dnnp - đỗ xanh

 

 

CẢM XÚC NHÂN NGÀY CỦA MẸ (11-5-2014):

Mẹ yêu


(Nguồn minh họa: Internet. Thanks.)

 

 

Bởi vì không thể nói đến tận cùng về tình mẹ, người ta cô đọng mối cảm xúc ấy thành một ý niệm, như gom cả đại dương vào một giọt nước. Ý niệm tình mẹ được minh họa qua những mẩu chuyện để con tim mở ra, không phải để đọc. Chiều kích vượt giới hạn của chuyện như ẩn ý trong thơ Haiku, hay thâm sâu như trong công án thiền. Cũng cần phải có con tim nhìn hạt nước mà thấy cả đại dương.


Có vị vua muốn ca tụng mẹ, vua nhờ một nhà hiền triết nổi tiếng viết một tác phẩm về mẹ. Đến kỳ hẹn dâng sách, vua cho tập họp triều thần để đón nhận và để cùng thưởng thức. Vua thấy trang thứ nhất có chữ Mẹ rất mỹ thuật, còn cả quyển sách đều là giấy trắng. Vua ngạc nhiên hỏi, “Sao khanh không viết gì?” Vị thông thái trả lời, “Tâu bệ hạ, chữ Mẹ đã bao hàm tất cả những gì muốn nói rồi. Tuy rừng ngôn từ mênh mông bát ngát, nhưng thần không tìm ra một từ nào cần thiết để có thể thêm vào.”


Hễ nói về mẹ của người khác, ai cũng có thể nói đôi lời, nhưng khi nói về mẹ của mình, không ai biết phải bắt đầu từ chỗ nào. Có nói suốt đêm, rốt cuộc cũng chỉ là những lời huyên thuyên chẳng ra hồn. Cảm xúc về mẹ không thể diễn tả bằng văn hay bằng lời. Nhất là khi cảm xúc ấy trộn lẫn với dòng nước mắt đắng cay trong cuộc sống. Ngôn từ nhị nguyên bất lực khi biện bạch cái cốt tủy của sự tinh tuyền. Nếu có nói “Mẹ ơi” thì rõ ràng đã nói rồi mà thực ra chưa nói được gì, nhưng tâm tư về những gì muốn nói lại tràn đầy. Điều mà Lão Tử phân trần “ngôn vô ngôn” (nói ra cái không nói) có lẽ là vậy.


Xưa nay, từ giới trưởng giả đến giới cùng đinh, hễ có con là có mẹ, và mẹ luôn luôn là dòng sữa ấm. Thời gian có làm người ta già đi, nhưng con không bao giờ quá già để không cần mẹ. Kể cũng lạ, khi gần mẹ, tự nhiên mình thấy mình là con nít. Đó là kinh nghiệm chung chẳng kể xưa và nay, giàu hay nghèo. Tuy là kinh nghiệm chung, nhưng luôn luôn mới mẻ cho riêng từng người. Cũng như tuy được tưới nước dưới cùng một cơn mưa nhưng mỗi cây nở một loại hoa khác nhau. Mẹ chuyển sinh khí vào cuộc sống và con khám phá ra những xúc cảm vượt thời gian.


Có lý do để người ta nói “biết ra sao ngày mai”, vì ít ai ngây thơ tin trọn vẹn vào mình. Nếu ta không thành đạt, người đời có thể mỉa mai, “Cái mã nó mà làm được gì.” Khi cần bạn bè giúp đỡ, ta nhận rõ tình trạng bị loại bỏ của mình. Trái lại mẹ là người có niềm tin đơn thuần đến kinh ngạc vào con, dù chẳng có lý do gì để tin như thế, và khi cần mẹ giúp đỡ, ta không thấy mình bị loại bỏ. Ngốc nghếch như tên Forrest Gump với số IQ quá thấp khiến bị đuổi học. Thầy hiệu trưởng nói trắng trợn rằng óc nó hết thuốc chữa. Mẹ nó không chấp nhận được điều ấy. Bà cãi nhau với ông, khiến ông đành phải cho nó vào trường. Rồi mẹ nó qua đời, Forrest lớn lên vẫn ngốc, nhưng “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, gã thành tài, đúng như mẹ nó tin. Forrest tuy lớn xác, nhưng khi phát biểu điều gì, gã cứ mở đầu bằng câu, “Như mẹ tui đã nói…” Mẹ vẫn còn hiện diện và người con luôn luôn khám phá ra năng lực của mẹ ban cho mình.


Dương Phủ lìa nhà, khổ công đi tìm Phật để tu đạo. Lang thang khắp nơi không thấy, Dương gặp vị lão tăng. Lão cười nói, “Để ta mách cho. Con hãy về nhà, trên đường đi hễ thấy ai đi guốc phải ở chân trái, đi guốc trái ở chân phải thì người ấy là Phật hóa thân.” Dương nghe lời trở về, nhưng trên đường chẳng thấy ai như vậy cả. Cuối cùng Dương tới nhà. Đêm khuya nghe tiếng con goị cửa, mẹ Dương mừng quá, xỏ guốc ngược cả chân, chạy vội ra đón. Dương nhìn sững chân mẹ rồi chợt ngộ đạo. Hãy tu tại gia vì mẹ già ở xó bếp cũng là Phật, chẳng cần cầu kì tìm kiếm ở phương xa.


Khuynh hướng duy lý hiện đại dùng kiến thức tâm sinh lý để phân tích tình mẹ con. Những phân tích khoa học chỉ chạm tới lớp sơn bên ngoài chiếc hộp. Cái vô thanh sắc trong hộp mới là cái nội dung. Trong cõi vô thanh sắc không thể đo lường ấy, đau đớn của con là đau đớn của mẹ. Thất bại của con là thất bại của mẹ. Niềm vui của con là hạnh phúc của mẹ. Cùng lúc, mẹ là nơi hóa giải những mâu thuẫn tranh chấp trong nhạc điệu dịu êm. Con là người không phải chỉ có vài lỗi lầm, nhưng có nhiều lỗi lầm, vì con là con. Mẹ không phải chỉ có vài lần tha thứ, nhưng luôn luôn tha thứ, vì mẹ là mẹ. Người Mỹ có câu, “Chỉ mẹ nó mới yêu nổi nó” (Only a mother could love him). Đây là lời chê bai kẻ dễ ghét, quả là thâm trầm, vì cùng lúc lại nhìn thấy điểm tựa vô thanh sắc của kẻ đó.


Vì vậy tình mẹ nổi bật trong những hoàn cảnh ức chế. Sau cơn động đất, người ta tìm thấy trong đống đổ nát một bà mẹ còn trẻ và đứa con mới có mấy tháng. Em bé không chết nhờ mẹ lấy thân che cho nó. Em bé sống sót nhờ mẹ cắn ngón tay lấy máu cho nó bú. Mindy Trần, 22 tuổi, ở bang Massachusetts, có hai con gái sinh đôi lên 2 tuổi. Một hôm chở con đi về học, cô đậu xe trước sân garage, rồi xuống xe. Cô chưa kịp mang hai con ra thì bất ngờ chiếc xe theo triền dốc của sân lăn đi. Cứ theo đà này xe sẽ chạy ra đường và đâm vào dòng xe đang chạy. Mindy vội nhào mình xuống đất, dùng thân làm vật cản chận bánh xe. Chiếc xe đè lên cô. Người hàng xóm chạy tới đưa 2 con cô ra khỏi xe rồi kêu đội cấp cứu tới nâng xe lôi cô ra. Cô bị gẫy xương chân, trật xương hông và xương bả vai. Truyền thông loan tin rầm rộ khen cô là nữ anh hùng. Cô trả lời, “Không dám, tôi chỉ là một bà mẹ.”


Mẹ thương con nhưng dứt khoát không mù quáng phản xã hội phi nhân bản. Mẹ chỉ muốn con thành công trong đạo đức, “Con ráng làm việc cho tốt đừng để người ta chê cười.” Tuy vậy có những người con khi thành đạt, rồi đổi tim. Họ bỗng thấy mẹ là bà già nhà quê, là chứng cớ cho cái quá khứ tôi tớ mà họ đang muốn vẽ lại. Họ chua chát thấy mình chả cần gì nơi mẹ. Sự hiện diện của mẹ là nỗi xấu hổ cho họ. Mẹ phải rút lui chấp nhận định mệnh. Mẹ vẫn thương con dù biết con không cần mình. Nhưng ngay cả khi ấy, lúc mẹ cô thế yếu đuối và bất hạnh nhất, lời mẹ cầu nguyện cho con lại thắm thiết hơn bao giờ.


Rồi đến ngày, mẹ ngã gục xuống, đôi khi quá nhanh khiến những hạt nước mắt rơi xuống hối hả như mưa. Cái chết không nhân nhượng ai, nhưng đôi khi vẫn không ngăn cản được mẹ muốn gần con. Có cậu bé Nhật Bản sớm mồ côi mẹ, nhưng vẫn đều đặn nhận được bánh sinh nhật hằng năm, cho đến khi cậu 21 tuổi. Thì ra bà mẹ biết mình sắp chết, bà đến tiệm bánh đặt hàng sẵn bánh sinh nhật cho con. Suy ra những người yêu nhau không bao giờ chết.


Thế đấy, tình mẹ là mực để viết nên những câu chuyện đẹp nhất và là những sợi chỉ màu để thêu nên biết bao cảnh nên thơ. Vẻ đẹp của chúng nằm sâu trong tim của con, vì chẳng ai có thể nói ra hay viết ra được.
 

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California, 11-5-2014)

 

 

 


Copyright © 2010 - 2014 Trung hoc Kien Tuong Homepage