tay, mỗi người đều bị đẩy vào những cảnh sống không thể tự mình tính toán. Chúng tôi như những mảnh gương vỡ văng ra khắp nơi, nhưng mỗi mảnh gương nhỏ lại chất chứa một lịch sử lớn vượt khỏi giới hạn của nó.

image002

Ai cũng có một chút Kiến Tường. Tôi ôm vai hai cô học trò cũ của KT. Nhà tôi cầm lọ mứt cà na, thổ sản KT. Em Phước cầm bảng lưu niệm cuộc họp mặt của đồng hương KT ở Wichita 2015.  

THKT không phải là đã thay đổi, nhưng là đã hoàn toàn biến mất trong quá khứ. Chúng tôi, những cá nhân nhỏ bé, không thể hàn lại những gì đã bị đập vỡ bởi thời cuộc. Chúng tôi cũng không thể diễn lại cái thời điểm lịch sử đã qua. Chúng tôi chỉ có thể gặp nhau để đón nhận sự trưởng thành của nhau. Chúng tôi thích ứng tâm tình qua mối dây liên kết mới. Nhưng, trong vô thức, chúng tôi đều có một mối nối kết thân mật và rất riêng tư với quá khứ. Bởi vì mọi vật thể đều có thể tan theo bụi thời gian, nhưng cái yếu tố nội tại của nó vẫn tồn tại không lệ thuộc thời gian. Những ai còn mến THKT có lẽ cũng đều thấy như vậy.

Học trò đến thăm thầy cô cũ không đương nhiên phải là như thế. Tôi không đem trạng thái hiện thực để so sánh với tình sư đệ của đạo lý cổ xưa. Tôi nghĩ, sự viếng thăm giữa những người có duyên cùng chia sẻ một thời quá khứ, hoàn toàn là vấn đề tình cảm. Nó là nỗi hoài niệm về nhau trong tình người. Nếu mối tình cảm đơn giản này mất đi, có lẽ đó sẽ là sự phá sản lớn nhất trong thời đại của chúng ta.

image003

Ngồi bên học trò cũ, và ngồi bên thầy cô cũ, chúng tôi đã mang quá khứ vào hiện tại trong với một ý nghĩa mới.

Cuộc viếng thăm chỉ có thể kéo dài vài giờ vì Tuyết Sương phải xuống San Jose thăm bà con. Hỏi ra mới biết chú Chín Phước đã hướng dẫn hai chị đi khắp nơi. Đôi lúc họ phải đi máy bay, nhưng đa phần chú Phước tự lái xe chở hai chị đi từ nam ra bắc từ đông qua tây, ngày đi đêm nghỉ trong 3 tuần. Tuyết khen là bên Mỹ có những trạm nghỉ (rest area) trên xa lộ cho khách giải lao, nên cuộc đi cũng đỡ vất vả. Đối với tôi, đây không phải là cuộc hành trình mà là một công trình khó đạt và “chỉ có nơi học trò THKT”.

Tôi và nhà tôi đều biết Tuyết và Sương cũng là cô giáo, hai người đã trở thành đồng nghiệp của chúng tôi. Hơn nữa họ còn hoạt động xã hội nhiều hơn chúng tôi. Tuy nhiên khi tiếp chuyện với họ, tất cả chúng tôi hoàn toàn thấy mình vẫn như ngày xưa. Trò vẫn là trò và thầy cô vẫn là thầy cô. Giữa chúng tôi như có một không gian tĩnh nào đó không hề dứt đoạn, không hề thay đổi, và cũng không thể quên.

Mải nói chuyện, bỗng chúng tôi nghỉ thấy mùi khét thoang thoảng bay khắp nhà. Lạ thật!

image004

Té ra ổ bánh mì hâm nóng cho khách bị quên trong lò nên cháy thành than. Nhà tôi than, “Bố ơi, mình già và lẩm cẩm quá rồi.” Tôi nói mỉa,“Cục than này ăn sao đặng.”

Mọi người phá lên cười. Niềm vui tự nhiên như món quà cất giấu hơn 40 năm mà chúng tôi may mắn đã được nhận.

Khi chia tay, tôi nói với hai em Tuyết và Sương, “Cám ơn hai em đã đến thăm thầy cô. Thầy cô không thể nào đi thăm các em được đâu. Cho thầy cô gửi lời hỏi thăm các em ở Kiến Tường vậy.”

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California 9-2015)