dnnp - ngô vàng

 

 

 

 

 

 

CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG

 

Lá vang, lá dang hay lá giang?

 

* tạp bút

 

Nếu bất chợt có một ai đó, vô tình hay cố ý lên tiếng hỏi Ngô Vàng tôi: Trên đời này, món ăn nào mà ăn ngon nhất? Không vội vàng trả lời là sơn hào, hải vị của các bậc vua chúa nơi cung đình. Càng tuyệt đối không dám màng đến những thức ăn cầu kỳ của các bậc đại gia lắm khi mang đậm màu sắc tàn nhẫn, gớm ghê: óc khỉ, tay gấu, hầu huyết lìn thượng sơn.v.v. Đơn giản để trả lời thôi: Thèm ăn món gì thì khi ăn được cái món đó mới gọi là ngon nhất trên đời mà  thôi. [Không biết có quí vị nào đồng ý với câu trả lời này của Ngô Vàng tôi không nhỉ?] Hôm nay, Ngô Vàng tôi xin được gởi đến quí vị gần xa một món ăn thực là dân dã nhưng đượm tình quê cũ biết là bao của Ngô Vàng [và cũng là của rất nhiều vị nào còn nhớ kỷ niệm ngày xưa]: Canh chua cá lóc đồng nấu lá giang.

 

Lẩu gà lá giang. (Nguồn minh họa: Internet).


Nhưng trước khi chúng ta cùng nhau thưởng thức món ăn dân dã, giản dị kia [mà mỗi khi nhắc lại ta còn lưu luyến, thòm thèm!], ta hãy thử tìm hiểu xem vì sao mỗi người có lối gọi tên nó một cách khác nhau?


Chuyện cái tên của loài rau này đã từng là đề tài tranh cãi, tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu ẩm thực dân gian!

 

Có người cho rằng tên gọi đúng của nó là rau “lá vang” vì người thượng cổ đầu tiên trong thời kỳ hái lượm đã nếm thử lá này và cảm nhận cái vị chua lè tựa dòng điện cao thế của nó dẫn vang vang lên tới... óc o ông ta. Thế cho nên người đó bèn đặt cho lá cây này tên là lá vang.

 

Người thứ hai không đồng ý với cái thời điểm và cái tên của lá vang này. Ông này cho rằng thời gian xuất hiện cái lá có vị chua đầm đầm này là vào khoảng thời gian cận đại hơn. Ông dẫn chứng tên lá bằng một câu chuyện buồn hiu về một mối tình dang dở trong chuyện ngày ấy. Hồi đó có đôi trai gái yêu nhau thắm thiết. Một buổi trưa mùa hè năm đó, hai người đồng hẹn nhau ở một góc bìa rừng vắng vẻ để mà tiện bề thể hiện tình yêu. Chàng trai dự định vào ngày hôm nay sẽ ngỏ lời cầu hôn với nàng con gái. Quà đính hôn sẽ là một chiếc nhẫn mà chàng ta đã bỏ công ra nhiều ngày để... kết bằng cỏ bông may. Nàng con gái bối rối. không biết làm gì, tay lẩn thẩn bứt chiếc lá của sợi dây leo mọc hoang kế bên chỗ nàng ngồi và nàng thẹn thùng chỉ biết vò nát chiếc lá trong tay. Thinh không, chả hiểu lúc sáng, trước giờ hẹn hò với tình nhân, người đẹp điểm tâm với món đầu tôm xương cá gì đó mà bị… chột bụng! Thế là… hình như có một âm thanh nức nở ai hoài nào đó từ nàng con gái bỗng kêu lên. Thật là không hợp tình hợp cảnh chút nào trong cái thời khắc nên thơ này! Chỉ bình thường vậy thôi, thế mà chàng trai lại đành đoạn "dang" xa nàng ra đến "nghìn trùng xa cách"! Người thời bấy giờ, nghe chuyện tình này ngồ ngộ nhưng cũng đầy cảm thương nên đặt cho tên chiếc lá có vị chua chua ấy là “lá dang” [duyên] vì cho rằng đôi trai gái trên  "vô dang" với nhau mới sinh ra cớ sự tầm phào này. Người ta mong tên lá dang [duyên] là niềm mơ ước để sau này một khi có ai ăn chiếc lá này vào thì họ sẽ được mọi cái duyên lành hơn!


Người thứ ba đang đi đò qua sông, tay cầm một nùi lá có vị chua thanh ngọt mà ông ta vừa hái được trên một cái gò đất bên sông, ông ta định đem về nhà nấu một nồi canh chua cá lóc đồng thật ngon. Chợt nghe kể sự tích tên chiếc lá như trên, ông ta tỏ ra không đồng ý cho lắm, ông ta xỏ xiên 2 ông kia là đồ kể chuyện… "vô dang" đến "vang danh". Trong lúc phấn khích diễn đạt sự công kích của mình, ông ta đứng thẳng người trên chiếc đò nhỏ múa may tay chân. Chẳng may chiếc đò bị chao nghiêng và ông ta té ùm xuông sông sâu mà trên tay còn nắm chặt bó lá lạ chưa biết tên. Lúc được người ta cứu vớt lên bờ, mặt mày tuy còn tái xanh tái nhợt, nhưng miệng ông ta hô to: Lá này đích thực phải gọi là tên “lá giang” đây. Mấy người đi chung đò đều đồng ý la to: Đúng, đúng. Tên gọi chính xác và đầy đủ của chiếc lá này phải gọi là lá... "té giang" đó ông anh "té sông" ạ!


Vậy, chiếc lá dùng để làm món ngon trong nồi canh chua quê nhà phải gọi đúng tên cho nó là gì: lá vang, lá dang hay lá giang? Xin nhường lời quyết định trả tên cho đúng chiếc lá đến những nhà ngôn ngữ học mà thôi!


ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 31-8-2011)

 

 

ĐỌC THÊM:

 

Lá giang, vị chua làm thuốc

 

Lá giang (Nguồn minh họa: Internet).

 

Cây lá giang, hay giang chua, dây dang còn gọi là dây đực (danh pháp khoa học: Aganonerion polymorphum), là một loài cây thuộc họ La bố ma (Apocynaceae).

Lá giang là cây mọc hoang dại họ dây leo có mủ trắng, lá đơn, hình trứng mọc đối, có vị chua dịu. Hoa mọc thành chùm, màu hồng lợt, 5 cánh đều nhau; đài hoa hình ống, tràng hình chuông, 5 nhị ngắn, nhiều noãn. Quả có hai đai. Hạt có chùm lông ở đỉnh.

Là một loài cây có dược tính cao, chất saponin trong lá giang có tính kháng sinh với các chủng khuẩn Salmonella typhi và Klebsiella.
 

Người ta có thể dùng lá giang để nấu canh hoặc xào với thịt gà, cá nước ngọt, thịt bò.... Canh chua lá giang là một món ăn ngon.

Nấu lá giang, cũng như các loại canh chua khác không nên sử dụng nồi nhôm mà nên dùng các loại nồi như inox, tráng men không rỉ. Nếu dùng nồi nhôm, phải nấu nhanh và ăn ngay do chất chua có thể ăn mòn nhôm và làm nồng độ nhôm trong canh chua tăng cao, có thể gây ngộ độc. Nói tóm lại khi nấu canh lá giang trong một số nồi kim loại thì nên múc ra dùng ngay khi canh chín.

(Theo Wikipedia)

 


 

Vườn lá giang (Nguồn minh họa: Internet).

 

Lá giang (lá vang) không chỉ được dùng để nấu canh chua, lẩu gà... ngon, mát mà còn được dùng chữa viêm đường tiết niệu, có sỏi, viêm thận mạn tính, viêm ruột, phong thấp, sưng tấy...

 

Công dụng

Lá giang tên khoa học là Ecdysanthera rosea, thuộc họ trúc đào, mọc hoang ở vùng đồi núi, bìa rừng. Lá có vị chua, tính bình, không độc, có tính năng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, kháng viêm diệt khuẩn, giảm đau... nên thường được dùng để nấu canh chua và làm thuốc giải nhiệt.

Đặc biệt, nó còn có tác dụng chữa viêm đường tiết niệu, có sỏi, viêm thận mạn tính, viêm ruột, phong thấp, sưng tấy...

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong cây lá giang có nhiều saponin, flavonoid, sterol, coumarin, tamin, chất béo, axit hữu cơ và 12 nguyên tố vi lượng.

Về mặt sinh học, cao lỏng lá giang được chiết xuất không thấy có độc tính, có tác dụng ức chế 9 loại vi khuẩn, tiêu viêm cấp tính cả khi uống và tiêm.

 

Lá giang (Nguồn minh họa: Internet).

 

Một số bài thuốc chữa bệnh

Chữa sỏi tiết niệu: Lá giang tươi (có thể dùng cả dây) 200g. Sắc uống ngày một thang, chia nhiều lần uống trong ngày. Uống liên tục trong nhiều ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy dùng nước sắc lá giang cho bệnh nhân sỏi thận uống trong 1 tháng liên tục thì 67% số bệnh nhân đã tiểu ra sỏi.

Sỏi và viêm đường tiết niệu: 10g thân lá giang thái mỏng, phơi khô, đổ ngập nước, đun nhỏ lửa 1 tiếng, chắt lấy nước, sắc tiếp 2 lần nữa, sau đó lấy 3 nước nhập lại sắc tiếp còn 200ml. Uống mỗi lần 100ml, ngày 2 lần sáng chiều liên tiếp 2 - 3 tuần.

Chữa viêm bàng quang bằng món ăn: Canh chua cá lá giang và canh gà lá giang có tác dụng phòng chữa viêm đường tiết niệu với triệu chứng đái dắt, đái buốt...


Viet Bao (Theo Bee)

 

 

 

 

 

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage