dnnp - ngô vàng

 

 

CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG:

 

Tám Miền: mụ là ai?

 

* Tạp bút

 

Có nhiều người thắc mắc: Vì sao ở quán cà phê góc phố của dì Hai Lành lúc nào cũng có ông giáo Út già hiện diện? Một cái quán quá ư là "bình dân học vụ" với thành phần ẩm khách toàn là giới đẳng cấp thâm thấp trong xã hội. Thậm chí đến mụ Tám Miền, một nhân vật đã có một thời mang đầy tăm tiếng... tệ! Ấy vậy mà mụ ta lại luôn là nhân vật đứng hàng V.I.P. được hoan nghênh nhiều nhất ở quán cóc này! Có gì đâu, ông giáo Út già giải thích cho riêng tôi nghe trong một lần quán vắng khách vào một buổi trưa hè như thế này:
- Tuy bà Tám Miền ngày xưa xuất thân lập nghiệp bằng cái nghề tận cùng xã hội, nhưng ngày nay bả đã hối cải hoàn lương rồi, chúng ta cũng nên có một cái nhìn độ lượng với bả.

 

Nguồn minh họa: Internet.


Ông giáo Út già còn minh họa thêm nhận định của mình bằng câu dẫn chứng mà ai ai cũng biết [nhưng cũng không phải là ai cũng chịu hiểu!]:
- Chú em à, đánh người đi, chứ ai đuổi người quay lại bao giờ.


Tôi gật gù cho chính kiến của ông giáo già, nhưng tôi cũng vẫn còn hỏi để cho ra lẽ cái thắc mắc của mình từ lâu:
- Ông giáo à, tôi vẫn thắc mắc hoài là mụ ta… à không, bà ta dù sao đi nữa thì cuộc đời của bả cũng giống như cái thân cây đã bị chặt. Dẫu có lành đến đâu đi chăng nữa thì cái cây đó cũng vẫn còn đeo cái thẹo "chà bá" trên lưng? Thế có hay ho gì mà tôi xem ra thầy như có vẻ quí trọng bà ta thế?


Ông giáo Út già cười khoan thai và trầm trầm giọng:
- Ậy, chú em mày hãy bình tâm mà nghe tôi phân tích đây: Tuy bà Tám Miền mang tiếng xấu ngày xưa, nhưng nếu chúng ta chịu nhìn kỹ lại, với nghề nghiệp đặc thù đầy nhạy cảm đó trong thiên hạ, nó cũng có cái hay là chính nhờ vào cái nghề thấp hèn đó mà bà ta mới là chứng nhân đích thực được nhìn thấy kỹ và rõ hơn những cái bộ mặt… giả nhân, giả nghĩa, giả đạo đức của nhiều thành phần cao thấp trong xã hội xưa nay đó chú em à.

Rồi ông nhìn tôi thiệt lâu như để tìm thấy cái mở trí ở tôi, ở một người còn trẻ lòng, non dạ chưa thấu đáo sự đời lắm lắt léo, quanh co. Cuối cùng, ông giáo Út cao giọng như để khẳng định lại cái giá trị thực chất cho lời nói của mình:
- Chú em à, tôi đã sáu mươi mấy bó lẻ rồi đó vậy mà có những chuyện của bà Tám kể ra, tôi đây còn phải tai ngóng, miệng tròn vo trầm trồ: Ô, ngộ hén! Từ nào giờ tôi còn ngơ biết cái "thâm cung bí sử" đó nghe. Sự thể đã như vậy rồi thì tại sao tôi lại không đề cao bà Tám Miền cho đặng hả chú em?


Quả thực, nhờ ông giáo Út già khai hóa mà tôi mới thực sự trọng nể bà Tám Miền ở chỗ bà ta dám hy sinh cuộc sống bình thường như mọi người để rồi tự nguyện dấn thân: Làm nghề xấu xa để tìm ra… hàng xấu mạ.


Nhưng, tuy tôi khẩu phục mà tâm còn day dứt thương vay cho thiên hạ: Liệu trong cõi đời ô trọc lóc này, có mấy ai sẽ hiểu và thông cảm cho bà Tám Miền tội nghiệp đáng thương này?


Câu hỏi còn để đó, quí vị ơi!
 

 

ngô bảo toàn

(Tân An 11-2-2012 )

 

 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage