dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Tết Trông trăng nhớ bạn

 

* Tạp văn


Chẳng phải chỉ người lớn mới có tết, thiếu nhi cũng có tết. Không những thế nó còn hoành tráng tầm cỡ quốc tế. Danh hiệu của nó là Universal Children’s day. Tên này được Liên Hiệp Quốc (The United Nations - UN) khởi xướng vào năm 1954 và họ chọn ngày 20 tháng 11 hàng năm làm ngày tết.


Chuyện lớn thật, nhưng UN đi sau Việt Nam ta cả ngàn năm. Tuổi thơ Việt đã có tết Trông trăng vào ngày rằm tháng Tám từ thời đồ đá, chứng tích còn ghi trên trống đồng Ngọc Lũ. Dĩ nhiên ban đầu lễ hội dành cho cả gia đình, nhưng con nít cũng có phần trong đó. Các học giả cho biết lễ hội là nét đặc thù của nền văn minh lúa nước, trong địa bàn bao gồm Nam Trung Hoa và bình nguyên sông Hồng. Tháng Tám là thời tiết êm dịu nên thơ nhất của mùa Thu và đêm rằm là đêm Thu đẹp nhất. Mặt trăng tròn to sáng vằng vặc như ban ngày. Ngày liên hoan Rằm tháng Tám gắn liền với tiết được mùa lúa.


Theo dòng thời gian, cả giới thượng lưu lẫn giới bình dân đều ngắm trăng rằm với cặp mắt lãng mạn hơn là con mắt dân cày, nên ý nghĩa của phong tục cũng chuyển thể theo. Tiếng Việt gọi ngày rằm tháng Tám là “tết Trông trăng”, tiếng Hán gọi là hội “Trung thu tiết”. Bên Trung Hoa có vài truyền thuyết quí phái về lễ hội Trung thu tiết. Một tích kể rằng vua Đường Minh Hoàng được một đạo sĩ dùng pháp thuật đưa lên mặt trăng dạo chơi. Khi trở về trần thế vua luyến tiếc cảnh tiên nên lập ra ngày hội cho đỡ nhớ. Một huyền thoại khác là chuyện Hằng Nga uống trộm thuốc trường sinh của chồng là Hậu Nghệ. Thuốc khiến thân thể nàng nhẹ bổng bay lên cao đến tận cung trăng. Từ sự tích này mặt trăng còn được gọi là Hằng Nga.


Trong khi người Trung Hoa cho mặt trăng là giống cái (Hằng Nga) thì người Việt cho mặt trăng là giống đực (ông trăng). Đồng dao có câu: “Ông giẳng ông giăng, xuống chơi với tôi, có bầu có bạn…” Sự tích Tết Trông trăng của Việt Nam không liên quan gì đến văn hóa Trung Hoa. Truyện cổ kể rằng có thằng Cuội
khám phá ra một cây đa mà lá của nó là thuốc cải tử hoàn sinh. Cuội mang đa về trồng trong vườn và nghiêm túc dặn vợ không được đái vào cây. Cô vợ ngày nào cũng bị nghe nói cấm đái nên sinh mối phản cảm. Một hôm Cuội đi vắng, cô ta tè ngay vào cây cho bõ tức. Cây đa nhổ gốc bay lên trời. Cuội chạy tới níu lại nên bị dính theo cây. Cây bay lên tới mặt trăng thì đáp xuống. Thế là trên mặt trăng có thằng Cuội ngồi ở gốc cây đa. Ở dưới đất nhìn lên ai cũng thấy rõ. Câu truyện này thuộc loại “chỉ có ở Việt Nam”, nhưng bạn đừng tưởng nó là mẩu chuyện giỡn chơi. Triết gia Kim Định, và một số học giả sau này, đã có công giải mã về ý nghĩa vũ trụ quan của câu chuyện. Chuyện ẩn tàng triết lý “Tam tài nhất thể”, tức “con người với trời và với đất là một”. Tam tài chỉ có thể hòa hợp khi con người có tâm thanh tịnh buông xả hết vướng mắc tục lụy và vươn lên.


Ở bên Mỹ, bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt hàng năm đều có tổ chức Tết Trung thu. Ban tổ chức quyên góp tiền bạc mua đèn giấy và bánh quà để tặng không cho các em tham dự. Mục đích của người Việt tha hương là gìn giữ và lưu truyền phong tục của dân tộc cho những thế hệ sau. Con đường gìn giữ bản sắc dân tộc dài vạn dặm, nhưng phải bắt đầu bằng một bước đi. Các tiết mục trong lễ hội thường là thi tài năng, như tài ca nhạc và khả năng nói tiếng Việt. Ngoài ra còn có múa lân và rước đèn. Phần văn nghệ giúp vui thường có người đóng vai Cuội. Thời bây giờ người ta lịch sự nên gọi Cuội là chú. Biểu tượng của Cuội là mặc quần áo nâu sòng. Quần phải ống cao ống thấp và đầu phải chít khăn. Nhìn các em tay cầm đèn lồng, miệng gào lên hát “Tết Trung thu đốt đèn đi chơi…” tôi thấy lễ Trông trăng của Việt hoàn toàn là nét văn hóa chứ không liên quan đến ý nghĩa nhân bản do UN đề ra.

 

Nguồn minh họa: Internet. Thanks.


Trẻ con Việt ở Mỹ được tặng đèn lồng và bánh ngọt. Trẻ con ở bên nhà không được may mắn như vậy. Hồi nhỏ ở Trà Vinh, tôi có “thằng” bạn rất thân. Nhà bạn ở Cầu Kè, mỗi lần đến nhà bạn bao giờ tôi cũng thấy bạn đang vẹo hông ẵm em. Trước Tết Trung thu tôi tới nhà bạn. Đứng trong cửa sổ nhìn ra, thấy tôi đang bước trên tấm cầu ván bắc trên mặt sình, bạn giận lẫy la to: “Sáng giờ tao đợi mày quá trời. Sao giờ mới tới mậy. Tao không thèm làm lồng đèn cho mày nữa.” Tôi cười bước vào nhà. Bạn thảy đứa em cho tôi rồi ngồi xuống nền nhà hì hục chẻ tre làm lồng đèn. Cuối cùng chúng tôi có hai chiếc đèn ngôi sao. Bạn chỉ có một tờ giấy bóng kiếng đỏ không đủ cho hai lồng đèn. Vì vậy chỉ có mặt trước của đèn được lồng giấy kiếng đỏ, mặt sau dán bằng giấy tập vở học trò. Tối hôm đó chúng tôi rất sung sướng sách đèn đến sân trường nhập bọn với cả trường đi rước đèn trong những con phố của tỉnh Trà Vinh. Người lớn đứng hai bên lề xem chật cả lối.


Chuyện xảy ra khiến tôi chẳng bao giờ quên. Có một ông đứng bên lề bị xô đẩy ngã vào tôi làm chiếc đèn bị cháy. Người lớn Việt Nam không bao giờ biết nói xin lỗi, nhất là xin lỗi đứa con nít. Ông bước lên hè nói đổng “Đồ nít ranh”. Tôi rụt rè nhìn bạn. Bạn nhìn tôi, rồi nói to: “Nít ranh đi lẹ lên.” Chúng tôi cười ầm lên và quên hết chuyện vừa qua. Từ đó chúng tôi gọi nhau là “nít ranh”. Chữ này đi sâu vào tiềm thức tôi, nhưng với ý nghĩa rất êm đềm và dễ thương. Hình như khi người ta thân nhau, người ta phải dùng một chữ thô tục nào đó để gọi nhau nó mới thấm thía cái sự gần gũi.


Đáng tiếc thời gian qua đã gần 60 năm, tôi chẳng còn nhớ “Nít ranh” tên thật là gì. Nhưng mỗi lần thấy mấy nít ranh cầm đèn Trung thu tôi lại thấy hình ảnh tôi và bạn ngày xưa.
 

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California 17-9-2013)


+ Nguồn minh họa: Internet. Thanks.

 

 


Copyright © 2010 - 2013 Trung hoc Kien Tuong Homepage