dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Hè học trò

 

 

Nói đến hè chúng ta liên tưởng ngay đến tuổi học trò, lý do trước hết, bởi vì chỉ bọn học trò mới nghỉ hè vào mùa hè. Đối với thiên hạ, họ “nghỉ hè” lung tung bất cứ vào thời nào. Lâu lâu thấy oải người, xin sếp nghỉ hè vài hôm, không cần biết trời đang mùa gì, giản dị là thế. Bản chất nghỉ hè của họ chỉ là cuộc nghỉ xả hơi. Dĩ nhiên chẳng phải lúc nào cũng được xả, vì có khi lại phải ôm về nỗi ấm ức.

 

Chưa đi chưa biết Nha Trang

Đi rồi mới biết họ sang hơn mình.

 

Lý do thứ hai, bởi vì trong tâm chúng ta ai cũng có một tên học trò ngơ ngáo ngồi cầu tài. Cho dù thân đã già, tai nghễnh ngãng vẫn nghe vọng lại một âm thanh nào đó, tiếng guốc ngập ngừng chẳng hạn.

 

Anh đi vào hạ, nhớ em xưa
Áo trắng bay bay giữa nắng trưa
Một chút hoa thơm, hương cỏ lạ
Một chút... hình như tiếng guốc thưa!

(Bùi Trung Tính - Hạ Xưa)

 

Nhưng mùa hè bắt đầu từ ngày nào nhỉ? Các bạn đừng nghĩ tôi hỏi lẩn thẩn. Theo tính toán của các nhà thông thái, hè bắt đầu vào ngày 26 tháng sáu và chấm dứt vào ngày 23 tháng chín. Trên thực tế nó không có điểm khởi đầu rõ ràng. Cụ Nguyễn Khuyến cho mùa hạ bắt đầu vào tháng Tư. Lúc đó nhiệt độ cao tới mức dế phải rên “thiết tha”.

 

Tháng tư đầu mùa hạ

Tiết trời thực oi ả

Tiếng dế kêu thiết tha,

Đàn muỗi bay tơi tả

(Vịnh mùa hè)

 

Cụ Chu Văn An cũng thấy trời nóng đến nỗi chim đứng rệu cánh, hết muốn nhúc nhích.

 

Thê ngô tĩnh cực hoàn thành lãn
Án thượng tàn thư phong tự khai.

(Sơ hạ)

 

Dịch nghĩa:

Phượng đậu cành ngô, im lặng biếng nhác.
Sách nát trên án, mặc gió tự mở.

(Đầu hè)

 

Nóng kiểu này, chót bẹt cũng là 40 độ C. Như đã nói, đừng tưởng thời gian mùa hè của học trò rõ ràng hơn. Nó nhất định khởi đầu từ lúc trường mãn khóa và kết thúc vào lúc tựu trường. Xem vậy mà vụ này cũng hơi ấm ớ, vì mỗi trường, mỗi vùng, có những ngày bãi trường và nhập học riêng. Dù thế nào, hè học trò cũng có vài điểm không bao giờ thay đổi. Đó là hè về có tiếng ve sầu và có hoa phượng đỏ.

 

Phượng vỹ rơi rơi những cánh hồng,
Hè về lần nữa em biết không?
Sân trường hiu quạnh nằm trơ đó
Vẳng tiếng ve kêu nỗi chạnh lòng.

(Lê Thị Hạ Anh - Hè nhớ )

 

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

 

Nói về tâm trạng, từ thuở nào đến giờ hè thường mang đến một nỗi buồn “tơi tả”. Cụ Nguyễn Khuyễn buồn thế sự, nên cụ thấy “đàn muỗi bay tơi tả”. Học trò buồn, trò thấy “hoa phượng rơi tơi tả”. Nhưng nói thật, cái tả tơi rách nát nhất của học trò là tâm trạng “biệt” ly. Vì vậy hè còn gọi là mùa chia tay.

 

Hoa phượng rơi tơi tả góc sân trường

Trong sâu lắng nghe như niềm ly biệt

Mùa chia tay trường lớp cũ thân thương.

(nh.Seattle - Nhớ hạ xưa)

 

Cứ coi như có vài giọt nước mắt, vài cánh hoa ép trong vở cho đúng điệu chia ly, nhưng cũng không luôn luôn cần thiết. Bởi vì mới chia tay được vài hôm, biết đâu oan gia lại gặp nhau ngoài ý muốn trong… lớp học. Vì vậy có nhiều tên phản đối “Đã nghỉ hè mà lại còn phải học hè”. Nhưng đời học trò là thế.

Đối với một số người “khôn” trước tuổi, thường là trò nữ, có một “nghỉ hè” nào đó khiến họ đột xuất thấy mình không còn là nít ranh nữa. Tâm lý học gọi là tuổi biết buồn. (Ở hay, buồn mà phải đợi đến tuổi hay sao).

 

Có một mùa hè em tiễn tuổi thơ đi
Nghe phượng thầm thì:
Mai em mười tám...

Có một mùa hè cứ ngại ngần không dám
Để mưa rơi...(Sợ làm ướt mắt người)
Tuổi thơ ơi!
Nỗi buồn ơi!
Em gửi lại ở nơi nào...
Xa lắm...

(Hoa TiNa - Mùa hè bình yên)

 

Về phía các trò nam, có một số khôn trước tuổi mà vẫn khờ. Với họ, hè là thời điểm giác ngộ, khi phát hiện ra đối tượng biến mất, mà lá thư chưa dám đưa. Tuồng này có lẽ ai cũng biết, vì hàng năm, bài Phượng Hồng, nhạc phổ thơ của Đỗ Trung Quân, đều được học trò hát cho học trò nghe.

 

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.

(Chút tình đầu)

 

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

 

Rồi có cả một rừng thơ, nhạc, và văn xuôi xoay quanh chủ đề mùa chia tay và chút tình đầu. Tuy nhiên vẫn còn một nhóm học trò khác, có thể nói là khờ sau tuổi, họ chẳng thắc mắc gì đến những chuyện trên. Họ bận tâm với công việc tầm cỡ hơn. Tôi không dám dèm pha ai, nên xin kể về chính mình cho khỏi đụng chạm. Hồi còn là học trò ở Sài Gòn, tôi, tức Trang, có người bạn thân tên là Nghĩa. Tên chúng tôi ghép lại cũng có chút ấn tượng, nhưng đó không phải là điều tôi muốn nói. Cái tôi muốn nói là hè năm đó chúng tôi tập… hút thuốc lá. Hai chúng tôi để dành tiền, rồi mỗi tuần một lần, trốn nhà ra ngồi ở quán bánh cuốn trên đường Cao Thắng. Sau khi mỗi người quất hết một dĩa bánh, chúng tôi tráng miệng bằng một điếu thuốc. Hồi đó các văn thi sĩ thường mô tả cái dáng hai ngón tay cặp điếu thuốc một cách rất thời thượng và đầy ắp nét suy tư. Tôi nghĩ anh bạn tôi cám cái cảnh đó, vì anh học triết, nên cũng cần nhìn khói bay để có thể suy nghĩ cái gì đó. Còn tôi, lối hút thuốc của hai gã cao-bồi trong xi-nê mới lạnh (cool) và gây cảm hứng cho tôi. Hai gã đó là Clint Eastwood và Lee Van Cleef.

 

Clint Eastwood có bộ mặt xương xương, đầy nếp nhăn, rào kín bởi hàm râu quai nón, mắt cứ nhíu lại, và miệng ngậm điếu thuốc. Dù hắn nói, điếu thuốc vẫn gắn trên môi, nên nó cứ nhảy lên nhảy xuống. Mỗi lần hắn châm thuốc, hắn co lên một chân, rồi quẹt cây diêm vào đế giầy một cú đánh xoẹt. Lee Van Cleef có cái mũi mỏ diều hâu và hàng râu mép rễ tre. Cặp môi của hắn cứ bập bập vào nhau để giữ cái ống tẩu. Gã thích chơi đòn tâm lý với con mồi. Đứng trước đối tượng đang lạnh toát xương sống, gã móc trong cạp quần ra một que diêm, vung tay quẹt một cú vào cổ áo con mồi. Lửa tóe lên, nạn nhân không dám nhúc nhích nhưng mồ hôi ứa ra từng hột… rồi hắn phà khói vào mặt nạn nhân … Ối chao lạnh người.

 

Ai dè lớn lên tôi thật sự sống với học trò trong từng mùa hè. Tôi là thầy giáo ở trường THKT. Nơi ngôi trường nhỏ bé đó, mùa hè và hút thuốc được kéo dài cả năm. Bởi vì tôi có vài bạn đồng nghiệp hút thuốc lá và hằng ngày chúng tôi gặp nhau từ sáng đến tối. Lúc đó chúng tôi còn trẻ nên rất dễ gần nhau. Có lẽ cũng có người hơi già, nhưng ít ra cũng trẻ hơn bây giờ. Tôi nhớ thầy Trần Khắc Hòa có râu mép và ngậm ống tẩu. Tuy nhiên cách hút của thầy quá từ tốn khiến Lee Van Cleef trong tôi nản chí. Trái lại quí thầy Lưu Văn Nhu và thầy Uông Văn Đính có xì-tai rút điếu thuốc lá trong túi, gắn vào môi, cực kỳ mô-đen và đầy nét phong nhã liêu trai chí dị. Thầy Lương Văn Liên có kỳ tài, thầy phất tay một cái, cùng lúc móc cái hộp quẹt zippo ra khỏi túi quần, nắp hộp quẹt bật mở, lửa cháy bùng lên. Tôi xin nhắc lại 3 động tác khác nhau vừa kể đều xảy ra cùng một lúc, tức là tam chiêu nhất thế. Đối diện với những vị cao thủ này, tôi đâm ra thẹn, nên lặng lẽ bỏ hút thuốc hồi nào không hay. Bây giờ nghĩ lại, thấy mình thật may phước, xin cám ơn quí thầy.

 

Tuổi học trò của tôi đã qua, nay lại sống xa xứ, vâng biết rồi khổ lắm nói mãi… Nơi tôi ở hè không có ve sầu, không có phượng vĩ, không có dế kêu, chỉ có cái nóng 40 độ C… chiều về đành nhìn mây trôi xa xa nơi phương trời cũ.

 

Cánh phượng tô thêm những sắc hồng

Râm ran ve gọi nỗi buồn không

Mây trôi lãng đãng về viễn xứ

Nỗi nhớ chiều nay xao xuyến lòng.

(Nguyễn Văn Hòa - Phượng buồn)

 

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California 20-7-2013)

 

-------

Thơ của quí thầy: Bùi Trung Tính, nh. Seattle, Nguyễn Văn Hòa, và cháu Lê Thị Hạ Anh nguồn từ “Vườn Thơ THKT”. Thơ của Hoa TiNa nguồn từ internet.
 

 


Copyright © 2010 - 2013 Trung hoc Kien Tuong Homepage