dnnp - kiến đen

 

 

 

 

 

 

 

Khoảng cách không gian, khoảng cách thời gian

 

* Tản mạn

 

Một ngày đêm có 24 giờ. Trái đất được chia thành 24 múi giờ, mỗi múi nằm giữa 2 đường kinh tuyến chạy từ Bắc cực xuống tới Nam cực.

Đó là giờ địa phương, nó được quy ước dựa trên giờ chuẩn quốc tế (từ năm 1847 – 1972 gọi là giờ GMT – Greenwich Mean Time lấy chuẩn là đường kinh tuyến số 0 chạy qua Đài Thiên văn Hoàng gia Greenwich; từ 1972 tới nay gọi là giờ UTC - Universal Time Coordinated, tức giờ phối hợp quốc tế căn cứ vào nhiều đồng hồ nguyên tử quanh thế giới, và UT1 được thay cho GMT). 24 múi giờ này bao gồm 12 giờ sớm hơn giờ chuẩn (ký hiệu +) và 12 giờ muộn hơn giờ chuẩn (ký hiệu -), như Việt Nam có giờ UTC+7.

 

Khoảng cách đường chim bay từ Việt Nam (Saigon) tới Mỹ là (USAR Central) 14.853km (9.229 mile). Do Trái đất có đường kính trung bình là 12.600km, nên coi như Việt Nam và Mỹ cách nhau nửa vòng Trái đất, bên này là ngày, bên kia là đêm, và ngược lại. Nước Mỹ có giờ UTC- nên đi muộn hơn Việt Nam một ngày. Đó là lý do mà thầy Đỗ Xanh từng “so bì” rằng: “Chúng tôi ở đây luôn đi sau các sự kiện THKT ở quê nhà một ngày.”

 

Bạn Lê Thị Hạ Anh (Maryland) mô tả:

 

Khi em thức, anh đang an giấc điệp,

Có mơ gì cho ngày tháng trôi qua?

Bình minh sang rồi lại đến chiều tà,

Mình vẫn thức khi mọi người đang ngủ.

…..

Sáng hôm nay, buổi bình minh vừa hé,

Nghĩ đến anh vui với bóng chiều tà.

(Về một hướng)

 

Người viết tản mạn này cũng từng à ơi:

 

Thầy trò mình giờ ở hai đầu sông Tương

Quay nhịp đời như một chiếc cối xay

Thầy nhâm nhi ly cà phê buổi sáng

Trò leo lên giường chờ một đêm thâu

Mặt trời mặt trăng chơi trò cút bắt

Đau đáu đợi chờ một ngày nhật thực

(Thơ không vần điệu)

 

Do nước Mỹ quá rộng, trải từ múi giờ UTC-5 tới UTC-10, nên thời gian cách biệt cũng khác nhau tùy từng bang. Thí dụ ở Việt Nam là 16 giờ thì ở California là 2 giờ sáng, Maryland và Michigan 5 giờ sáng, Colorado 3 giờ sáng,…

 

Cũng do sự chênh lệch múi giờ quá lớn này mà ngay cả những người sống ở bên Mỹ cũng gặp khó khăn khi liên lạc với nhau. Chẳng hạn, khi ở Maryland Kiến Ngố xách dao kéo đi “trảm” thì thầy cô Đỗ Xanh vẫn còn đang ngáy ro ro (cách nhau 3 giờ); còn khi chỗ này phủi cẳng thăng thì nơi kia chỉ mới ăn tối xong.

 

Tuy cùng sống ở Mỹ, nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng đi thăm nhau. Về khách quan thì do phải cày bừa cật lực, có người làm tới 2-3 job, không có cả thời gian gặp người sống cùng một nhà nữa thì nói chi đi tới thăm người nơi khác. Thầy cô Đỗ Xanh qua Mỹ từ năm 1975, nhưng trong suốt 36 năm chỉ một lần ra khỏi bang California đi vacation ở bang hải đảo Hawaii; rồi mới đây, sau khi cả hai đã hoàn thành nghĩa vụ lao động của một đời người, thầy cô mới có dịp dung dăng dung dẻ tới chơi Las Vegas (bang Nevada). Cùng một bang thôi cũng khó thăm nhau rồi. Như bang California rộng 423.970 km vuông (lớn hơn Việt Nam, 331.698 km vuông), từ Bắc Cali (San Francisco) tới Nam Cali (Little Saigon) cũng phải mất hơn 8 giờ xe (chạy high-way với vận tốc trên 100km/g). Nhà thầy Đỗ Xanh ở Elk Grove cách nhà nhạc mẫu phu nhân ở San Jose 2 giờ xe, nên cho dù thầy là “tay lái lụa” (ngặt nỗi là loại lụa được sản xuất từ giữa thế kỷ 20) nên thầy cô cũng phải ngày đi ngày về. Có lẽ lần Kiến Đen qua thăm, thầy cô mới hãn hữu chở đệ tử đi San Jose rồi về trong ngày.

 

* Nguồn minh họa: Internet.

 

Nhưng cái khái niệm cách nhau 13 tiếng đồng hồ giữa đây và đó chỉ mang tính không gian quy đổi (cũng giống đoạn đường đo bằng thước Anh 1 mile, còn bằng thước Tây là 1,6km, đâu phải vì thế mà dài hơn hay ngắn hơn). Còn thời gian thực (real time) là cùng một lúc với nhau (simultaneous). Hoàn toàn không có nghĩa là chuyện xảy ra ở đây bây giờ thì mãi tới 13 tiếng sau bên kia mới cảm nhận được. Đơn giản thôi, ta gọi phone cho nhau, đó là ta đang sống trong thời gian thực với nhau, bên đây húng hắng ho là lập tức bên kia lo lắng hỏi han. Gọi video call qua Skype, hai bên đang nhìn thấy nhau đồng thời trong thời gian thực.

 

Có nghĩa là cho dù đang ở cách nhau bao nhiêu xa về khoảng cách địa lý và múi giờ, tất cả chúng ta đều đang sống cùng lúc với nhau trên cõi đời này. Ta vẫn cảm nhận được nhau. Và nếu tin rằng có thần giao cách cảm, ta vẫn luôn ở trong tâm trí của nhau. Rồi còn cả sự lấp đầy khoảng cách bằng các tiến bộ công nghệ nữa. Cách đây hơn 10 năm, chưa có phone quốc tế và Internet, thư từ Việt Nam qua Mỹ phải mất 1 tháng. Nay thì chỉ nhấn phím Send cái cạch, e-mail đã vượt Thái Bình Dương bay cái vèo tới tay người nhận. Message SMS cũng vậy. Chỉ trong tích tắc, nghĩa đen. Người bên này vẫn có thể sống cùng một lúc với người bên kia trong hiện thực. Vẫn có thể nhắc nhau ngủ, vẫn dặn dò nhau đi làm, nhắc giờ uống thuốc,… như thể đang ở đâu đó trong cùng một thành phố. Ừ nhỉ, vậy có khác chi là chúng ta đang cùng sống chung trên một “thành phố Trái đất” (Earth City)!

 

Khoa học ngày càng tiến bộ tới mức ta không thể tưởng tượng nổi. Rồi đến một lúc nào đó, người ta chỉ cần chui vô khoang tàu ở Chợ Lớn là vèo một cái sang tới Elk Grove. Cái phương tiện giao thông này thường thấy trên phim khoa học viễn tưởng. Mà trước nay vẫn có rất nhiều cái trong phim khoa học viễn tưởng sau đó trở thành hiện thực. Wait-and-See! Hãy đợi đấy!

 

Kiến Đen có một anh bạn làm việc tại Saigon, có vợ con sống tại San Jose. Mùa Tết, anh bay sang Mỹ. Mùa hè, vợ con về Việt Nam. Hàng ngày, có gì thì nói với nhau qua phone, e-mail. Buổi tối về, cả nhà sum họp qua Skype. Khi nào muốn gặp vợ con, anh buổi trưa từ Tân Sơn Nhất bay 3 tiếng sang Taipei rồi ngủ một đêm trên máy bay tới sáng hôm sau thức dậy trên nước Mỹ, và thật thú vị khi vẫn cùng một ngày mà anh bay từ Saigon.

 

Thật ra, ai mà không muốn luôn ở bên người thân yêu của mình suốt 24/7. Nhưng có khi vì hoàn cảnh mà ta phải chấp nhận xa cách nhau về không gian. Và nếu thật lòng hướng với nhau, ta vẫn có sẵn mọi phương tiện để cùng sống thời gian thực với nhau. Những ai sống ở Mỹ chắc chắn dễ dàng cảm thông được hoàn cảnh này. Bởi lẽ, theo lối sống Mỹ, con cái 18 tuổi là có thể dọn ra sống bên ngoài, có khi cả tháng trời cha mẹ con cái chẳng gặp được nhau. Vậy thì, hai người cùng sống ở Mỹ như thế nhưng có khác gì kẻ ở Saigon, người ở Elk Grove đâu.

 

Vấn đề rút cuộc lại xa hay gần chỉ còn là ở bản thân mỗi người. Cái khoảng cách trong mỗi người mới thật là “ngàn trùng xa cách”.


KIẾN ĐEN - PHẠM HỒNG PHƯỚC
(TP.HCM 14-6-2011)
 

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage