dnnp - đỗ xanh

 

 

 

 

 

 

 

Luân lý Hoàn cảnh và Luân lý Khách quan


 

* Luận đề


(Những dẫn chứng trong bài này tuy được giản lược hóa nhưng đều là những hoàn cảnh thật. Chúng được trích ra từ hồ sơ của các nạn nhân.)


Dối trá là xấu hay tốt? Nếu có kẻ cướp cầm súng vào nhà, người lương thiện có quyền nói dối để bảo vệ tính mạng vợ con hay không?

 

Nhà bác học Einstein.


Năm 1916, Einstein đưa ra thuyết Tương đối (Theory of Relativity). Ý niệm “tương đối” của ông đã đánh thức tư tưởng hoài nghi của những người duy lý suốt từ thời đó cho tới nay. Về mặt luân lý, nhóm chủ trương “xét lại” cho ra đời thuyết Luân lý Tương đối (Ethical Relativity) tại châu Âu vào năm 1932. Họ phủ nhận tính cách pháp chế (legalistic) của mọi nền luân lý tôn giáo. Họ biện luận rằng “mỗi hoàn cảnh đều cá biệt. Không thể có luật luân lý cố định, mang tính thần quyền, áp đặt trước cho mọi trường hợp.” Con người có quyền tự do xét đoán theo lương tâm cá nhân. Chẳng hạn nói dối tự chính nó không mang một giá trị đạo đức nào cả. Ta không thể biết “nói dối” là tốt hay xấu, chỉ khi gặp hoàn cảnh, ta mới xác định được. Nói dối để lường gạt thì xấu, nhưng nói dối để cứu người thì không phải là xấu. Vì vậy con người phải qui về nền luân lý trách nhiệm (moral responsibility) hơn là phục tòng nền luân lý cưỡng ép cố định.


Cao điểm của nhóm “tương đối” là thuyết Luân lý Hoàn cảnh (Situation Ethics) do Joseph Fletcher, một mục sư Episcopal (Tân giáo) lập ra vào năm 1960. Điều nổi bật của Fletcher là ông không đả kích luân lý tôn giáo. Ngược lại ông mập mờ dựa vào luân lý Kitô giáo làm nền tảng cho thuyết Luân lý Hoàn cảnh. Fletcher tin rằng thuyết của ông sẽ cân bằng hóa các nền luân lý với thế tục. Kỳ vọng này có vẻ không tưởng, nhưng trên thực tế tư tưởng của ông đang được chấp nhận rộng rãi trong giới theo khuynh hướng duy lý.


Biện luận của thuyết Luân lý Hoàn cảnh


Fletcher cho rằng luân lý vì con người mà có. Nó được đặt ra để giúp con người, không phải để áp chế tù hãm con người bất chấp tình thế của hoàn cảnh. Do đó giá trị của nó phải tùy thuộc vào hiện trạng mà con người đang liên hệ. Suy ra luật luân lý không hề có cái gọi là bản chất đạo đức nội tại, độc lập, bất chấp hoàn cảnh. Những ý niệm đạo đức như tốt/xấu, thiện/ác, đúng/sai… thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Ai cũng biết “thức ăn bổ của người này lại có thể là món ăn độc cho người kia.”


Nội dung thuyết Luân lý Hoàn cảnh qua sáu mệnh đề

 


Một cuốn sách về Luân lý Hoàn cảnh của Joseph Fletcher.

 

Fletcher đưa ra 6 mệnh đề (propositions). Từ mệnh đề I tới mệnh đề IV, Fletcher luận giải về tình yêu. Tình yêu ở đây là “Agapé”, tiếng Hy Lạp, một đặc ngữ của Kitô giáo nói về tình yêu thuần khiết vị tha, vô điều kiện, “yêu kẻ thù nghịch”. Agapé tự chính nó là tốt lành và công chính. Một hành vi công chính chỉ là tình yêu được cụ thể qua hành động.


Theo Fletcher, luật luân lý có hai phạm vi: giá trị nội tại và giá trị ngoại tại. Fletcher khảng định, chỉ một mình Agapé mang lại giá trị nội tại cho luật. Agapé là tốt lành tuyệt đối bất chấp hoàn cảnh có thế nào. Giá trị ngoại tại của luật là cách thức thể hiện luật ấy, tức là những việc làm để dẫn tới thành quả tốt lành. Chúng chỉ mang giá trị tương đối, nên có thể thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh.


Fletcher đưa ra hướng đi như sau. Vì Agapé có giá trị tuyệt đối nên nó được dùng làm gốc cho mọi hành vi. Khi quyết định một hành xử, người trong cuộc trước hết phải có tình yêu là động lực thúc đẩy. Kế đó phải nhìn ra trước kết quả tốt đẹp việc mình đang làm. Luận đề này đưa đến kết luận: bất cứ việc gì nếu có căn gốc là tình yêu, việc ấy sẽ tốt lành. Fletcher đưa ra dẫn chứng, có anh tù binh tự tử để không tiết lộ tin tức nguy hiểm cho đồng đội. Nếu chỉ nhìn vào sự kiện tự tử, nó là xấu. Nhưng nếu nhìn vào hoàn cảnh và thành quả, nó là một hy sinh can trường để cứu sinh mạng nhiều người. Rất nhiều trường hợp vì hoàn cảnh ép buộc khiến điều tốt nhất người ta có thể làm là thể hiện một hành xử xấu để đạt kết quả tốt.


Trong mệnh đề thứ V, Fletcher đưa ra luật “mục đích biện minh cho phương tiện”. Ông biện luận rằng mục đích của việc làm mới mang lại giá trị của nó. Nếu không đạt được mục đích tốt, việc làm dù to lớn đến đâu cũng vô nghĩa. Người ta chỉ có thể đánh giá phương tiện của công việc khi nhìn vào thành quả tốt của nó. Nói cách khác, “mục đính biện minh cho phương tiện”.


Mệnh đề VI, Fletcher phủ nhận hệ thống luân lý pháp chế (ethical legalism). Ông khuyến cáo trong thời đại mới, chế độ luân lý theo luật buộc không còn hợp tình hợp lý. Hệ thống luật này chỉ chú trọng đến phán xét và kết án, cho nên đã thất bại khi áp dụng vào đời sống. Trong khi đó, chỉ có Luân lý Hoàn cảnh mới giúp con người thích ứng được với cuộc sống xã hội phức tạp. Nó nâng đỡ ý thức tự do và ý thức trách nhiệm của con người. Con người được quyền tự chọn lựa hành vi thích ứng với hoàn cảnh, để thể hiện tình yêu thương.


Luân lý Khách quan

 

Nguồn minh họa: Internet.


Trước khi có thể phê bình chính xác thuyết Luân lý Hoàn cảnh, nhất thiết chúng ta phải lược qua nền Luân lý Khách quan. Luân lý Khách quan (universal hay objective morality) là đặc ngữ nói về những giá trị đạo đức có tính cách phổ quát và khách quan. Chẳng hạn nếu có ai đánh đập cha mẹ, ta bảo người ấy không nên làm thế mà phải thương cha mẹ. Cái “lẽ phải” này là nền tảng của trật tự sống và có trong mọi văn hóa. Tuy không liên quan gì đến tôn giáo, nhưng đạo lý của các tôn giáo đều hàm chứa nền Luân lý Khách quan. Kitô giáo có Mười điều răn, Phật giáo có Bát chính đạo, Khổng giáo có Ngũ thường… Tuy tên gọi khác nhau nhưng chúng đều giống nhau về mặt luân lý và có giá trị trường cửu vượt thời gian và không gian.


Nền Luân lý Khách quan bao gồm luật tự nhiên (natural laws) và luật trường cửu (eternal laws). Vũ trụ được tạo thành và tồn tại trong một nền trật tự vững vàng. Vì vậy để tồn tại, vạn vật phải sống theo một trật tự thích hợp. Vạn vật mang sẵn bộ luật tự nhiên để tiến hóa, chẳng hạn khi đói thì biết ăn, khi gặp hiểm thì biết tự bảo vệ. Luật trường cửu biểu thị trí huệ hỗ trợ cho sự sống. Trong nội tâm con người có sẵn bộ luật trường cửu hướng về đạo đức tâm linh. Nó chính là tâm điểm của luật Luân lý Khách quan. Ném cho bầy chó đói một khúc xương. Chúng cắn xé giành giựt nhau vì chúng hành động theo luật tự nhiên. Con người khi đói thì biết đi kiếm thức ăn (theo luật tự nhiên), nhưng biết chia sẻ và tránh cướp giựt (theo luật trường cửu).


Đứng trên quan điểm của Luân lý Khách quan, khi đặt nền luân lý vào quyền tự do phán xét của con người, thuyết Luân lý Hoàn cảnh đã đẩy luật trường cửu ra ngoài.


Luận về tình yêu Agapé


Đến đây chúng ta có thể phê bình thuyết Luân lý Hoàn cảnh và những thuyết cùng loại. Trước hết, chúng ta xét về nền tảng của nó là tình yêu Agapé.


Đặt Agapé vào trong Luân lý Hoàn cảnh, nó trở nên mơ hồ. Với hướng nhìn nào đó, Hitler trở thành người công chính vì hắn được thúc đẩy bởi một tình yêu tạo dựng một chủng tộc ưu tuyển cho nhân loại. Đối với luân lý khách quan, tội ác giết chết 6 triệu người Do Thái của Hitler là sai, mặc dù, theo luận biện, hắn có tình yêu lớn đến cỡ nào. Như vậy tình yêu Agapé nếu do cá nhân tự do định nghĩa, nó sẽ có ý nghĩa rất mơ hồ. Mặt khác, nó lại có thể rất hẹp hòi và cố chấp. Nó có tiềm năng dẫn đến những hành xử ích kỷ (chỉ nghĩ đến lợi ích của người mình yêu) hay khuynh hướng ưu tuyển (thiên vị) mà chính người hành xử cũng không ý thức rằng mình sai lầm.


Fletcher đã đặt lẽ phải vào tay người trong cuộc. Từ đó họ có thể làm bất cứ gì miễn tác động khởi đầu là tình yêu. Như thế giết người, cướp của, gian dối, lừa đảo… rốt cuộc đều có thể trở thành tốt nếu được thực thiện vì tình yêu. Fletcher đã lẫn lộn giữa “tâm ý thiện lành” và “hành vi công lý”. Tình yêu không thể biến một hành động sai thành một hành động đúng.


Tình yêu và lẽ công chính không phải là một


Fetcher khẳng định một hành vi được thực hiện bởi tình yêu, hành vi ấy là một hành vi công chính. Rất nhiều ý kiến chống đối mạnh mẽ về nhận định này. Wayne Jackson đưa ra dẫn chứng như sau. Có cô gái thất tình rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần. Một ông bạn đồng nghiệp động lòng trắc ẩn nâng đỡ cô. Hai người trở thành tình nhân. Bà vợ biết chuyện, bà thất vọng, xuống tinh thần, rồi tự tử. Thế là gia đình của ông tan vỡ. Hai đứa con của ông bị khủng hoảng tinh thần. Một đứa uống rượu say rồi lái xe cán chết một bà mẹ cùng với hai đứa con nhỏ. Một đứa bỏ đi sống bụi đời rồi cuối cùng vào tù vì tội sát nhân.


Phân tích hoàn cảnh trên, Jackson cho rằng:

 

1) Tình yêu không đủ yếu tố để bảo đảm cho một hành xử có luân lý.

 

2) Fletcher tin rằng thành quả biện minh cho phương tiện. Thực tế cho biết không phải lúc nào ta cũng có thể hình dung ra trước kết quả tốt/xấu của việc làm.

 

3) Fletcher khẳng định: “Đối với Luân lý Hoàn cảnh, không hề có luật lệ”, vì tình yêu hóa giải mọi luật (p. 55). Với dẫn chứng trên, vô luật lệ đã trở thành hỗn độn. Jackson kết luận, những mệnh đề do Fletcher đưa ra đều vô nghĩa.


Thuyết Luân lý Hoàn cảnh thiếu một nền tảng tiêu chuẩn


Fletcher cho rằng trong trường hợp bắt buộc phải nói dối để cứu người, thì nói dối là tốt. Nếu nói dối có giá trị tương đối tốt/xấu tùy hoàn cảnh, vậy làm sao mà biết giá trị thật của nó. Chỉ tin vào lương tâm cá nhân, nhưng cái mình nghĩ là tốt chắc gì người khác cũng tin như thế. Vì vậy Luân lý Hoàn cảnh thiếu hụt một nền tảng tiêu chuẩn khách quan định giá cho nó. Thuyết Luân lý Hoàn cảnh trở nên nguy hiểm vì dẫn người ta ra ngoài mọi thang giá trị. Con người không cần đồng ý với nhau. Mỗi người tự hành động theo ý của mình.


Luân lý Khách quan cho rằng nói dối tự bản chất là xấu, xấu trong mọi trường hợp. Ngày xưa Trần Bình Trọng bị bắt và được dụ chiêu hàng. Tại sao ông không vì hoàn cảnh bắt buộc mà nói dối để bảo toàn tánh mạng? Cái gì đã giúp ông kiên cường, không thích ứng buông xuôi nhưng đối đầu với hoàn cảnh? Chính cái nền tảng tiêu chuẩn luân lý khách quan đã khiến ông hành xử như vậy. Thuyết Luân lý Hoàn cảnh đã dẫn đến hậu quả là con người có toàn quyền quyết định phải/trái bất chấp luật khách quan. Quan niệm này mở đường cho bất cứ gì cũng có thể làm, miễn người ta cho là đúng với tình thế.


Luân lý bị sai lạc khi lương tâm mù quáng


Hiện tại lương tâm con người đang dần dần xoay chiều biến đổi. Con người lấy lương tâm và tự do cá nhân làm trọng tâm. Quan niệm như thế chẳng khác gì phong cho cá nhân quyền “sáng tạo ra giá trị luân lý”.


Nhưng khi họ tưởng rằng họ bám sát lương tâm, thực ra họ hoàn toàn bám vào mối xúc động nhất thời. Họ sẽ lạc hướng và sẽ sống ở nơi vô biên giới, vô kỷ luật. Khi bỏ rơi luật trường cửu, cái còn lại chỉ là lương tâm sai lầm hay mù quáng. Nếu chỉ căn cứ vào tình yêu của lương tâm, người ta sẽ thừa lý do để bào chữa cho Pol Pot, cho Tần Thủy Hoàng. Nếu lý giải thao thuyết Luân lý Hoàn cảnh, người ta có thể cho rằng những tên bạo chúa đã hành động trong lương tâm yêu thương. Họ muốn nhân loại tiến hóa. Việc họ giết hằng triệu người là một việc hành thiện, vì đã có công tiêu trừ những kẻ cản trở sự tiến hóa. Như vậy, nếu thuyết Luân lý Hoàn cảnh là đúng, trên thế gian sẽ chẳng còn một hành động xấu nào có thể bị xét xử.


Mục đích và thành quả là điều không thể dự đoán


Fletcher, qua mệnh đề thứ V, cho rằng khi thực hiện một việc, người hành thiện phải thấy trước thành quả lợi ích của dự án. Nhờ đó mới có ý thức để hướng dẫn việc mình đang làm. Điều này rất khó xảy ra. Nó khó, không những vì kiến thức giới hạn, mà còn bởi tính chất của công việc. Chẳng hạn khó mà biết một cô gái 16 tuổi nghiện ma túy đi phá thai có lợi hay không. Có thể cô không đủ tư cách làm mẹ vào lúc này. Nhưng cũng có thể cô được giúp đỡ đi cai thuốc, rồi trở nên một bà mẹ tuyệt vời. Rồi cũng có thể đứa con được sinh ra sẽ là một người hữu ích cho xã hội. Điều này chỉ tương lai mới trả lời được.


Fletcher cho rằng khi đã nhắm tới một mục đích tốt, người trong cuộc có thể chọn phương tiện thích hợp để hành xử. Phương tiện ấy như thế nào, ông hướng dẫn: “Việc làm ấy phải hàm chứa tình yêu tối thượng”, nhưng khi giải thích việc làm ấy cụ thể là gì thì ông lại nói “Việc hàm chứa tình yêu tối thượng phải làm là việc đúng nhất (the most just)”. Luận cứ này trở thành cái vòng luẩn quẩn hẹp hòi.


Kết luận


Luân lý không có tính cách bắt buộc. Người bất chính vẫn thường sống sung túc. Tuy nhiên không vì vậy mà cá nhân có quyền tự phong thánh cho chính hắn. Một hành vi công lý không phải là một hành vi nhằm thích hợp với hoàn cảnh, nhưng là một hành vi làm sáng danh phẩm chất luân lý khách quan trong nghịch cảnh.


“Nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng con người không sáng tạo ra bản tính thiện này. Con người nhận lãnh luật trường cửu trong bản tính. Vì vậy luật trường cửu là chân lý. Chân lý không bao giờ sai lầm, hằng hiển nhiên và khách quan, luôn luôn đi trước tri thức con người, vượt khỏi giới hạn không gian và thời gian. Tách rời luật trường cửu, con người sẽ mất hút vào những ảo ảnh. Nơi nào mà con người sống với chiều tự do tiến hóa phi-luân-lý-trường-cửu, không những họ mất lương tri mà nền công lý đạo đức cũng mất theo.


ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 3-6-2011)
_____________
Tài liệu tham khảo:
* James F. Keenan. 2004. “Moral Wisdom Lessons and Texts from the Catholic tradition”. Rowman & Littlefield Publishers, Inc. Lanham, Maryland.
* Joseph Fletcher. 1946. “Moral Responsibility situation ethics at work”. The Westminster Press, Philadelphia.
* Joseph Fletcher. 1966. “Situation Ethics”. Westminster Press, Philadelphia.
* Michael Keeling. 1968. “Morals in a Free Society”.The Seabury Press. New York.
* Paul Jerdild. 1990. “Making Moral Decisions”. Augsburg Fortress, Minneapolis.
* Pope John Paul II. 1993. “Veritatis Splendor”. Vatican, Rome
* Wayne Jackson. Article “How Do You Determine What Is Right And Wrong”. Christian Courier. March 1999
 

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage