dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Cảm nghiệm về “ảnh Thiền” của nhiếp ảnh gia Danh Nguyễn (*)

                                                                                                                        (Gửi Hòa đệ)                                                                                                                

Bởi vì Thượng đế ẩn giấu trong cõi tĩnh lặng, muốn gặp Thượng đế, chúng ta hãy vào cõi tĩnh lặng. Bởi vì lẽ huyền nhiệm của Đạo không thể lý giải bằng trí óc qua thế giới hiện tượng, nên chúng ta phải nhìn vào bên trong (quán tâm). Đó là yếu quyết của Thiền.

Con người lăn lộn với trí óc trong thế giới hiện tượng. Tư tưởng đầy dục vọng của trí óc là những đám mây đen bao phủ tâm. Mây luôn luôn biến đổi, phù du, và chóng tan. Vì vậy chúng tạo ra một hiện hữu ảo và bất thường cho con người. Quán tâm, giản dị chỉ là tự mình bước khoan thai qua những đám mây che phủ lối đi để đến với tâm.

Nhưng lối đi nào dẫn đến cửa ngõ trực diện tâm? Danh Nguyễn đã đi vào thủy môn, tức cánh cửa nước. Hãy quán vào một vùng hơi nước sương mù, một hồ nước phẳng lặng, hay chiêm niệm một dòng sông. Trước cảnh mơ hồ đó, tự nhiên trí óc bị đặt vào đường cùng để hoang mang tự vấn: “Tôi đi về đâu trong cõi mịt mờ?” Thế là mở được cánh cửa để thấy cái đáng thấy (giác) và có cơ hội hoà nhập với lý lẽ cùng cực của siêu nhiên (Đạo). Ở đâu thì Nước vẫn là Nước, một nguyên thể đầu tiên, đầy khả năng biến hóa, sinh khí phát triển không ngừng, nhưng lại không biến dị. Đạo là Nước. Bản chất của Đạo luôn luôn tồn tại, bất biến và tự nhiên.

Con cò rụt cổ đứng bên vũng nước. Người nó chìm trong bóng tối của hơi sương. Viền sáng trên đầu, trên cánh, và cái bóng đổ trước mặt chứng tỏ mặt trời - hay mặt trăng - ở sau lưng cò. Cái dĩa trắng mờ mờ chỉ là cái bóng phản chiếu của bầu tinh tú ở cõi trên. Tấm hình có hai nét chính: Cảnh không miêu tả không gian. Thế giới là một khoảng mờ mịt. Cảnh không xác định thời gian vì có thể thấy nó là ban ngày hoặc ban đêm. Cái thực tại vô minh định đó là tầng giới của tịnh. Nó tẩy xóa đám mây tư tưởng vong thân. Nếu đã gạt bỏ tư tưởng để đi vào cõi thinh lặng thì đâu còn ý thức về không gian và thời gian. Trong tĩnh lặng, tâm thức mở ra. Tâm hồn tôi chiêm ngưỡng một mẩu ánh sáng trên đầu mỏ của con cò. Đó là mẩu ánh sáng của sự sống từ Thiên đàng gửi xuống. Tĩnh nhẹ và êm ái. Hữu thể của tôi, qua mẩu ánh sáng nơi mỏ con cò, đã nối kết với Đạo (Thượng Đế ) ở một nơi ngoài tầm của ngôn ngữ, của lý trí, của óc so đo phân biệt, và của những thực thể.

Vâng, trên đây là hình con cò trắng bay trên mặt nước xanh lam. Tới đây tôi không còn thắc mắc mặt nước đó là mặt hồ hay một dòng sông. Không chi ly xét đoán cò mẹ hay cò cha. Không phân tích cò đi kiếm ăn hay đang về tổ… Tôi không sống trong sự biện biệt để trí óc có dịp nhảy múa với những biện chứng đối lập. Tôi nghĩ, cái cốt yếu tác giả tạm dùng là “nước” rốt cuộc cũng chỉ là một khái niệm. Qua sông phải có đò, nhưng khi tới bến hãy bỏ đò ở lại, đừng vác đò lên vai mà đi. Sự trợ giúp của nước đến đây là hết. Con cò đang đập cánh lướt trên mặt nước, đó là khoảng khắc thiện mỹ ở tại đây và ngay bây giờ (here and now). Trong khoảnh khắc hiện tại huy hoàng đó, tôi nắm bắt cái chứng nghiệm duy nhất là sự tự do. Ý thức tự do được thể hiện qua cánh cò tung bay và cái bóng của nó. Hình con cò thì đã rõ nhưng cái bóng của nó không mang một hình dáng nào liên quan đến cò. Chiếc bóng của nó là một nét phóng bút vô sở cầu, một gợi ý dở dang để người đối ảnh tự do thêm vào cho trọn ý. Chiếc bóng chỉ là nét nguệch ngoạc nhưng cô đọng. Nó như một giọt sương đơn sơ nhưng phản chiếu cả bầu trời, như một viên ngói thô nhưng mang hình ảnh cả một ngôi chùa. Nó chất chứa cả hiện tại lẫn quá khứ và tương lai của một kiếp người. Đó là dấu ấn tự do, phóng  khoáng, và thanh thản mà Danh Nguyễn trao cho chúng ta.

Danh Nguyễn còn nói nhiều về sinh động của nước với sen, vịt, chuồn chuồn, và những cây lau sậy bên bờ. Tất cả những đối tượng này cũng đều mang chứng nghiệm về cảnh giới chân thân hòa hợp với đại ngã trong tĩnh lặng của Đạo Trời.

Chẳng hạn cảnh giọt nước nằm im trên chiếc lá phản chiếu ánh ban mai,

hay bông sen thơm tho vươn mình khỏi bùn đen…

Danh Nguyễn có công gợi ra những giá trị của Đạo ẩn khuất trong tâm người thưởng ngoạn từ từ mở ra.

ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 19-7-2012)

-------------

(*) Những hình trên trích trong sưu tập “Ảnh Thiền” của nhiếp ảnh gia Danh Nguyễn. Ông năm nay 70 tuổi, định cư ở Elk Grove (California, Hoa Kỳ). Khuynh hướng nghệ thuật của ông thiên về thiền và pictorialism (tôi tạm dịch là “hình họa” vì hình chụp như tranh thủy mạc). Hướng nhìn này phản ảnh cảm nghĩ của ông.

Tham khảo: sưu tập “Ảnh Thiền”

 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage