dnnp - ngô vàng

 

 

 

 

 

 

CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG

 

Chiếu trên, dành để cho ai?

 

* tạp văn

 

Thế kỷ đã 21 rồi, vậy mà ông Tám Khó xóm tôi cũng vẫn còn… khó! Cái bệnh gia trưởng từ thưở nào nao trong người ông, hình như lúc nào nó cũng như cái nồi cơm điện 2kw đang sẵn sàng đặt ở chế độ warm! Đợi có cơ hội nào diễn ra, và ở bất cứ nơi đâu, hễ mà có mặt của ông là cái bệnh khó ưa này lại được dịp "thăng hoa" tức thời. Khổ nỗi! cái mức độ "tha quăng" này lại bột phát thật dữ dội mới là ghê chứ! Thậm chí đôi khi chuyện phân biệt ngôi thứ trên dưới xảy ra một nơi có hoàn cảnh và nơi chốn không ăn nhập gì đến cái gia pháp lỗi thời cũa gia đình ông ta cả. Lúc nào ông cũng luôn miệng: Nước có quốc pháp, nhà có gia qui. Đúng sai, điều này cũng tùy thuộc ở riêng tư của mỗi gia đình, nhưng với ông Tám Khó, ông luôn luôn khăng khăng bắt buộc mọi người đều phải tuân theo tuyệt đối những gì mà ông cho là ý nghĩa bất di bất dịch trong xã hội: bảo tồn luân lý Khổng Mạnh.

 

Cũng vì những cái khó khăn trong đầu óc của ông bất kể bánh xe lịch sử đã theo thời đại mà lăn bánh hàng ngàn tuôn rồi nên do chuyện đổi thay cho thích hợp với lối sống hiện đại này mà mấy đứa thanh niên trong làng mỗi khi thấy ông đi ngang qua, chúng nó thì thầm, rù rì lén đặt cho ông cái tên là lạ: Ông Tám "da qui.." Rồi chúng nó cười khúc khích với nhau mỗi khi gặp ông trên đường làng. Nếu, bất chợt ông Tám Khó nhìn thấy, chúng nó khoanh tay thật tròn, miệng lớn tiếng chào: thưa ông. Đầu chúng nó cúi xuống thấp như cung kính lắm nhưng thực ra là chúng nó dấu bớt tiếng nói của câu chót tiếp lời: ...ông Tám "da qui.." ạ. Ông Tám Khó hài lòng ra mặt, ông vỗ vỗ đầu từng đứa, miêng không ngớt khen đáo khen để: Ngoan, ngoan. Vậy mới đúng là cháu ông Tám lễ giáo của tụi bây chớ!

 

Nguồn minh họa: Internet.


Rồi một ngày kia…


Nhà chú Hai Tiếng có đám giỗ nhật lề. Chú mời bà con họ hàng trong thân tộc cùng các láng giềng thân cận lâu nay đến dự tiệc. Trong đó, đương nhiên là phải có mặt ông hàng xóm Tám Khó. Lúc mọi người ngồi vào bàn chuẩn bị thù tạc cho giao tình làng xóm thêm gần gũi nhau thì riêng bàn cỗ của các trưởng tộc còn dư lại một chiếc ghế trống. Thằng Tư Lạc không biết vì sao mà đến trễ. Nó xớn xơ, xớn xác ghé mông vào bàn này mà không kịp biết phân biệt đây là bàn "chiếu trên". Nó lễ phép lên tiếng:
- Kính thưa quí ông, quí bác. Con đi thực tập về trễ. Xin quí ông, quí bác vui lòng cho phép con được ngồi vào bàn dự tiệc cho đông vui thêm.


Đang gắp miếng mề gà chấm vào chén muối ớt sừng trâu đỏ au, ông Tám Khó khựng đũa lại nhìn trừng trừng vào thằng vô phép không biết lễ nghì Tư Lạc. Ông xẳng giọng:
- Thằng này, mày là con cái nhà ai mà vô phép vô tắc quá vậy?


Thằng Tư Lạc hết hồn, run run thưa bẩm:
- Dạ, con là cháu ngoại của ông Hai Tiếng.


Không cần nhớ lại Hai Tiếng là đứa nào, ông Tám Khó hất mặt lên rồi gằn giọng:
- Mày có biết là bàn này là bàn "chiếu trên", chỉ dành cho những người có râu không mậy? [ý ông chỉ những người lớn tuổi]


Thằng Tư Lạc hoảng vía, nó chắp tay xin lỗi ông Tám Khó rồi lủi thủi đi thẳng xuống nhà bếp ngoại nó để ăn vội cho kịp buổi học chiều nay. Thằng Tư Lạc vừa ăn vừa nhớ lại chuyện vừa rồi, mặt nó buồn còn hơn bài hát "buồn tàn thu"! Nó lẩm bẩm lời ca nhại khác như để cám cảnh mà bào chữa cho hoàn cảnh nó: Không phải tại ông mà cũng không phải tại tui, tại trời.... Chưa dứt lời ca, bỗng nó thấy con mèo mướp cưng của dì Út nó đang mon men lại gần mâm thức ăn của nó, thằng Tư Lạc chợt nổi điên lên. Nó ẵm con mèo háu ăn chạy vù lên bàn có ông Tám Khó đang khề khà chén chú chén anh, nó nhìn thẳng vào ông Tám Khó rồi lên tiếng:
- Bẩm ông Tám, ông Mướp này cũng có râu. Ông cho ông Mướp ngồi chung "chiếu trên" với ông nghen.


Nói xong, nó... hô biến một mạch.


Thím Hai Tiếng lắc đầu than thở:
- Rõ khổ, con hư tại mẹ, cháu hư tại...

 

Tới đây thím bổng dừng lại vì ngoài trời bất chợt giông gió nổi lên ầm ầm. Hình như có tiếng ì đùng của sấm sét vang xa xa...


Mùa mưa năm nay đến sớm hơn năm ngoái.

 

ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 15-5-2011)

 

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage