dnnp - ngô vàng

 

 

 

 

 

 

CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG

 

Love story tân biên

 

* tạp văn

 

Một hôm về thăm quê cũ, tình cờ tôi gặp lại chị Sáu Đậm gần nhà. Gặp lại tôi, chị mừng ra mặt và sau đó, với mọi lời lẽ để thuyết phục, chị thiết tha và nhiệt tình mời tôi qua nhà chị cho bằng được. Tôi có hơi thắc mắc trong bụng và tự hỏi: không hiểu lần này gia đình chị có điều gì rắc rối đến nỗi nan giải mà lại phải cầu viện đến người… ngoài cuộc như tôi nhào vô… "chia sẻ"! Thận trọng, tôi hỏi chị:
- Có gì quan trọng không mà xem ra chị Sáu có vẻ gấp gáp quá vậy?


Chị Sáu Đậm cúi mặt trả lời nhỏ giọng:
- Thì cũng là chuyện của bầy trẻ thôi cậu Út à.


Tôi chắc lưỡi :
- Lại là chuyện của con Út Lụy nhà chị chứ gì?


Chị Sáu nhè nhẹ gật đầu:
- Thì cũng lại chuyện đó thôi cậu Út ơi.


- Thôi được rồi, chị Sáu về trước đi, lát nữa tắm rửa xong xuôi rồi tôi qua nhà thăm anh Sáu luôn thể.


Chị Sáu cám ơn tôi rối rít và sau đó chị tất tả ra về với khuôn mặt lặng lẽ, buồn hiu.


Chuyện con Út Lụy của nhà chị Sáu cũng khá là phức tạp gay go. Nó là đứa con gái cưng và duy nhất trong 4 con của anh chị Sáu. Năm nay con Út Lụy cũng vào lứa tuổi 22, 23 gì đó. Nó đẹp gái và học hành vào loại khá, bằng cớ là nó vừa tốt nghiệp đại học với mảnh bằng cử nhân kinh tế hay gì gì đó. Chỉ tội một điều là chuyện tình ái của nó có phần hơi lăng nhăng, lộn xộn. Có lẽ nó mang cái gen di truyện lãng mạn cũa má nó là chị Sáu Đậm thì phải?! [Chị Sáu Đậm có hai con riêng trước khi về làm vợ anh Sáu Đà. Có lẽ lần hôn nhân sau này hạp tên hạp tuổi hay sao đó nên hai người sống chung với nhau hơn hai mưoi mấy năm rồi mà lúc nào người ta cũng thấy hễ ở nơi nào có chị Đậm là nơi đó không bao giờ thiếu mặt của anh Đà nhà mình: Hạnh phúc quá đi chớ].


Vừa mời tới cổng nhà của anh chị Sáu Đậm Đà thì tôi đã thấy chị Sáu ra đứng sẵn ở đó từ hồi nào giờ. Chị liền miệng:
- May quá, tôi cứ sợ cậu Út không đến chứ.


Tôi mỉm cười trách nhẹ:
- Chị sao hay lo quá! Tôi đã hứa thì phải giữ lời chứ.


Chị Sáu lật đật đính chính:
- Tại tôi nôn quá, chứ tánh cậu, tôi biết từ xưa rồi, một khi đã hứa với ai điều gì là cậu luôn giữ lời, dù cho đó có là trẻ con hay người lớn. Cảm ơn cậu nhiều lắm.


Tôi xuề xòa cho vui:
- Ai cũng nói như vậy hết trơn hè.


Rồi quay mặt vào phía nhà trong, tôi hỏi:
- À, anh Sáu đâu chị?


Chị Sáu mặt buồn so, sẽ giọng:
- Ảnh đi lên chùa dự lễ phát nguyện của ni cô Diệu Tâm rồi.


Tôi ngạc nhiên và dồn dập hỏi:
- Ủa, ni cô Diệu Tâm nào? Quan hệ ra sao với nhà anh chị mà phải lên đó chứng kiến?


Chị Sáu khẽ thở dài nhìn tôi rồi chị nói:
- Ni cô Diệu Tâm là Út Lụy nhà tôi đó!


Tôi trố mắt sửng sốt:
- Trời! Sao lại có chuyện như thế này? Út Lụy nhà đi tu à? Chị mau kể lại đầu đuôi câu chuyện này cho tôi nghe thử xem thế nào?


Bằng giọng nói trầm với cặp mắt ươn ướt chị Sáu tâm sự:
- Với cậu Út, vợ chồng tôi không giấu điều gì hết vì tin rằng cậu là người ngoài cuộc, cậu sẽ có ý kiến sáng suốt hơn tụi tui.

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

Chuyện là vầy:


Hồi còn học đại học ở Sài Gòn, con Út Lụy nhà tôi có quen với một đứa bạn trai học chung lớp quê ở Tây Ninh. Gia đình cậu này nghe đâu rất giàu có, ba má cậu ấy có đồn điền cao su mấy chục mẫu và hai nhà máy lau gạo xuất khẩu. Có vài lần Út Lụy đưa cậu ấy về đây thăm gia đình tụi tui. Ai cũng hài lòng vì cậu này ăn nói rất dễ thương, khéo léo. Mặt mày thì sáng láng, tướng tá to cao và càng đẹp trai hơn nữa với màu da ngăm ngăm xem ra tướng dáng đàn ông mạnh mẽ lắm. Đùng một cái, con Út Lụy về nhà báo tin là nó đã chia tay với cậu Hoài [tên của bạn trai]. Vợ chồng tụi tui rất bất mãn với cái tin động trời này lắm nên liền hạch hỏi nó về cớ sự vì sao lại xảy ra chuyện như thế? Út Lụy bảo là hai đứa nó bất đồng quan điểm nhau về… nghệ thuật thời trang! Bà mẹ ơi! Nhỏ lớn đến giờ, tụi tui nào biết nghệ thuật thời trang là cái ma quỉ gì! Tôi vặn vẹo nó để làm cho ra nếp tẻ thì nó trả lời là cậu Hoài quê mùa trong chuyện tình yêu nên không biết ga lăng phái đẹp mà chê nó mù tịt về "phấy-sình" (*) còn bày đặt se sua, ăn diện thời trang. Cậu Hoài đã nhiều lần nhắc nhở nó về những cái vòng đeo tay bằng vàng mà người ta gọi là cái vòng sơ-men sơ-méo gì đó (**). Cậu ấy nói: Nếu muốn đeo vòng sơ-men làm đẹp thì phải biết ý nghĩa của nó rồi mới mang vào người. Thứ Hai đầu tuần thì đeo hai vòng rồi tiếp theo thứ mấy thì đeo mấy vòng cho đến ngày thứ Bảy thì đeo 7 vòng. Chủ nhật để tay trống cho cổ tay được… nghỉ mệt! Vậy mà con Út Lụy nhà tôi cứ lầm lì đeo luôn 7 cái vòng suốt tuần. Chẳng những vậy mà cọng nào cọng nấy dẹp lép bự bản như mấy sợi mì dẹp của chú Thoòng ngoài chợ. Đúng ra vòng sơ men là phải giống như cọng mì chỉ của quán mì bà A Lìn thì mới trúng sách vở hơn phải không cậu Út?


Tuy nóng ruột vì tật lòng vòng của chị Sáu, nhưng tôi cũng đành làm tỉnh:
- Chị nói y chang sách dạy thời trang vậy. Rồi... chuyện sao nữa chị Sáu?


Chị Sáu ngó tôi lom lom rồi tiếp nối :
- Vậy là con Út Lụy nhà tui giận cậu Hoài và không thèm liên lạc gì ráo. Thậm chí nhiều lần cậu Hoài gọi điện thoại cho nó mà nó không thèm trả lời khi thấy hiện lên số máy của cậu ấy. Có lẽ sau nhiều lần như vậy, cậu ấy cũng đâm ra tự ái nên bặt tin luôn. Sau gần hai năm không liên lạc nhau, con Út Lụy nhà tôi quen thêm một bạn trai mới tên Di, cậu này cũng đẹp trai, ăn nói dẻo queo. Cậu ấy luôn miệng khen mấy cái vòng sơ men đeo tay của con Út Lụy nào là sang trọng, duyên dáng, giá trị vật chất cao chứng tỏ chủ nhân giàu có và... bà mẹ ơi, cậu ấy lại khen xa khen gần là cậu ấy rất khoái khẩu món mì sợi dẹp của chú Thoòng nữa mới chết chứ! Con nhỏ vì quá khờ khạo nên vội tin lời cậu Di giỏi nói này mà nó... cho hết những gì nó có! Thế rồi một hôm, bầu trời đang bị áp thấp nhiệt đới làm mưa sầu gió thảm nơi làng quê nghèo này, cậu Di bỗng dưng biến đi mất tiêu và còn để lại tin nhắn: “Cám ơn Lụy đã tặng Di những gì mà Di cần. Nay Di tình thật bày tỏ mong Lụy đừng buồn: Mì sợi dẹp nhai xàm xạp chứ hỗng có ngon lành gì đâu! Đừng liên lạc gì với Di nữa. The end.”


Tôi thực sự bức xúc cho chuyện tình con nhỏ này. Tôi e dè hỏi chị Sáu:
- Rồi chuyện ra sao nữa chị Sáu?


- Ra sao nữa? Con nhỏ quá sức chịu đựng thực tế phũ phàng này nên nó thất chí bỏ nhà mà đi tu gần tám tháng nay rồi! Hôm nay là ngày trên chùa làm lễ phát nguyện trọn đời dành cho đạo pháp của Út Lụy đây.


Tôi băn khoăn hỏi chị:
- Chốn tu hành nhiều khổ hạnh như vậy, liệu con Út Lụy có sức để chịu đựng nổi không? Liệu nó có thực sự quên chuyện tình đầu, tình cuối còn nóng hổi của nó hay không? Liệu...


Chị Sáu buồn buồn:
- Tui cũng không biết nữa cậu à!


Rồi như chợt nhớ ra điều gì quan trọng, chị Sáu bật la lên:
- Chết rồi! Ngày hôm qua, hình như tôi thấy có ai chạy xe honda chạy qua chạy lại, ngó ngó nghiêng nghiêng vô chùa con Lụy đang tu. Nhìn loáng thoáng, tôi thấy tướng tá người ấy giống từa tựa như cậu Hoài vậy. Tôi định chạy lại nhìn cho kỹ thì người ấy vọt xe chạy khuất rồi.


Chị chép miệng rồi lẩm bẩm tiếc rẻ:
- Phải chi...


Tôi hiểu ngay chị tiếc rẻ điều gì và mong ước thế nào về hạnh phúc cho con gái mình. Tôi lắc đầu rồi khẽ thở dài như để thương vay cho một số phận hồng nhan gặp phải long đong!


Biết không thể làm gì giúp đỡ cho gia đình chị Sáu Đậm ngoài lời an ủi sáo mòn, tôi từ giã chị Sáu ra về mà trong lòng thưc sự mênh mang một điều gì đó vô thanh vô ảnh!


Ngay buổi chiều hôm đó, làng tôi lại xảy ra chuyện! Thiên hạ mặc tình bàn tán khen chê ồn ào.

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

Chuyện là vầy:


Trước giờ ni cô Diệu Tâm phát nguyện trọn đời theo chân đức Phật, vô tình ni cô chợt thấy trong số người chứng kiến buổi lễ dứt nợ trần ai này có mặt của người bạn năm xưa mang tên vận số Trần Thương Hoài với kỷ niệm của mình! Trái tim nguội lạnh tình đời của ni cô Diệu Tâm bỗng ầm ầm lay chuyển! Lúc sư bà miệng lâm râm khấn vái, tay sư bà cầm cây nhang đầu cháy đỏ để chấm một nốt vào phía trên trán ni cô với mục đích chứng tỏ sự thử thách đầu tiên trên bước đường tu khổ hạnh của Diệu Tâm, ni cô Diệu Tâm nhắm mắt chuẩn bị tinh thần đón nhận cái đau nóng rát của đóm nhang nhọn hoắc cho củng cố lòng tin vào chuyện xa lánh trần gian dứt khoát thêm hơn thì... vô tình hay cố ý, ni cô mở to mắt ra và nhìn thấy bạn Thương Hoài đang ngồi niệm Phật mà nước mắt chảy ròng ròng. Sư bà vừa dứt câu niệm liền dúi mạnh đầu nhang cháy đỏ lên trán ni cô để khắc một dấu chấm khổ hạnh đầu tiên của đệ tử mình, bỗng ni cô Diệu Tâm hét to rồi cắm đầu cắm cổ bỏ chạy vù vù ra phía ngoài sân chùa. Hình như lòng trần của ni cô chưa dứt nên khi hai cái nỗi đau cùng một lúc ập đến: sự luyến tiếc tình xưa, đầu nhang cháy đỏ nóng quá xá nóng khiến cho ni cô không thể chịu đựng được nổi trong lúc này, ni cô đành phải thiệt thà thú nhận là lòng trần của mình chưa dứt được! Cô Lụy đã hiện nguyên hình mình cũng vẫn là cô Lụy!


Một điều rất hay và cao đẹp trong chuyện bất bình thường này, sư bà trụ trì chùa không hề ngạc nhiên hay hờn giận gì cả. Người ta thấy sư bà ngồi quì dười chân đức Phật lẩm rầm cầu nguyện: A di Đà Phật, trần gian còn lắm nỗi truân chuyên. Cầu Đức Phật hộ trì cho tín nữ Nguyễn Thị Lụy sớm mau mau sáng suốt tinh thần để tín nữ Lụy biết phân định điều hay lẽ phải ở chốn trần ai mà có đặng cuộc sống hạnh phúc vui vẻ nhiều. Mô Phật.


Tiếng chuông chùa ngân nga trong nắng chiều đã xuống thấp như những lời ru ngọt ngào nhắn gửi cho ai đó sớm hiểu cái U cái Minh trong cõi vô thường này.

 

ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 6-7-2011)

 

-----

(*) Fashion, thời trang.

(**) Semaine, vòng đeo tay bằng kim loại. Semaine trong tiếng Pháp có nghĩa là "tuần lễ". Bộ vòng 7 chiếc này tượng trưng cho 7 ngày của một tuần.

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage