dnnp - đỗ xanh

 

 

 

 

 

 

 

Những từ ngữ mất nghĩa nhưng vẫn được dùng thoải mái

 

* tản mạn

 

Lời nói đầu: Blog 14-7-11, Kiến Đen nêu ra nhận xét về sự khác biệt giữa văn hóa Việt và Mỹ qua biểu tượng ngôn ngữ. Có lẽ Kiến Đen chỉ muốn người đọc cười ngạo hay cười khà cho đỡ buồn. Thật ra tự chúng ta cũng có rắc rối về văn hóa Việt của chính mình. Nó cũng ấm ớ “rằng vui thì thật là vui…”.

Trước hết, tôi xin nêu ra một vài chữ thường dùng hàng ngày:

Xe đò: Dân ta thuở trước sống bằng nghề nông. Nước là huyết mạch của nghề nông, vì vậy làng xã  thường lập bên cạnh con sông. Không những cung cấp nước, sông còn giúp cho sự chuyên chở. Phương tiện di chuyển chính là con đò. Ngày nay, thành phố mọc lên không cần bên bờ sông nữa. Phương tiện di chuyển là xe không phải đò. Dân ta vẫn nhìn thấy nó là chiếc đò, nên bèn gọi là xe đò.

Quá giang: Tiếng Hán, có nghĩa là qua sông. Cũng giống như trên, từ này có cùng nguồn gốc trong bối cảnh làng xã bên cạnh con sông. Khi qua làng bên, ta phải đi qua sông. Nhưng bây giờ, ta từ trường đua Phú Thọ bước ra, hết tiền đi xe. Ta cười ruồi với ông khách có chiếc xe máy, “Xin cho tui quá giang tới ngân hàng…” mặc dù trên đường đi chả có con sông nào cắt ngang.

Tóc thề: Thuở trước nam và nữ đều để tóc dài. Nam thì búi tó củ hành, nữ thì vấn khăn. Trai gái mỗi khi hứa với nhau thường cắt một lọn tóc mai rồi lập lời thề, “Khi nào tóc dài tới vai chúng ta sẽ…”

Đôi ta quyết một lời thề

Con dao lá trúc đã kề tóc mai

Bao giờ tóc chấm ngang vai

Đôi ta kết ngãi làm hai vợ chồng.

(ca dao)

Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắt son
.
(Truyện Kiều)

Dĩ nhiên các cô bây giờ chẳng có thề thốt với ai. Mặc kệ, hễ ai có tóc dài ngang vai là người ấy có tóc thề.

 

Tóc thề xứ Huế. (Nguồn: Internet).

Hôn lễ: Tiếng Hán, lễ vào buổi hoàng hôn. Hoàng hôn là giao điểm giữa ngày và đêm, tức thời gian hòa hợp giữa âm và dương. Biểu tượng này dùng để nói về lễ cưới. Chỉ có điều bây giờ lễ cưới thường vào buổi sáng hay buổi trưa. Nhiều cặp lấy nhau tính theo giờ tốt cho nên lễ cưới được cử hành vào buổi sáng, buổi trưa là thường. Nó vẫn là “hôn lễ”. Ai dám sửa lại là “ngọ lễ”?

Đêm hôm tắt lửa tối đèn: Lửa là nhu cầu tối cần thiết. Vào thuở dân ta chưa có hộp quẹt, họ giữ lửa bằng cách lấy một nùi rơm rồi cho nó âm ỉ cháy ngầm. Một khi không may nó tắt ngúm, khổ chủ chỉ còn nước qua hàng xóm xin mồi lửa. Không có lửa làm sao nấu nướng. Khóm từ “đêm hôm tắt lửa tối đèn” ý nói sự cần thiết của tình láng giềng. Tuy ý vẫn còn đúng với thời nay nhưng hình ảnh đưa ra thì không còn đúng nữa.

Quí vị: Trong hội trường, diễn giả thường nói, “Kính thưa quí vị…”  Xưng hô như vậy là không đúng vì “quí vị” là danh từ số ít. Đúng ra là phải nói, “Kính thưa toàn thể quí vị…”

Hảo Hán: Đây là một trong những từ vô duyên nhất trong những từ dùng sai. Hảo Hán là người Hán tốt. Nhiều người còn nói chữ, “Ta là một nam Hán tử”. Nói như vậy có khác gì phủ nhận mình không phải là người Việt. Người ta thoải mái dùng chữ hảo hán (hán không viết hoa) với nghĩa can đảm, oai vệ. Không biết họ lấy ở đâu ra cái nghĩa này.

Xin tạm ngừng ở đây, tôi chỉ đưa ra một vài từ ngữ để mào đầu mua vui. Đây không phải là một bài nghiên cứu nghiêm túc. Tôi tin rằng nếu để ý, chúng ta sẽ thấy còn khá nhiều những từ trái tai trong ngôn ngữ thường ngày. Nhưng do ai cũng dùng, nên ta cũng dùng và coi đó là bình thường.

ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 15-7-2011)
 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage