dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Nón lá và thiếu nữ Việt

 

(Các hình trong bài chỉ có tính cách minh họa chứ không phải là chủ đề của bài viết)

 

"Nón nầy che nắng che mưa,
Nón nầy để đội cho vừa đôi ta” (Ca dao
)
 

Có rất nhiều biểu tượng cho nét duyên dáng của thiếu nữ Việt, chúng ta đều biết thế, nhưng cái đặc thù ngộ nghĩnh nhất là cái nón lá. Nón lá giản dị đến mức nó không có tên, vì vậy từ “nón lá” trở thành cái tên của nó. Ngay cả người ngoại quốc, khi nghe nói đến “nón lá”,  họ đều biết nó là cái nón lá Việt Nam.

Vào thời xa xưa, nón lá không giản dị như nón ngày nay. Mỹ thuật nước ta vốn thiên về hình thức biểu tượng, vì vậy dù là chiếc nón, nó cũng phản ảnh đặc tính này. Tổng quát ta có thể nhận diện nón qua ba khuynh hướng đặt tên cho nón. Một là đặt tên theo “địa vị xã hội” của nó, như: nón cu li dành cho dân làm phu, nón chóp thuộc giới quan lại, nón dấu của lính tráng… Khuynh hướng thứ hai là đặt tên theo nơi sản xuất như: nón Huế, nón Nghệ, nón Chuông… Cách đặt tên thứ ba là dựa theo chức năng, như: nón cạp dùng trong việc tang chế, nón thúng dành cho các bà bán hàng chợ... (1) Ngày nay, giai tầng xã hội đã đổi mới, nón lá chỉ còn một dạng và hầu như chỉ dành cho phái nữ. Tuy nhiên vì đặc tính phổ quát, nó vẫn xứng đáng để được coi là chiếc nón quốc gia (national hat).

 

Nón lá trong cuộc sống người Việt. (Nguồn: Internet)

 

Nón lá bây giờ có màu trắng, thân nhẹ nhàng, hình dáng đơn sơ, và mang nhiều âm tính. Vì nó hòa hợp với nét trong sáng của thiếu nữ, nên vô hình trung nón lá trở thành nét đặc thù của cô gái Việt.

 

(nguồn violet.vn)

 

Nhìn cô thiếu nữ đội nón lá ở trên, hầu như ta thấy nổi bật là đôi mắt, nụ cười, và màu áo. Mộng ảnh có thể khiến ta bật ra câu hát: “Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy. Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh(Lê Trọng Nguyễn). Hay một chút mơ màng “Mơ khách đường xa khách đường xa. Áo em trắng quá nhìn không ra” (Hàn Mạc Tử). Nhưng hai mối cảm xúc trên đều không có hình ảnh chiếc nón lá. Đó là điểm đáng nói, bởi vì ngoại hình của nón quá sơ sài đến mức không có gì để nói. Nó như tờ giấy trắng làm lộ ra những nét đẹp vẽ trên giấy. Nón lá có mặt nhưng là một khoảng trống chỉ cốt để gợi lên sự tĩnh lặng bình an của tâm hồn. Vì vậy chính chiếc nón lá trống không đó mới nói lên nhiều nhất.

 

 

Có lẽ bạn nghĩ là người đẹp là do nhan sắc của người, chẳng phải do chiếc nón. Bạn có thể cho là tôi đã trừu tượng hóa vấn đề. Nhưng cô thiếu nữ trong hình trên không lộ mặt, bạn muốn chiêm ngưỡng nhan sắc cũng không được. Tuy nhiên ai cũng thấy cô gái rất đẹp. Không những đẹp mà còn có chất thơ. Một vẻ đẹp hoàn toàn Việt Nam với chiếc nón lá, mái tóc thề, chiếc áo dài, và vóc dáng gầy gầy. Không ai ngờ vẻ đẹp lại ở chỗ chiếc nón lá che kín mặt. Bởi vì nón đã nói lên đặc tính e lệ và dễ mắc cở của cô gái Việt. Thiếu nữ Việt dùng nón lá che mặt để tránh cái nhìn của người lạ. Tất cả dáng điệu khiêm nhu đó tạo nên ấn tượng về sự duyên dáng. Tuy nhiên chúng ta chỉ thấy nét duyên dáng này khi chúng ta có óc sáng tạo vì vẻ đẹp của cô thiếu nữ giấu mặt hàm chứa giai điệu thơ nhạc nhưng chưa có lời. Ta phải sáng tạo ra lời thơ cho bài nhạc. Quí bạn đã thấy đó, chúng ta cảm nhận vẻ đẹp không qua những ảo tưởng hay cách diễn tả trừu tượng, nhưng rất thật.

 

(Nguồn: Internet)

 

Nón lá, dĩ nhiên để che nắng mưa, nhưng còn để che mặt, để quạt, để múc nước, để đựng hoa rơi, để hứng trái cây, để lót mông ngồi, và chỉ cốt để trang điểm. Nhan sắc tạo ra một ảo tưởng. Khi chúng ta có thể bỏ ra ngoài nhan sắc ảo mộng ngoại diện, cái gì còn lại mới là cái sự thật. Cái thật sự đó là cái nón lá và chiếc áo dài. Có thể nói nét dịu dàng duyên dáng của thiếu nữ Việt chỉ có khi đi kèm với chiếc nón lá. Nếu có thể đưa ra một so sánh, tôi nghĩ, câu ca dao “trúc xinh trúc mọc bờ ao” là một hình ảnh cụ thể nhất. Cây trúc chỉ đẹp khi mọc bên bờ ao. Cái ao chả có gì đặc biệt, nhưng nó làm cho cây trúc bên bờ đẹp lên.

Đừng nghĩ lầm hễ có nón lá là đủ. Nón lá là một nét duyên dáng có điều kiện. Bởi vì nón lá không thể đứng một mình, không thể đi với người ngoại quốc, và cũng không thể gán cho người đàn ông –dù là đàn ông Việt. Nón lá chỉ đẹp khi có những điều kiện nương vào nhau như áo dài, tóc thề, thiếu nữ Việt.

 

 

Bà Hillary Clinton và con gái - cô Chelsea Clinton. (Nguồn: Internet)

 

Các thí sinh Hoa hậu quý bà quốc tế 2009 tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong tà áo dài và nón lá của Việt Nam. (Nguồn: Internet)

 

Tài tử điện ảnh Jennifer Lopez bí ẩn với nón lá Việt Nam (nguồn: ione.net)

 

Dù những vị quan chức hay tài tử điện ảnh có sang trọng và đẹp thế nào không phải hễ có nón là có sự duyên dáng. Dù họ có mặc áo dài, họ vẫn không có bản sắc duyên dáng chỉ có ở thiếu nữ Việt.

 

Bài này không nhằm nghiên cứu về lịch sử và công nghệ nón lá, nhưng tôi thấy cần phải nói về cách cấu tạo của nón để chúng ta quí nó hơn. Nón lá gồm có 3 vật liệu thô sơ: lá gồi, vành tre, và chỉ khâu. Nghe ra có vẻ quá thô thiển nhưng sự dụng công cũng có phần vất vả.

 

Lá gồi: chúng có tên chữ là Du Qui Diệp và một loại khác là Bồ Qui Diệp. Ngày xưa phải tìm lá gồi ở bìa rừng chỗ đất thấp tụ nước. Ngày nay cũng chỉ có vài nơi sản xuất lá gồi. Vì vậy đa số nón được làm ở ngay địa phương có lá gồi cho tiện. Lá gồi được chọn từ lúc còn non để có màu xanh nhẹ và dẻo. Lá mang về phơi cho khô, sau đó lá được đặt trên thanh sắt nóng rồi lấy tấm vải vuốt từng thanh lá cho phẳng, giống như ủi vải. Kế đó lá được sấy diêm sinh để tẩy màu xanh thành màu tuyền trắng.

 

(Nguồn: Internet)

 

Vòng tre: Có bao nhiêu vòng tre để tạo khuôn cho cái nón? Xin thưa có 16 vòng. Theo truyền thuyết 16 vòng xuất phát từ cách làm nón ở làng Chuông. Sau đó nó trở thành nguyên tắc chung cho nón ở tất cả những địa phương khác. Vòng làm bằng cật tre, ngâm nước cho dẻo, rồi chuốt thật nhỏ và thật bóng.

 

(Nguồn: Internet)

 

Dây chỉ: Chỉ khâu nón là sợi móc diều. Đây là một loại sợi lấy từ bẹ cây móc đem phơi nắng rồi tách ra thành những sợi chỉ nhỏ như sợi tơ. Ngày nay người ta dùng dây cước nilon, rất nhỏ và trong suốt, nên đẹp hơn. Nón gồm những thanh lá mỏng đặt sát vào nhau, không dán keo, nhưng không nhăn, không bung ra, và không lệch lạc. (2)

 

Gia đình làm nón (nguồn: tuoitre.vn)

 

Nhìn qua công việc tạo nón lá, tuy tinh tế, nhưng chả có gì phức tạp. Chúng là sản phẩm thủ công nghệ của người bình dân. Suy ra vẻ đẹp của nón lá là nét đẹp ở bên trong. Hiển nhiên là vẻ đẹp ở bên trong chỉ có nơi con người. Ca dao nói ra một phần nào về điểm này:

 

Ra đường nghiêng nón cười cười,

Như hoa mới nở, như người trong tranh. (chiếc nón làm cho cô gái đẹp thêm)

 

Nón mới gột nước trời mưa,

Anh ham vợ đẹp thì thưa việc làm.  (nón làm cho vợ đẹp thêm)

 

Nón này là nón u mê,

Nón này là nón đi về che chung. (nhờ nón mà có kết nối)

 

Tròng trành như nón không quai,

Như thuyền không lái như ai không chồng. (nón đầy đủ được dùng làm biểu tượng cho hạnh phúc)

 

Vẻ đẹp của nón lá cũng chinh phục được người phương Tây. Đối với họ nón lá mang một sắc thái vừa thanh tú vừa mỹ thuật vừa có một chút huyền bí Đông Phương.

 

                     

Nón lá được một nhà thiết kế y phục Ý sáng tạo (nguồn: dongcong.net)

 

Những chiếc nón lá này không thuần túy là nón lá Việt Nam từ màu sắc, dây quai nón, hoa văn… nhưng chúng bắt nguồn từ mối cảm hứng rất ấn tượng về vẻ đẹp của nón lá Việt Nam. Nhờ đó nhà thiết kế Ý mới mượn nó để làm tăng thêm nét mỹ thuật trong những tác phẩm của mình.

 

Tuy nhiên, không có nhà thiết kế y phục ngoại quốc nào diễn tả được vẻ đẹp bên trong của cô gái Việt với chiếc nón lá:

Qua cầu ngả nón trông cầu

Cầu bao nhiêu nhịp, dạ sầu bấy nhiêu.

 

Có lẽ vì vậy mà cô gái Việt thường dùng nón lá che mặt để ẩn giấu tâm hồn mình trong đó.

 

ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 29-8-2012)

 

---------

(1)  Theo Phạm Đình Hổ (1768-1839) qua bài “Nón Đội” trong tập Vũ Trung Tùy Bút (tùy bút viết trong cơn mưa) có kể ra 18 loại nón khác nhau. Mỗi loại có tên riêng với công dụng riêng của nón. Như vậy vào thế kỷ XVIII, nón của dân ta không thuần túy là vật che nắng mưa mà là một cách trang phục biểu lộ phong cách giai cấp.

(2)  Xin đọc thêm các tài liệu khác về nón lá: “Chiếc Nón Lá” do Nguyễn Giao Thủy viết trên Quảng Nam online. “Nón Lá” trên bách khoa tự điển Wikipedia. “Nón Lá” trên website: Du Lịch Chu Du 24.

Tham khảo:

Phạm Đình Hổ: Vũ Trung Tùy Bút. Nguyễn Hữu Tiến dịch. Thư viện E-Book.

Tô Hoài. “Nón Xưa”. Chuyện Cũ Hà Nội. 2000. Nhà xuất bản Hà Nội.

 

 

Chằm nón lá Việt Nam

 

 

Múa nón lá "Việt Nam quê hương tôi". Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, biểu diễn Phương Linh, Phương Chi, Minh Châu, Hương Mai, Giang Hương, Thanh Tú, Mai Hồng, Thúy Hằng - tiết mục trong chương trình Solart tri ân

 

 

 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage