dnnp - đỗ xanh

 

 

 

 

 

 

 

Huyền diệu

Cô y tá mang em bé mới sinh đến cho bà mẹ. Bà mở mắt ra nhìn con. Ngay tức thì, từ em bé có 10.000 tỷ hạt lượng tử ánh sáng (photons) phóng qua không gian với vận tốc 300.000 cây số trong 1 giây đổ xô vào con ngươi của mắt bà mẹ. Trước hết chúng đi ngang qua một lăng kính hình quả trám, trong suốt, gọi là nhãn cầu. Rồi chúng tới một cái vách trong cùng của con mắt gọi là võng mạc.

 


Lúc đó, tại võng mạc có khoảng 30 triệu phân tử chất đạm đang nằm im ngủ. Khi những hạt lượng tử ánh sáng lùa tới, những chất đạm này choàng thức dậy. Chúng hất tung lên hơn 100 triệu tế bào hình que và hình nón. Những tế bào hình nón chia làm 3 nhóm với 3 khả năng khác nhau. Một nhóm cảm ứng vời màu xanh đậm, một nhóm cảm ứng với chuỗi màu gồm từ vàng tới xanh lá cây, và một nhóm cảm ứng với chuỗi màu gồm từ cam qua đỏ. Những tế bào hình que chỉ có một loại sắc tố. Chúng cảm ứng với những ánh sáng mờ tối và màu sắc lạt. Mỗi sắc tố là một tập hợp của 20 nguyên tử carbon, 28 nguyên tử hydrogen, và 1 nguyên tử oxygen. Các nhóm sắc tố phối hợp với nhau để phản ảnh đúng màu sắc và hình dáng của em bé. Chúng uốn lượn nhảy múa tưng bừng trong một nhịp điệu thần tiên để sao chép hình ảnh của em bé. Khuôn mặt và màu sắc của em bé không giản dị. Nó có chỗ lồi lõm và với những màu sắc khác nhau. Chẳng hạn đôi mắt đen lay láy, cái mũi nhỏ nổi bật trong bóng tối, và cái má bầu bĩnh hồng hồng. Đến đây hình ảnh em bé đã hiện rõ trên võng mạc. Thời gian tính từ ánh mắt khởi đầu đến lúc này chỉ có 1/1000 giây.

 


Bà mẹ vẫn chưa “nhìn” thấy đứa con của bà, bởi vì hình ảnh này chưa kịp chuyển lên não bộ. Những đốm sáng lóe lên trên võng mạc châm lửa vào đầu các nơron thần kinh. Các phân tử vỏ bọc dây nơron lập tức đổi bản thể. Chúng phân hóa các ion muối để tạo ra một luồng điện truyền từ nơron này qua nơron khác. Trong khi di chuyển, chúng mang theo những dữ kiện của mắt trái và mắt phải tới não bộ. Trước khi đến não bộ, các nơron thị giác của 2 mắt giao thoa nhau thành một điểm X. Tới đây chúng ta bị lạc vào mê lộ. Bởi vì có hàng ngàn nơron chằng chịt gắn nối với nhau để chuyển tin đi tới và trở về với một vận tốc cực kỳ nhanh đến lạnh người. Kinh khủng hơn nữa, tới não bộ, chúng ta choáng váng khi thấy hàng tỷ sợi nơron chằng chịt với những chức vụ khác nhau. Khoảng 2/1000 giây sau, hình ảnh em bé được óc của bà mẹ nhận được. Bà nhìn thấy đứa con của mình trong hình ảnh nổi 3 chiều, đúng kích thước, và đúng màu sắc. Mỗi lần em bé ngọ ngoạy, các tế bào sắc tố lại nhảy múa để phản ánh cái hình ảnh mới và diễn trình nói trên lại tái diễn.

 


Em bé cất tiếng khóc “oa oa”. Âm thanh này tạo ra những làn sóng chuyển vào bầu không khí. Với khoảng cách 2 thước, âm thanh của tiếng khóc sẽ tới tai bà mẹ sau 1/150 giây. Trong lỗ tai của bà có một tấm màng che gọi là màng nhĩ. Tấm màng này rất tinh tế, mỏng chừng 1 millimét, và có dạng như cái mặt trống. Đàng sau màng nhĩ là một cái ống máng hình xoắn ốc rất cầu kỳ gọi là ốc tai. Trong ốc tai có chứa một dung dịch. Khi có âm thanh dội vào màng nhĩ, màng rung lên như mặt trống bị đánh. Màng nhĩ sao chép nguyên vẹn hàng chục âm thanh khác nhau, kèm theo những hướng phát của chúng, cùng một lúc mà không bao giờ lẫn lộn. Trong phòng bây giờ có tiếng khóc của em bé, tiếng cười của cô y tá, tiếng nói của thân nhân… tất cả tạo nên một bản hòa tấu với những giai điệu rất phức tạp. Tất cả mọi âm thanh đều được màng nhĩ ghi nhận không thiếu một âm nào. Khi màng nhĩ rung động, nó cũng rung chuyển dung dịch bên trong ốc tai. Dung dịch chuyển những làn sóng rung động ấy lên óc. Óc hoán đổi rung động thành âm thanh nổi, nghĩa là âm thanh có hướng phát ra, có tiếng vang, và với những cường độ to nhỏ khác nhau.

 


Thế rồi có hai điều huyền bí xảy ra. Điều thứ nhất, bà mẹ ôm lấy con và nói: “Trời ơi! Con tôi đẹp quá.” Không biết cái gì đã làm cho khối óc biết cảm nghiệm cái đẹp. Cảm nghiệm chân-thiện-mỹ là một chứng nghiệm tinh thần, thuộc chiều sâu, chiều cao, và rất riêng tư. Cho đến nay, với trình độ kỹ thuật cao, toàn thể các khoa học gia trên thế giới vẫn chưa có ai hiểu được tại sao khối óc lại biết “cái” gọi là đẹp.


Điều thứ hai, bà mẹ sung sướng ôm đứa con. Tâm hồn bà rạo rực tình mẫu tử. Tức thì vùng năng lượng bao bọc thân thể bà nóng lên. Các vật thể DNA rung lên đến 78 tỷ chu kỳ (gigaherts) trong 1 giây. Chúng tạo ra luồng năng lượng sống chạy khắp châu thân bà, khiến một số tế bào “phấn khởi” được khai sinh. Những tế bào này là vật chất, nhưng điều lạ là chúng hoàn toàn do tinh thần phấn chấn của bà mẹ sáng tạo ra. Mặc dù không hiểu được, nhưng người ta không thể phủ nhận hay hoài nghi về quyền lực của tinh thần. Năng lượng hân hoan của bà mẹ làm êm dịu cả không gian của căn phòng.


Điều còn lại là nhân bản vị của hai mẹ con. Ngay khi tiếng khóc của em bé và tiếng khen của bà mẹ bật ra khỏi miệng, “cái tôi” (ego) của họ bỗng hiện diện. Cái tôi, tức cá nhân, là một thực thể trong vũ trụ. Nó là một khối vật chất nên bị chi phối theo luật vật lý, nhưng cùng lúc nó lại là một bản thể tinh thần có ý thức. Cái tôi không bao giờ đứng một mình như một vật thể đơn thuần. Nó luôn luôn gắn liền với một nhận thức về một kinh nghiệm nào đó. Người ta chỉ có thể nói: tôi vui, tôi buồn, tôi đói, tôi cười… Không có ý thức đi kèm, cái tôi không hiện diện. Như vậy cái tôi là một cá thể độc đáo. Mình là chính mình. Nhân phẩm này chỉ có khi cái tôi có ý chí tự do. Nếu không được quyền có cảm nhận riêng tư, cái tôi chỉ là một vật thể. Nó là một xác chết hay một cơ phận phi nhân của một guồng máy vận chuyển theo luật nhân quả (cause and effect).

 

Con người trong phác thảo của nhà danh họa Ý da Vinci.


Con người là thể vật chất nhưng có siêu nhiên tính là nền tảng. Là siêu việt nên có khả năng vượt khỏi vật chất để giãi bày vinh quang của nguồn siêu việt. Con người là một tuyệt tác phẩm và sự sống của con người là một tác phẩm kỳ diệu.


ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California 4-1-2011)

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage