dnnp - đỗ xanh

 

 

 

 

 

 

 

Niềm kinh ngạc về mỹ thuật siêu thực


 

* Khảo luận


Siêu thực (surréalisme) là danh xưng do thi sĩ Pháp Guillaume đặt ra vào năm 1917. Sau đó thi sĩ bác sĩ André Breton, người theo phân tâm học Sigmund Freud và Carl Jung, phát huy rồi lập thành trường phái vào năm 1924 tại Paris. Breton trở thành ông tổ lý thuyết gia chính thống của trào lưu này.

 

Ý nghĩa và lý do thành lập

 

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, dân Âu Châu kinh hoàng trước cảnh tượng sụp đổ đau thương của mọi giá trị. Một nhóm trí thức Pháp - châm lửa khởi đầu là Gillaume - phản ứng chống lại chủ nghĩa duy lý mà họ cho là nền móng của nền văn hóa hủy diệt. Họ biểu lộ sự phản kháng qua những tác phẩm mang sắc thái cách mạng văn hóa theo hướng “siêu thực”. Những tác phẩm của họ tuyệt đối đi ra khỏi qui ước và luật lệ của xã hội và mỹ học cổ truyền. Họ chủ trương cá nhân phải sống tự do với những thao thức nội tâm. Nhận định này đã mau chóng trở thành một đam mê trong giới trí thức vào thập niên 1920.

 

Như chúng ta đã biết, tiềm thức (subconscious) là những xúc cảm nội tâm. Chúng nắm bắt những hình ảnh chợt có để mô phỏng một ý tưởng không thể diễn tả bằng lời, rồi phóng chiếu chúng lên trí não. Chúng là những hình ảnh kỳ lạ không hợp lý với thế giới tỉnh thức. Chằng hạn như cá voi có thể bay trong mây, ngựa phi trong nước, thân thể con người vỡ nát… Chúng là những hình ảnh vượt trên hiện thực nên gọi là siêu thực. Nhóm siêu thực là nhóm duy nhất dám lên tiếng đề cao những dị ảnh huyền ảo ấy.

 

Từ lâu triết học đã nhận ra ngôn ngữ bất lực khi diễn tả những tư tưởng siêu nghiệm. Chỉ có sự toàn năng của giấc mơ mới có thể diễn tả được trạng thái của tư tưởng một cách đúng nhất. Tuy nhiên giấc mơ diễn tả mọi vấn đề chỉ bằng hình ảnh của riêng nó. Những hình ảnh này dĩ nhiên không phải tự nhiên mà có nhưng tuôn ra từ cảnh giới tiềm thức. Đi theo chiều hướng đó, các siêu thực gia (surrealist) dù làm thơ, viết văn, khắc tượng, hay vẽ tranh đều trình bày những ấn tượng cảm quan của mình như cảnh tượng trong giấc mơ. Thủ pháp độc đáo này là sự phối hợp giữa triết học trực giác Bergson và phân tâm học Freud-Jung. (1)

 

Sleep (giấc ngủ), 1937. Tranh của Salvador Dali.

Khi ngủ, thân thể bị sụp đổ, chỉ có cái đầu là chính. Cái đầu nặng nề, hai tai bị bịt kín để khỏi nghe ngoại giới, được nâng đỡ bởi những cột chống - là những định chế xã hội của thế giới thức tỉnh  - rất mong manh. Không gian tràn ngập sương mù. Cái đầu rất to so với những cột chống đỡ. Dali giải thích, “Những cây cột có thể gẫy đổ bất cứ lúc nào. Đó là sự mong manh chắp nối của thế giới được gọi là thực.”

 

Chủ trương của nhóm siêu thực

 

Khởi đầu Guillaume chủ trương nghệ sĩ siêu thực là người ghi lại hình ảnh của nỗi ám ảnh nội tâm mà không cần biết chúng có ý nghĩa gì. Nghĩa là không có phân tích và lý giải. Sau đó Breton sửa lại lập trường này qua bản tuyên ngôn năm 1924. Breton, với cái nhìn của nhà phân tâm học, cho rằng những hình ảnh của tiềm thức có ý nghĩa. Tác phẩm siêu thực vẫn là những công trình mỹ thuật, nhưng còn có trách nhiệm nói lên ý nghĩa của sự sống. Chúng ta phải vượt qua chúng để nhìn vào thế giới nội tâm.

 

Như vậy ngay từ đầu, siêu thực đã có hai hướng đi khác nhau: khuynh hướng Tự phát (Automatism) và khuynh hướng Tự hiện (Veristic Surrealism). Chúng ta có thể cụ thể hóa vấn đề này qua hai thiên tài hội họa Pablo Picasso (1881-1973) và Salvador Dali (1904-1989).

 

Picasso theo hướng đi Tự phát. Đối với ông, con người không thể hiểu được tiềm thức. Cái mà nghệ sĩ có thể làm là trình bày trung thực những hình ảnh mà họ thấy. Nhà siêu thực làm đông lạnh cảm nhận của mình trên giấy, không bận tâm về những hình ảnh có cưu mang một ý nghĩa gì. Cái đáng bận tâm là thể hiện cảm xúc theo đúng dạng của nó, phi mỹ thuật, vô tư như trẻ con. Từ đó, cứ để tri thức tiếp cận với tiềm thức một cách tự nhiên. Nhóm tự nhiên không chấp nhận cách diễn tả cổ điển. Họ cho phương cách đó bị trói buộc trong giới hạn. Chủ trương này biểu lộ sự phản kháng xã hội với những qui luật kìm kẹp lý trí. Picasso tin rằng chỉ có cách dùng phương cách trừu tượng (abstractionism) mới có thể diễn tả được hình ảnh của tiềm thức. Picasso định nghĩa quan niệm này là “điều dối trá nói lên sự thật” (the lie that tells the truth). (2)  Đàng sau ngụy ảnh vô nghĩa như trong giấc mơ là sự thật của tiềm thức.

 

Sadness (Nỗi buồn). Tranh của Lohmuller Gyuri.

Bức tranh diễn tả mối u sầu trong lòng người, nhưng lại không có bóng người. Chỉ có cảnh vật gục đầu rũ xuống. Cách diễn đạt này gợi chúng ta nhớ đến bài ca dao: “Khăn thương nhớ ai - Khăn rơi xuống đất - Khăn thương nhớ ai - Khăn vắt lên vai - Khăn thương nhớ ai - Khăn chùi nước mắt - Đèn thương nhớ ai - Mà đèn không tắt - Mắt thương nhớ ai - Mắt ngủ không yên.”


Salvador Dali, theo chủ trương Tự hiện, cho rằng ta có thể vô tư như trẻ con, nhưng không thể vẽ tranh như trẻ con. Tác phẩm phải có yếu tố mỹ thuật. Những hình ảnh của mộng là những ẩn số mà trí thức phải phân tích giải mã để đi vào thế giới tiềm thức của mình. “Giấc mộng không được giải chẳng khác nào nhận được lá thư mà không mở ra.” (2) Vì vậy tri thức không thể chỉ nhìn chúng như một đối tượng tự lập, tự thể nhưng phải nhập vào chúng để tìm cách giải mã chúng thành ngôn từ.

 

Tư duy siêu thực thời hiện tại

 

Bất ngờ, phong trào siêu thực bị khai tử vào năm 1941, khi thế giới chìm đắm trong binh lửa của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Những tác phẩm siêu thực không được các nhà phê bình nói tới nữa. Lý do vì đại chúng dành thì giờ lo cơm ăn hơn là để nhìn ngắm những cái mà không ai hiểu chúng diễn tả cái gì. Những tác phẩm siêu thực đã tạo nên rất nhiều hiểu lầm vào thời đó. Những người trọng nghệ thuật đành trân trọng đưa những tác phẩm siêu thực của những nghệ sĩ lớn vào viện bảo tàng.

 

Tại thời hiện tại, người ta nhận ra đường lối tư duy siêu thực không chết. Ở đây chúng ta không bàn tới những họa phẩm và những bức tượng siêu thực mắc tiền cất giữ trong viện bảo tàng. Chúng ta cũng không nói đến những kịch bản, tiểu thuyết và thi phẩm ít người hiểu chúng. Trên thực tế, dù bị ngộ nhận, khuynh hướng siêu thực là một sáng tạo chất chứa một tiềm lực tư duy không bao giờ cạn. Cái khả năng nhìn vào nội tâm thật sự đã bùng nổ ngay cả trước khi Guillaume nhận diện ra và đạt tên cho nó. Vì vậy nó không lệ thuộc vào sở thích của đại chúng. Nhà phê bình văn học Maurice Nadeau đã nói đúng, “Nghệ thuật siêu thực bay lượn vượt ranh giới quốc gia và thoát khỏi mọi khuynh hướng nghệ thuật có trước nó”. Họa sĩ Van Gogh (1853-1890) của Hà Lan và thi sĩ Hàn Mạc Tử (1912-1940) của Việt Nam là hai thí dụ điển hình. Hai vị này không có một chút ý thức gì về siêu thực, nhưng những tác phẩm của họ lại phản ảnh đúng hiện tượng này.

 

Cả miệng ta trăng là trăng
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan
Ta nhả ra đây một nàng
Cho mây lặng lờ, cho nước ngất ngây
Cho vì sao rụng xuống mái rừng say
Gió thổi rào rào như lá đổ
Suối gì trong trắng vẫn đồng trinh
Bóng ai theo dõi bóng mình
Bóng nàng yêu tinh
Nhịp cười như tiếng vỡ pha lê

(Một miệng trăng. Hàn Mạc Tử)

 

Nếu con người là một linh vật có lý trí thì chỉ khi nào sống với lý trí, con người mới sống đúng với cương vị của mình. Nếu chỉ biết thỏa mãn trong giới hạn của thế giới thường nghiệm, con người chẳng khác gì những động vật khác. Con người phải vượt khỏi thế giới lý tính để nhập vào thế giới siêu hình. Tác phẩm siêu thực là nghệ thuật duy nhất có thể làm nổi cùng một lúc ba cảnh giới: tinh thần, tâm lý và hiện thực (spiritual, psychological, physical). Siêu thực là một bước tiến về tư duy của nhân loại.

 

Đúng với nghĩa cách mạng, chính những vị trong khuynh hướng siêu thực, một lần nữa, tự giải phóng mình khỏi những quan niệm siêu thực cũ. Vì vậy, nói đến nghệ thuật siêu thực là phải nói đến hiện tượng bất đồng nhất về bút pháp trình bày, về tư tưởng, và về nền tảng triết học. Người ta có thể tìm thấy đủ loại tác phẩm siêu thực với chủ đề hoang đường, thần thoại, hư vô, hồi ức, thần bí, và triết duy tâm…

 

Voyager (Lữ khách). Tranh của Vladimir Kush.

Mỗi lần hắn ra đi, cảnh vật bỗng đổi thành buổi chiều lộng gió. Mỗi nơi đi qua, hắn để lại một chiếc cặp xách tay, nơi đó lưu giữ một chút kỷ vật. Một bức tranh rất lãng mạn và đẹp. Nó là một kết hợp giữa hiện thực, cảm xúc và mộng ảo.

 

Cảnh trong tranh Vladimir Kush giống hệt như cảnh trong bài thơ “Prelude cho những chuyến đi” của Thanh Tâm Tuyền sau đây. Hai tác phẩm đều là “thi trung hữu họa, họa trung hữu thi”.

    

Trong bóng tối ruỗng im quái gỡ
Lúc dứt lặng trận chiến man rợ
Hắn rũ bỏ ký ức, và đi
Trong rừng sâu thẳm cây trút lá
Ngọn gió mông muội thổi tràn trề
Bấy giờ hồi trằn trọc lịch sử
Lịm từng cơn ảm đạm ê chề
Sớm hay khuya không biết nữa
Thời khắc tự hủy hoại vắng tanh
Dòng nước suối chảy không tiếng vang
Giữa bờ bến đắm chìm lấp lú
Những con trốt quặn thắt huyền bí
Xoay quanh sự thế vui trầm ngâm
Hắn đưa chân theo bước khôn cầm
Trên lối u mê mờ hoặc
Mọi nỗi niềm đều giấu mặt
Mọi sự thực đều lang thang
Hắn đi như thế, không thể khác.

 

Ngoại trừ Nhật Bản, châu Á không có trào lưu siêu thực một cách chính thức. Tuy nhiên rất nhiều nghệ sĩ lớn đã bị ảnh hưởng lối cảm nghĩ của siêu thực một cách rất tự nhiên. Khuynh hướng siêu thực trở thành một trong những lối tư duy hiện đại. Nó giúp rất nhiều tâm hồn ngây ngất với niềm an vui và tỉnh thức nội tâm. Tuy rất nhiều vị có đường lối tư duy siêu thực mà không hay biết về trào lưu này qua dạng kinh điển văn học, nhưng chính qua yếu tố “không biết”, họ đã thể hiện tác phẩm của họ trong dạng chân chất vô tư nhất. Chúng ta có thể thấy nét siêu thực bàng bạc trong nhạc của Trịnh Công Sơn, thơ của Hoàng Cầm, của Hàn Mạc Tử, của Nguyễn Đình Thi… Rốt cuộc lối nhìn của nhà nghệ sĩ siêu thực cũng chẳng khác gì cái nhìn vô tư và trực tâm của các thiền sư.

ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 3-8-2011)

Tài liệu tham khảo:

(1)   Britannica Concise Encyclopedia

(2)   Monica Sanchez. “History of Surrealism”.

 

 

Xin coi thêm đoạn phim ngắn diễn tả giây phút xúc động khi hai người gặp nhau. “Nuit Blanche”, a romantic surrealist short film.

 

 

Get Adobe Flash player

Xin chờ một chút để file được tải về.

Khi xuất hiện chữ Ready, xin nhấn nút tròn Play để xem.

Xin click kép (double click) lên video để mở lớn và click lần nữa nếu muốn thu nhỏ nguyên gốc.

 

Bạn có thể download tư liệu này về lưu ở máy tính của mình để xem lại tùy thích bằng cách click chuột vào Download rồi chọn Save As hay Save File.

 


Tư liệu này được tìm thấy trên Internet. Do không có điều kiện trực tiếp xin phép tác giả và người giữ bản quyền, Gia đình THKT rất mong quý vị rộng lòng cho thầy trò chúng tôi được thưởng thức tác phẩm tuyệt vời này. Chân thành cảm ơn.

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage