dnnp - đỗ xanh

 

 

 

 

 

 

 

Biểu tượng triết lý trong chuyện Trương Chi - Mị Nương


 

* Luận đề



Sự tích Trương Chi và Mị Nương là một chuyện cổ từ đời vua Hùng. Đối với dân gian đây chỉ là một chuyện giải trí. Tuy nhiên với hướng nhìn triết học, sự tích này là một thông điệp về nhân tính được văn chương hóa thành một chuyện cổ tích. Đa số chúng ta có ngộ nhận tưởng rằng mình có thể hiểu được tình yêu là gì. Trương Chi - Mị Nương cho thấy, chúng ta chỉ có thể lãnh nhận tình yêu mà không thể có lời giải thích về nó.

 

Nguồn minh họa: Internet.


Chuyện có hai nguyên bản. Một bản kể rằng Trương Chi có giọng hát rất hay. Một bản khác kể rằng Trương Chi có tài thổi sáo tuyệt vời. Hai chi tiết tuy có chút khác nhau, nhưng không làm luận đề của kịch bản thay đổi. Theo hứng, người kể chuyện thường gọt tỉa một vài chi tiết để câu chuyện được hoàn hảo hơn. Đó là đặc tính tất yếu của dòng văn chương truyền miệng. Đối với triết học, cái thế giới siêu nghiệm nằm đằng sau câu chuyện mới là điểm quan trọng. Còn kịch bản của chuyện, giới hạn trong thế giới hiện tượng, chỉ là những biểu tượng ẩn dụ. Theo cảm quan của tôi, sự tích Trương Chi thổi sáo có vẻ nên thơ hơn, nên tôi xin bàn luận theo sự tích này.


Cảm giác và tri giác


Mị Nương là một tiểu thư xinh đẹp, thuộc giới quí tộc. Nàng bị cấm cung theo lễ giáo của các danh gia quyền quí vào thời ấy. Trương Chi là anh dân chài mồ côi, nghèo mạt, sống trên con thuyền nhỏ ở ven sông cuối làng. Cái khoảng cách không gian và giai cấp này quá xa khiến hai người không thể nào gặp nhau. Nhưng tiếng sáo của Trương Chi đã vượt qua khuôn viên kín cổng cao tường và len vào tận tư phòng của Mị Nương. Mị Nương say mê tiếng sáo rồi yêu người thổi sáo. Cảm xúc của nàng là một quan niệm lý tưởng về thẩm mỹ của bộ óc ngây thơ. Theo nàng, chỉ có nguồn tuyệt hảo mới sinh ra được cái tuyệt hảo. Suy ra tiếng sáo thanh tao phải được tấu lên từ một người thanh tao. Oái oăm thay, Trương Chi lại rất xấu xí. Thực tại khiến Mị Nương hụt hẫng. Nàng đổi chiều bước đi không thèm ngó lại. Khởi đầu Mị Nương nghĩ đúng, nhưng tầm mắt nàng vội ngừng ở cái vỏ bên ngoài, nên không thấy cái nguồn tuyệt hảo là nội tâm của Trương Chi. Mị Nương chỉ thấy những gì qua cảm giác của mình.


Chỉ vin vào cảm giác, cùng lắm chúng ta chỉ có thể vẽ ra một ảo tưởng. Mị Nương đã chứng minh rằng chúng ta không thể quyết đoán về một thực tại nằm bên ngoài kinh nghiệm. Cho dù độ xúc động của cảm giác đủ mạnh khiến Mị Nương ngã bệnh tương tư. Nhưng khi nàng gặp Trương Chi, cảm giác thơ mộng bị cắt đứt, cơn bệnh cũng dứt theo.


Vẻ đẹp và vẻ xấu là những dữ kiện hiện sinh vì chúng ta có thể tri giác về chúng. Tuy nhiên, tri giác không bao giờ đứng một mình, nó luôn luôn phải có cảm giác đi kèm. Dù cảm giác có hàm hồ nó lại rất cần cho tri giác. Trương Chi không nói, “Tôi trông thấy Mị Nương” mà nói, “Tôi ngẩn ngơ thấy Mị Nương đẹp”. Chính cảm giác mới tạo ra những kích thích mà tri giác khó thể luận giải, vì chúng không theo một định luật nào cả. Làm thế nào phân tích được mối xúc động trong lòng con người. Chúng là những đối tượng để suy nghiệm mà thôi.


Ẩn ức về giấc mộng hòa đồng


Tại sao Trương Chi, một tên mạt dân, dám yêu một mỹ nhân đài các? Người sáng tác câu chuyện khởi đầu đã có một dụng tâm nào đó. Vì vậy dù tác giả không đặt ra luận đề, nhưng câu chuyện vẫn mang tính cách luận đề. Mâu thuẫn xã hội giữa giai cấp quí tộc và mạt dân là một tất yếu. Mạt dân chấp nhận đẳng cấp này như một điều tự nhiên không thể tránh. Trương Chi và Mị Nương được đặt vào hai giai cấp trái nghịch đó không phải để bày tỏ sự đố kị giữa hai dòng sống. Cái ẩn ý của câu chuyện là có một cái đồng nhất tính ở cả hai phía. Nó trực tiếp tạo nên ý nghĩa hạnh phúc của sự sống.


Cái đồng nhất tính ấy là lòng cảm xúc thẩm mỹ, khởi điểm của tình yêu thương. Nhận thức này không phải là sự phán đoán của lý trí, nhưng là sự chiêm ngưỡng của con tim. Mối tình giữa Trương Chi và Mị Nương sụp đổ. Hai bên không ai có lỗi vì hai bên đều đúng. Vấn đề trở thành nan giải khi Trương Chi không chấp nhận phán đoán của tri giác. Chàng khăng khăng sống với cảm giác yêu thương Mị Nương. Muốn không còn vấn đề, cảm giác yêu đương của Trương Chi phải mất đi. Điều này có nghĩa Trương Chi phải chết, vì tình yêu chính là sự sống. Đối với dân nghèo, cái chết là một lối thoát cho nhiều vấn đề.

 

Nguồn minh họa: Internet.


Tác giả cho Trương Chi chết không phải để hết chuyện, nhưng để đi vào luận đề. Sau khi chết, trái tim của Trương Chi đông cứng lại thành khối hồng ngọc ấm áp. Đây là một sáng tạo để bày tỏ quan điểm nhân sinh về tình yêu. Nó phản ánh cách lựa chọn của tư tưởng, trong niềm tin siêu nghiệm, con người chỉ có thăng hoa ở một thế giới khác. Vì vậy cái chết của Trương Chi rất thơ mộng. Trái tim của kẻ đau khổ không thể tan. Nó cần một cảm thông, một xúc động trong tận nội tâm của người mà nó yêu thương.


Đám dân dã chúng ta, trong đó có Trương Chi, như một kẻ đầy thương tích bị cô lập, nhưng không bao giờ mất giấc mơ. Triết học thấy trái tim Trương Chi là biểu tượng của một khát vọng. Thế giới nằm gọn trong vòng hủy diệt, nhưng vẻ thẩm mỹ của tình yêu là phẩm chất siêu việt không bao giờ tàn. Chúng là nền tảng nâng đỡ sự sống của thế giới.


Trở về nguồn


Chúng ta biết rất rõ trái tim người chết không thể biến thành vật thể khác. Vì vậy quả tim hóa ngọc của Trương Chi không phải là một đặc tính văn hóa. Nó mang ý nghĩa triết học. Trái tim hồng ngọc là biểu tượng của tình yêu chân thành, là tinh túy sự sống trong bản chất người. Đó là cái nhìn chiêm ngưỡng hướng về tình yêu. Cái nhìn đơn giản này lại là cái nhìn thâm sâu nhất của sự sống vì đã thấy cái bản chất siêu việt của người.


Nhưng dù là một khối ngọc quí đến đâu, trái tim Trương Chi cũng chỉ là mảnh đá trôi giạt trong những dòng sông. Làm cách nào nó có thể mang thông điệp yêu thương đến với Mị Nương? Đại chúng đã nhờ vào sự can thiệp huyền ảo của định mệnh. Niềm tin này cũng là lòng khao khát về một nền công lý tối thượng, nơi có thể giải án cho mọi vấn đề.
Rồi khi giọt nước mắt thương cảm của Mị Nương rơi vào tách trà, cả bộ tách làm bằng trái tim hồng ngọc vỡ tan thành sương khói. Tất cả những mâu thuẫn và khúc mắc bị xóa tan. Hố sâu cách biệt nghiệt ngã của giai cấp; khoảng cách từ con tim khô cứng chuyển qua con tim mềm yếu; nỗi khắc khoải thất vọng chuyển qua niềm hạnh phúc… ranh giới của chúng mong manh như làn khói. Dù ở giai cấp nào, con người ai ai cũng có thể có một con tim ấm áp. Điểm cao này của câu chuyện biểu lộ tầm nhìn của đại chúng. Họ đã chuyển sự sụp đổ của thế giới hiện tượng thành một ân sủng. Trương Chi - Mị Nương đã đánh thức cảm quan chúng ta và cảm quan của nhiều thế hệ về sau. Điểm đặc biệt này khiến chúng ta không thấy nó là một lưu truyền của một văn hóa cổ. Trái lại nó rất gần gũi với chúng ta.

 

Nguồn minh họa: Internet.


Có lẽ một cách tốt hơn để nghe chuyện Trương Chi và Mị Nương là nắm bắt cái chánh niệm qua cái dạng biểu tượng trung gian. Chúng ta đã đau khổ, hoang mang, ngỡ ngàng khi nghe kể đến đoạn bộ tách trà, như một di tích kỷ niệm, bỗng vỡ tan. Tất cả không còn gì là dấu vết. Nhưng chính vào lúc đó mới có tiếng ngọc vỡ, lồng với tiếng sáo, và trộn với những giọt nước mắt. Đó là cuộc đối thoại bằng ngôn ngữ tuyệt đối của hai con tim. Khi chúng ta chết, chúng ta trở lại nơi chúng ta được tạo thành. Trong lâu đài hồng ngọc rất bình an và đẹp đẽ. Rồi từ trong tòa lâu đài hồng ngọc đó, chúng ta nhìn ra thế giới xung quanh. Vạn vật đều nhuộm màu hồng với những giọt sương long lanh và âm nhạc êm dịu. Chúng ta thấy được vẻ đẹp sáng tạo của Thượng đế. Đột nhiên tất cả những đau khổ chỉ còn là những làn sương khói mong manh.



ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 5-7-2011)

 

Xin chờ một chút để file được tải về.

Do đặc thù của Internet, chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các trang mở ngoài, đặc biệt là các link mở thêm.

 

  • Nhạc phẩm: Chuyện tình Trương Chi - Mị Nương

  • Sáng tác: Anh Bằng

  • Biểu diễn: Yến Phương


Tác phẩm này được tìm thấy trên Internet. Do không có điều kiện trực tiếp xin phép tác giả, ca sĩ và người giữ bản quyền, Gia đình THKT rất mong quý vị rộng lòng cho thầy trò chúng tôi được thưởng thức tác phẩm tuyệt vời này. Chân thành cảm ơn.


 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage