dnnp - ngô vàng

 

 

 

 

 

 

Lời tạ lỗi dù có muộn màng

 

 

* tạp bút

 


Lâu quá không điện thoại thăm anh, vì mải lo chuyện gia đình… hàng xóm bị lục đục rối ren nhờ mình giải quyết hộ! Nay bỗng dưng người láng giềng ấy đột ngột dời nhà đi đâu mất tiêu không rõ? Rảnh rang rồi mới chợt giật mình, nhớ ông anh ở xa chắc cũng đang thắc thỏm về thằng em mình sao đã vắng bặt tin tức lâu ngày? Chắc rằng anh cũng đang lo lắng, thắc mắc tự hỏi: không biết bây giờ nó ra sao? Liệu nó có bề gì rồi biết ai cận kề kế bên để mà… hứng phụ!


Tay quen thuộc bấm máy với đầu số 001... Chuông reo lên một hồi, rồi giọng anh vui vẻ như bao lần mình bấm máy gọi:
- À há, chú em Bắp Vàng đây mà.


Tôi quên mình là người đang có lỗi với anh, bụng chỉ lăng xăng mong nghe được tiếng anh trả lời trong máy là được dịp để miệng mình tự động liếng thoắng tuôn tràn:
- Kính chào đại huynh, đại tẩu. Đệ gọi điện thoại để thăm hỏi sức khỏe gia đình mình thế nào đây?

 

Rồi sửa giọng, mục đích để ghẹo trêu đại tẩu:
- Cuội tuần ni, gia đình huynh tậu sẹ "cuội trời rong chơi" ợ nơi phương mô?


Anh cười sảng khoái :
- Lệ thường, weedkend là đi đâu đó cho thư thả đầu óc. Thỉnh thoảng làm tài xế đưa bà xã đi chợ mua sắm chút ít đồ dùng trong nhà. Tùy thời tiết nắng mưa, nóng lạnh mà thời gian biểu có lúc thay lúc đổi.


Rồi như chợt sợ quên cái sở đoản "một tấc tới trời xanh" của thằng em nơi quê nhà, anh vội lên tiếng;
- Chụ Bặp Vàng nì, bây chừ cọ chuyện chi ngày xưa mà vui vui thì chụ cập thời kệ lại cho huynh tậu nghe đợ sầu nơi viện xự đi hỉ?


Tôi ngượng nghịu lời:
- Hôm nay không biết chuyện gì vui vui để kể! Nếu có chăng cũng chỉ là những lời ân hận muộn màng để dành cho người bạn năm xưa đã cùng chung một mái trường heo hút tận miền biên giới Việt-Miên!


Anh tỏ vẻ quan tâm:
- À há, đề tài này có vẻ hay hay đây. Chú nói tiếp ngay đi.


Rồi quá khứ ngày ấy như cuồn cuộn chảy về trong tôi.

 

Nguồn minh họa: Internet.


Chuyện kể rằng:


Chiều chủ nhật sau khi đi phép về thăm nhà trở lại nhiệm sở, ba cô giáo trẻ là Bé Tô, Ngọc Lệ và Thanh Hà từ bến đò Vĩnh Trị xách giỏ đựng cái gì không rõ mà cả ba cô đều có vẻ khệ nệ nặng nề. Gặp tôi đang đứng ngoài cổng trường để chờ mấy thầy về phép lên sớm dắt ra quán Sáu No uống cà phê để tạ ơn mình cấp phép, cả ba cô đều cười ngỏn ngoẽn. Cô Bé Tô hấp háy mắt sau cặp kính dày cộp, miệng ồn ào lên tiếng rao hàng:
- Thầy ơi, tối nay trường mình ăn chè đậu xanh liên hoan đó nghen. Tụi em đãi các thầy cô trường mình đó.


Tôi nghiêm mặt, nạt to:
- Vẽ chuyện cho tốn kém.


Rồi chợt nhỏ giọng:
- À mà này, chè các cô nấu bằng đường gì vậy?


Ngọc Lệ nhỏ nhẹ nói:
- Dạ, thì cũng thường lệ vẫn là đường tán vàng pha... đen thôi!


Tôi nhướng mắt:
- Thế à? Ngon lành gì đâu! À, mà có nước cốt dừa khô không đó?


Thanh Hà hân hoan kéo chiếc giỏ nặng trĩu lên khoe:
- Dừa khô nặng muốn chết đây mà thầy không thấy à?


Tôi gật gật đầu, chỉ vào nhà bếp trường nói to:
- Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà các cô không gấp "hành xử" nó cho rồi.


Các cô dạ rân rồi cùng nhau thoăn thoắt sải bước chân đi. Tôi mỉm cười một mình:
- Lâu quá thèm ngọt thấy bà tổ vậy mà còn cố làm bộ! Rõ nỡm!


Quán cà phê Sáu No giờ xế chiều vắng khách. Thấy bộ bốn chúng tôi bước vào, ông chủ quán mừng vui ra mặt:
- Hê, hê. Chào các thầy. Bữa nay các thầy uống cà phê sữa đá nghen?


Thầy Ngọc trả lời chua chát:
- Lương chưa lãnh, nghèo thấy mồ, tiền đâu mà sữa với đá đây ông. Thôi cho 4 cái đen nhỏ pha vớ đi. À, mà vớ pha cà phê của ông hôm nay có giặt sạch chưa đó?


Sáu No cười hì hì quay vào bàn pha chế:
- Mấy thầy đừng lo. Hồi sáng nước kinh tràn bờ, tui giặt kỹ rồi mà còn ngâm nước kinh thật lâu kìa.


Nói xong anh ta cười hi hí, trông nét mặt hắn ta đầy "ẩn ngữ" lắm!
Thấy quán chiều hiu quạnh và buồn buồn, thầy Anh Võ gợi ý:
- Sáu No ơi, ông vui lòng mở radô cho tụi tôi nghe Thanh Kim Huệ ca vọng cổ bài "Cô gái tưới đậu" đi?


Sáu No gãi gãi đầu nói:
-Mấy thầy thông cảm! Quán tôi có qui định riêng là chỉ khi nào quán có đủ 5 khách trở lên mới mở đài. Mấy thầy thông cảm giùm, pin gởi mua tận trên Mộc Hóa nên mắc lắm!


Tôi nói se sẽ nhưng cũng vừa đủ cho Sáu No nghe:
- Bên quán cô Tám Đậm thì chỉ cần 3 người khách là mình tha hồ mà nghe Minh Vương ca"Chiếc nón bài thơ" um xùm rồi.


Sáu No nghe tôi nói vậy, hắn lật đật quay ra nói lớn:
- Nói chơi cho vui vậy chớ mấy thầy ơi, với ai đâu tui không biết, chớ mấy thầy thì… một người, tui cũng mở. Nói không phải để khoe công của tui là nhiều khi chỉ thấy một thầy chợt đi qua là con vợ tui mở đài liền hè!


Nói xong anh ta cười hè hè cầu tài rồi vội chồm mình lên đầu tủ đặt cái radô bật công tắc lên nghe cái cụp. Xui cho chúng tôi quá, giờ đó lại là giờ nhà đài đọc tin tức: ...xã Quỳnh Lưu đi lên từ cây lúa, với vụ mùa bội thu 5 tấn trên héc-ta.....! Chuyển sang đài khác thì trúng giờ dạy Anh ngữ cho trẻ em: ...long là dài, short là ngắn, move là rời... Kể như khỏi nghe vọng cổ lúc hoàng hôn rồi mấy thầy ơi! Về thôi!


Về đến nhà tập thể của trường thì trời cũng loạng choạng tối. Con sáo diều của bé thơ còn ham chơi nào đó đang bay thấp thoáng trên bầu trời nhá nhem. Tiếng sáo quê nghèo vi vu nơi đồng quê nghe sao buồn quá: Giờ này nơi quê chồng xa mù tít, em còn buồn như tôi giờ này không?!


Bốn thầy đi nhẩm phé quán Sáu No để nghe ké vọng cổ về trường thầy nào cũng mang nét mặt tẽn tò! Vừa về đến cổng trường thì cô Bạch Tuyết vội chạy ra thông báo:
- Chiều nay nhà bếp hết gạo. Quí thầy vui lòng ăn chè đỡ đói vậy!


Nói xong cô quay sang tôi nói nhỏ:
- Cô Bé Tô muốn nhờ thầy cái gì đó.


Tôi hững hờ lẩm bẩm:
- Con bé này sắp sửa làm phiền gì đây? Hễ đụng chuyện gì hơi kho khó là nó vội réo gọi thầy ơi thầy hỡi.


Tuy nghĩ vậy nhưng tôi cũng mau chân vào nhà bếp. Gặp tôi, cô Bé Tô reo to:
- May quá thầy ơi! Mới về trường chưa quen thân ai nên tụi em không dám hỏi mượn…


Tôi gật đầu hỏi lại:
- Mượn cái gì thì mau nói ra. Đói bụng lắm rồi!


Cô Bé Tô nhỏ giọng như ân hận:
- Tụi em sơ ý, nấu chè có nước cốt dừa mà lúc ở nhà trên tỉnh, tụi em quên nạo sẵn. Xuống đây mới chợt nhớ thì muộn quá rồi! Thầy làm ơn biết ai quanh đây có đồ nạo dừa, thầy gởi gấm ít lời cho tụi em đi mượn đi thầy.


Cơn đói đang hoành hành trong bụng, thêm máu tếu có sẵn trong người, tôi bật lời mà không kịp uốn lười 7 lần như cổ nhân dạy dỗ:
- Cô qua phòng bên mượn thầy Cam đi. Tôi biết thầy ấy lúc nào cũng có mang theo [Để làm gì thì trời biết, vì ông trời đã sắp xếp cho thầy thế rồi!]


Điều hối tiếc chưa kịp lấy lại thì cô Bé Tô đã nhanh nhẩu chạy vù sang phòng thầy Cam rồi! Tôi nghe tiếng cô rổn rảng phòng bên:
- Thầy Cam ơi, làm ơn cho tụi em mượn đỡ cái bàn nạo dừa của thầy về nấu chè đãi các thầy cô trong trường đi thầy.


Tôi nghe rất to tiếng quát cũa thầy Cam bên kia phòng vang dội:
- Ai, ai xúi các cô qua đây mượn bàn… bàn… bàn… nạo của tui?!


Có tiếng chạy phình phịch gấp gáp về nhà bếp. Cô Bé Tô mặt mày tái mét, hớt hơ hớt hãi chạy về cấp báo:
- Thầy ơi, thầy Cam không cho mượn mà còn chửi em quá trời!


Chợt giật mình lòng nhủ: Chết rồi! Bậy bạ quá chừng. Thầy Cam bị hô răng mà mấy cô không hiểu nghĩa đen của mình nói rồi! Thôi kệ! Mình là sếp thì muốn gì cứ nói.


Sau giờ phút "không hiểu lòng nhau" khi bức rào ngăn cách chưa phá bỏ, thầy Nguyễn Thái Cam giận tôi gần tháng trời! Giận đến nỗi chiều tối thứ bảy thầy chịu cực nhọc lội bộ ra đầu vàm để quá giang ghe máy nhờ chở về Mộc Hóa thăm con đầu lòng mới sanh để rồi chiều chủ nhật hôm sau lui cui trở lại trường sớm. Khác hơn mấy lần trước lần nào thầy cũng luôn nấn ná thêm một hai hôm ở lại nhà.


Bây giờ hơn 34 năm rồi. Biết bao vật đổi sao dời! Biết thầy Cam còn giận tôi không?


Dù biết muộn màng nhưng dù sao:... Thà như giọt mưa rớt trên tượng đá. Có còn hơn không! (*)


Xin thành thật nghiêng mình tạ lỗi với thầy Nguyễn Thái Cam.

 

ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 27-6-2011)

 

-----

(*) Lời bài hát “Thà như giọt mưa” (Nhạc: Phạm Duy, thơ: Nguyễn Tất Nhiên).

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage