Con người là vô thường mà thôi

Chỉ trong một tuần lễ mà tôi đã phải tiễn 2 người bạn mình lần lượt về đích trước mình.

Một người là bạn chung lớp (học chung 4 năm suốt Trung học đệ nhất cấp) tại trường Trung học Công lập Kiến Tường trước năm 1975. Một người là bạn đồng nghiệp làm báo. Sự ra đi của cả hai người bạn này đều khiến tôi phải nhiều điều trăn trở.

Người bạn chung lớp kia từng là con trai một chủ tiệm thuốc Bắc ở chợ Kiến Tường. Nhà rất giàu có. Tôi ngồi bên cạnh bạn như một sự đối chọi giữa hai cực nghèo và giàu. Bạn từng là một niềm mơ ước của tôi (người thiện lành bẩm sinh thì không có máu ghen tị đâu). Trong khi phần lớn bạn học như tôi chỉ có thể mặc áo sơ mi vải bông pôpơlin (poplin) và quần kaki (khaki) dày thô, bạn ấy từ ngày đầu đã vô trường (lớp đệ Thất, tức lớp 6 sau này) với quần áo vải xịn, mang giày bata trắng và đầu chải bilantin (billantine) láng cón. Tôi mê nhất và vẫn thường mượn vọc thử những cây viết máy Pilot đắt tiền của bạn. Tôi nhớ mãi cảm giác rất phê khi cầm thử cây viết Pilot bơm mực bằng cách gạt một cần trên ruột viết thay vì phải bóp hút lên.

Vì thế, cách đây ít năm, tôi đã rất kinh ngạc khi hay tin sau năm 1975, bạn lâm vào hoàn cảnh bi thương. Gia đình phá sản, cha mẹ qua đời, rồi bạn mắc bệnh tâm thần. Trong những năm cuối đời, bạn đã được thầy cô và bạn học trong Gia đình Trung học Kiến Tường xúm lại giúp đỡ. Và giờ, bạn xong một kiếp người.

Còn người bạn đồng nghiệp kia có tài, nổi tiếng nhưng cũng nhiều phen lận đận vì cái nghiệp báo. Ai cũng thương bạn vì bạn hiền lành, sống mực thước – nói chung, tôi coi bạn là một người tử tế. Hai năm nay, bạn chống chỏi với bệnh ung thư ruột non và giờ ra đi ở tuổi 51.

Sự ra đi của hai người bạn càng khiến tôi thêm thấm cái lẽ vô thường của con người. Cái phép quán chiếu của Phật pháp này nói rằng vạn vật đều sinh ra có điều kiện theo quy luật “thành, trụ, hoại không (sinh, trụ, dị, diệt)”. Chẳng có ai có thể sống mãi trên đời. Giáo lý Thiên chúa giáo xác tín con người từ cát bụi mà ra rồi cũng trở về cùng cát bụi. Phép trường sinh bất tử mãi mãi chỉ là một giấc mơ.

Nhà chính trị và lãnh đạo tinh thần người Ấn Độ Mahatma Gandhi (1869-1948) có một câu danh ngôn: “Hãy sống như ngày mai anh chết. Hãy học như anh sẽ sống mãi mãi.” (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever.) Có lẽ ông chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của Publilius Syrus, người viết châm ngôn Latin sống vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, với câu: “Hãy sống qua mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng ta sống.” (Every day should be passed as if it were to be our last.) Tôi là dân viết về công nghệ nên suy nghĩ nhiều với điều mà nhà sáng lập Apple, Steve Jobs (1955-2011) viết: “Thời gian của bạn không nhiều, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều – đó là sống với kết quả suy nghĩ của người khác. Đừng để âm thanh của những quan điểm khác lấn át đi giọng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy giữ lấy sự can đảm để đi theo trái tim và trực giác. Chúng biết bạn thực sự muốn trở thành con người như thế nào. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.” (Your time is limited, so don’t waste it living someone else’s life. Don’t be trapped by dogma — which is living with the results of other people’s thinking. Don’t let the noise of others’ opinions drown out your own inner voice. And most important, have the courage to follow your heart and intuition. They somehow already know what you truly want to become. Everything else is secondary.) Các câu danh ngôn này được tôi trích từ trang Từ Điển Danh Ngôn  – nơi tôi vẫn thường lui tới để tự rèn mình.

Khi đứng trước “hung tin” rằng “ngày mai sẽ chết”, tùy nền tảng văn hóa dẫn tới góc nhìn, cũng như nhân cách mà mỗi người có cách phản ứng khác nhau. Thường thì có kẻ yêu cuồng sống vội, cố gắng tranh thủ thời gian còn được thở để mà hưởng thụ các lạc thú hồng trần. Có người cố gắng dành hết hơi tàn để làm những công việc còn dang dở và phục vụ tha nhân, cũng như chuẩn bị cho sự ra đi của mình được nhẹ nhàng, không làm phiền hà ai cả. Tôi biết mình phận mỏng, tài hèn nhưng cũng ráng mà đu theo nhóm người thiện lành thứ hai.

Một khi nói tới cái lẽ “vô thường”, tôi lại ráng học thêm triết lý “buông bỏ” – cũng của nhà Phật. Buông bỏ không phải là từ bỏ. Buông bỏ để thấy lòng mình nhẹ hơn giữa cuộc đời ngày càng nhiễu nhương, đầy những tham sân si hỉ nộ ái ố thất tình lục dục.

Nguyện cầu hương linh hai người bạn tôi sớm về cõi vĩnh hằng an yên sau 63 năm và 51 năm làm kiếp con người.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh từ Internet. Thanks.