dnnp - ngô vàng

 

 

 

 

 

 

CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG

 

Đờn bàu ai gảy nấy nghe...

 

* tạp văn

 

 

 

 

Từ thời còn nhỏ ở quê nhà, hễ cứ mỗi buổi vào giấc trưa, tôi thường nghe chị Út Hồng Nhan ở cạnh bên nhà tôi ru con của chị ngủ. Cái giọng ru ầu ơ của chị, tôi nghe buồn buồn làm sao ấy.

 

Ầu ơ...
Đàn bầu ai khảy nấy nghe.
Làm thân con gái đừng nghe đờn bầu.


Thuở ấy, tôi còn ngây thơ quá nên tôi nào có biết người đặt ra những vần thơ kia có muốn ẩn ý gì qua lời ru như nhắn gửi ấy! Mang cái tâm trạng thắc thỏm tò mò ấy trong lòng mà không tiện lời dò hỏi người lớn cho ra lẽ! Thôi thì tạm thời tôi cứ thử hỏi trước con Lanh “già” lớp mình xem nó có biết gì không. Con Lanh có biệt hiệu "Lanh già" không phải là vì nó lớn tuổi hơn chúng tôi mà là vì hồi năm nẳm nó bị bệnh ban khỉ nên tướng đi của nó lom khom và khuôn mặt nó nhăn nheo từa tựa như bà lão "Em ơi, có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời..." vậy. Sở dĩ tôi không hỏi đứa nào khác ngoài con Lanh “già” là vì nó là đứa con gái có tật xấu, hay đi rình nghe trộm mấy bà nạ dòng hay mấy chị lớn tuổi tụm năm tụm ba lại nói chuyện rầm rì với nhau và rồi họ phá ra cười ha hả cho một nỗi phấn khích nào đó?! Lắm lúc bực mình vì trẻ con tò mò chuyện người lớn nên tôi có góp ý phê bình, con Lanh “già” chẳng thể hiện điều gì sửa đổi mà nó còn tỉnh bơ trả lời: Tụi bây còn con nít con nôi nên chưa biết cái "ô mê ly"là gì khi ta moi móc ra được cái chuyện riêng tư của người khác cố tình giấu kín đâu! Lúc ấy, tôi chỉ biết lắc đầu chê trách nó, nhưng trong đầu mình ít nhiều gì cũng phải vẩn vơ ao ước: phải chi trời sinh mình ra có được tánh như nó thì mình cũng sẽ được biết cái "ô mê ly" ấy là thế nào rồi! Một buổi sáng đến trường và vào giờ ra chơi, tôi khều con Lanh “già” ra sân trường, dúi vài viên kẹo the bạc hà màu xanh có viền đường đỏ trắng vào tay nó rồi tôi rù rì hỏi nhỏ:
- Ê mày Lanh “già”, mày có biết chị Út Hồng Nhan hay ầu ơ, ví dầu đờn bầu, đờn bịch gì đó hông mậy?


Con Lanh “già” ngậm kẹo. miệng hít hà lúng búng trả lời:
- Lúc đầu nghe chỉ ru con, tao cũng không biết ý nghĩa là gì. Tao về hỏi chị Tám Nhiều nhà tao, chị ấy nói gọn hơ là hễ con gái mình mà mê đờn bầu là nay mai sẽ… có bầu!


Tôi chưa kịp hiểu lắm cho lối giải nghĩa này thì cái thắc mắc khác trong tôi lại tiếp:
- Vậy rồi con trai tụi nó nghe đờn bầu thì có bị gì không mậy?


Nó không vội trả lời ngay vì nó đang bận nhai kẹo nghe lột sột trong cái miệng nó. Rề rà một hồi lâu, nó mới ngập ngừng trả lời:
- Tao cũng không chắc lắm, nhưng tao thấy ở làng mình có ông Sáu Tửu hay đánh đờn bầu rồi sau đó ai cũng thấy cái bụng ổng bị bự chang bang! Có lẽ đàn ông nghe đờn bầu rồi sẽ bị bầu!


Tôi nghi ngờ điều mà con Lanh “già” vừa nói không chắc chắn lắm bởi vì ngoài cái chuyện hay khảy đờn bầu ra, tôi thấy ông Sáu Tửu quanh năm suốt tháng thường hay uống rượu lu bù, bất kể ngày đêm. Rốt cuộc rồi khi nghe Lanh “già” giải thích chuyện đờn bầu thì tôi cũng không hiểu được thêm gì bởi tôi hoàn toàn không tin tưởng chi lắm cho những lời nó nói. Không lẽ nào mình chịu thua mà đành bó tay trong chuyện này sao? Một ý tưởng cương quyết bỗng xuất hiện ngay trong đầu tôi: Phải hỏi ngay chị Út Hồng Nhan là ngay chóc. Hình như cổ nhân trong quyển sách nào đó có dạy: Phàm việc gì muốn làm hôm nay mà ta cứ nhởn nha thì ngày mai, cái mà ta nhận được cũng chỉ là cái thứ của trâu để lâu hóa bùn mà thôi.


Ngay buổi chiếu hôm sau, nhân lúc thấy chị Út Hồng Nhan ngồi nhặt rau một mình trước thềm dưới hiên nhà chị, tôi mon men tìm sang. Thấy tôi thập thò ngoài cổng, chị Út tay ngưng nhặt rau, ngẩng đầu lên nhìn tôi và lên tiếng:
- Vào đây chơi gái Mười ơi.


Tôi cười mỉm chi chào chị rồi "dạ" một tiếng nghe rất dễ mến [tôi tự tin như thế!]


Chị Út Hồng Nhan thăm hỏi:
- Hôm nay có việc gì không mà gái Mười qua thăm chị vậy?


Tôi bộp chộp vào đề:
- Chị Út à, từ lâu rồi nghe chị ru con câu gì đó nghe hay quá nhưng mà em không hiểu đại ý của câu là nói gì nên hôm nay em qua đây là để xin chị cắt nghĩa dùm cho em được rõ vậy thôi.


Chị Út khẽ cười:
- À, thì ra vậy.

 

Nguồn minh họa: Internet.


Rồi bỗng dưng mắt chị như sụp xuống rưng rưng. Chị nhìn tôi hồi lâu rồi khẽ khàng cất tiếng:
- Mười à, em là người ngoài đầu tiên hỏi chị chuyện này. Thấy em cũng là phận gái như chị, em hiền lành và dễ thương quá nên chị cũng không giấu gì em. "Đờn bầu ai khảy nấy nghe, làm thân con gái đừng nghe đờn bầu" là chính chị đây chứ có ở xa xôi nào đâu! Thôi, đã lỡ mở lời tâm sự với em rồi thì chị cũng tóm tắt lại chuyện đời của chị như sau:


Hai năm về trước, gánh hát Sống Giang của ông bầu Quì về làng mình hát tuồng "Sầu vương ý nhạc". Trong số mấy ông thầy đờn, chị mê nhất là anh Tư đờn bầu. Mỗi lần nghe ảnh trổi lên tiếng nhạc trầm bổng là lòng chị như bị ai đó ai bốc lên nhồi xuống vậy! Nếu gái Mười mà nghe ảnh đờn bài "Trăng thu dạ khúc" hay bài "Xuân nữử' thì chị bảo đảm em mà không bị đứt từng khúc, từng khúc ruột ra thì cái gì chị cũng chịu thua hết đó.


Tôi chỉ cười nho nhỏ chứ trong đầu mình nào có biết nó hay dở thế nào đâu mà nỡ để cho… từng khúc, từng khúc như chị hăm he!


Tiếng kể chuyện của chị Út Hồng Nhan tiếp tục đều đều:
- Thế rồi chuyện chị mê anh Tư đờn bầu bị thiên hạ đồn đãi vang đến tai tía má chị. Ổng bả nổi giận đùng đùng. Tía chị bắt chị cột vào bụi chuối sau hè nhà và đánh cho một trận quá trời quá đất, vừa đánh, ổng vừa giận dử la to: Con gái con gơ gì mà mới nứt mắt ra đã biết "rượn đực" rồi hè! Tao quánh một trận cho mày chừa nghe… con quỉ cái!


Tôi xót xa nhìn chị thương cảm và ngu ngơ hòi:
- Bác Hai đánh chị như vậy có… nhức hông?


Nghe tôi hỏi khù khờ như vậy, chị bật cười rinh rích:
- Nhức thấy bà tổ chứ sao không nhức em.


Thấy tình hình lúc này hơi hơi vui vẻ, sợ lỡ cơ hội, tôi liền vào ngay nội dung chính của mình:
- Chị Út à, rồi sau đó chuyện diễn biến tiếp ra sao?


Chị Út đang cười vui vui bỗng nghe tôi hỏi như vậy, chị trở lại giọng bình thường;
- Mấy hôm sau, lợi dụng lúc tía má chị hơ hổng dòm ngó chị nên một buổi tối trời mưa lâm thâm, chị giả bộ đi ra sau nhà để đi vệ sinh, chị liền ôm gói quần áo trong đống rơm mà mấy bửa trước chị giấu sẵn ở đó và chui rào ra ngoài có sẵn anh Tư đờn bầu đang núp ló chờ chị để hai đứa trốn gia đình mà đi theo tiếng gọi tình yêu.


Tôi nôn nóng:
- Rồi sao nữa chị?


Giọng chị trở nên trĩu nặng và rời rạc hơn:
- Trốn nhà theo anh Tư đờn bầu chưa đầy một năm thì ảnh bị một con quỉ cái mê đờn bầu con nhà giàu khác ếm ảnh! Thế là...


Chị Út Hồng Nhan bỏ lửng câu nói rồi thẫn thờ đưa mắt nhìn xa xăm lên khoảng trời có nhiều đám mây xam xám đang giăng giăng, hình như chúng đang chuẩn bị hội tụ cùng nhau để làm nên một cơn mưa. Một cơn mưa bóng mây rạt rào qua rồi dừng lại.


Bỗng con bé con chị Út Hồng Nhan nằm ngủ trên võng cất ré lên tiếng khóc .
Không biết nó khóc cho cuộc đời không may của mẹ nó hay nó khóc cho nó mai này?


Tôi lặng lẽ ra về, chị Út Hồng Nhan lật đật chạy vào ru con bé:
Ầu...ơ....


Lần này tôi nghe lẩn quất trong tiếng ru của chị có một cái gì đó như nghèn nghẹn, như cam phận cho kết thúc không có hậu của một chuyện tình bởi do mình quá lãng mạn đi yêu tiếng đờn bầu mà bất kể kẻ gảy đờn ra làm sao.

ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 3-8-2011)

 

Xin chờ một chút để file được tải về.

Do đặc thù của Internet, chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các trang mở ngoài, đặc biệt là các link mở thêm.

 

  • Nhạc phẩm: Dạ cổ hoài lang

  • Sáng tác: Cao Văn Lầu

  • Biểu diễn: Đàn bầu


Tác phẩm này được tìm thấy trên Internet. Do không có điều kiện trực tiếp xin phép tác giả, ca sĩ và người giữ bản quyền, Gia đình THKT rất mong quý vị rộng lòng cho thầy trò chúng tôi được thưởng thức tác phẩm tuyệt vời này. Chân thành cảm ơn.

 

 

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage