dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Nghệ thuật chơi chữ trong thơ Đường luật

 

 

* khảo luận

 

Từ những triều đại cổ xưa bên Trung Hoa, thi ca của họ không có luật lệ nào nhất định. Chúng được gọi chung là thơ cổ thể hay thơ cổ phong. Đến đời nhà Đường (618 - 907), thi ca phát triển mạnh, triều đình dựa vào vần điệu của thanh âm mà đặt ra luật thơ, gọi là Đường luật. Giới văn học dùng danh xưng thơ Đường (Đường thi) để gọi những bài thơ sáng tác trong thời kỳ ấy, chẳng hạn thơ Đường của Lý Bạch. Ngày nay chúng ta thường nói tắt là làm bài thơ Đường. Đúng ra phải nói là làm bài thơ Đường luật.

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

Văn học sử đã chứng minh luật thơ của nhà Đường không phải là những ràng buộc cứng ngắc. Chúng chỉ là một kỹ thuật tạo thanh êm ái nâng đỡ cho phương tiện truyền đạt. Không những thế, chính luật lệ của nó lại tạo hứng khởi cho những tiềm năng phát triển. Sự phát triển vừa có hình thức cổ kính quí phái, nhưng cũng vừa có nội dung biểu lộ tâm tình của thời đại. Thông thường thi ca vốn thiên về tình cảm, nhưng thơ Đường luật lại biến thể thành một nghệ thuật chơi chữ công phu biểu lộ tài năng của người sáng tác. Đôi khi lối chọn chữ có âm đầy bất ngờ, ý lại vừa thâm làm choáng váng người trong cuộc. Tú Xương chẳng hạn đã mượn chữ “đồ” theo tiếng miền Nam để mỉa mai 3 ông thầy đồ ở miền Bắc thời xưa.

 

Cử Thăng, Huấn Mỹ, Tú Tây Hồ

Ba bác chung nhau một cái đồ

Rầy được thỏa lòng sum họp mặt

Thôi đừng chê nhỏ lại cười to.

            (Tú Xương - Đề Ảnh)

 

Các thể thơ

 

Tại Việt Nam, thơ Đường luật được chuyển hóa thành một môn nghệ thuật chơi chữ rất đặc thù, hợp với tâm tình Việt tộc. Xin giới thiệu những thể thơ chính mà các nhà văn học ta đã dùng.

 

 

1. Thủ vĩ ngâm: bài thơ có câu đầu và câu cuối giống nhau

 

Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!

Cái nợ ba sinh đã trả rồi.

Chôn chặt văn chương ba thước đất,

Ném tung hồ thỉ bốn phương trời.

Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,

Miệng túi càn khôn thắt lại rồi.

Hăm bảy tháng trời là mấy chốc,

Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi.

            (Hồ Xuân Hương – Khóc chồng)

 

 

2. Liên hoàn: khi nhiều bài thơ đặt kề nhau mà câu chót của bài trên trở thành câu đầu của bài kế.

 

Chửa chán ru mà quấy mãi đây,

Nợ nần dan díu mấy năm nay.

Mang danh tài sắc cho nên nợ,

Quen thói phong lưu hóa phải vay.

Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,

Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay.

Còn trời còn đất còn non nước,

Có lẽ ta đâu mãi thế này

Có lẽ ta đâu mãi thế này,

Non sông lẩn thẩn mất Thu chày.

... (*)

(Nguyễn Công Trứ - Than nghèo)

 

(*) Cả bài gồm 4 khúc thất ngôn bát cú, nhưng vì hơi dài nên tạm ngừng trích dẫn ở đây)

 

Cùng một kỹ thuật, nhưng nếu chữ được lập lại đặt ở đầu mỗi câu thì gọi là “hoàn cú”.

 

Những lúc say sưa cũng muốn chừa
Muốn chừa nhưng tỉnh lại hay ưa
Hay ưa nên nỗi không chừa được
Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa.

                        (Nguyễn Khuyến - Chừa rượu)

 

 

3. Yết hậu: câu cuối cùng của bài thơ chỉ có một chữ. Chữ này phải cùng vần với cả bài.

 

Sống ở trần gian đánh chén nhè.

Thác về Âm phủ vác kè kè.

Diêm Vương phán hỏi mang gì đó?

Be!

                       (Chiêu Hổ - Anh nghiện rượu)

 

 

4. Triệt hạ: khi câu thơ chưa đủ nghĩa vì bị bỏ lửng ở cuối mỗi câu để người đọc hiểu ngầm.

 

Thấy gái hồng nhan bỗng chút mà …

Hỏi thăm cô ấy chửa hay đà …

Hình dung yểu điệu in như thể …

Diện mạo phương phi ngó tưởng là …

Ăn mặc ra tuồng người ở chốn …

Nói năng phải lẽ giống con nhà …

Ước gì ta được mà ta để …

Ta để đem về đặng nữa ta …

                      (Vô Danh - Thấy gái hồng nhan)

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

 

5. Vĩ tam thanh: Khi bài thơ mà mỗi câu có ba chữ chót có âm giống nhau.

 

Tiếng gà bên gối tẻ tè te,

Bóng ác trông ra hé hẻ hè.

Non một chồng cao von vót vót,

Hoa năm sắc nở lỏe lòe loe.

Chim, tình bầu bạn kia kìa kỉa,

Ong, nghĩa vua tôi nhe nhẻ nhè.

Danh lợi mặc người ti tí tỉ,

Ngủ trưa chưa dậy khỏe khòe khoe.

            (Huyện Thư Điền - Tự giác)\

 

 

6. Lục ngôn thể: trong bài thơ có xen vào một hay vài câu 6 chữ. Thể loại này rất phổ biến vào đời nhà Trần. Trong bài thơ dưới đây những câu 6 chữ được viết chữ nghiêng cho dễ nhận diện.

 

Chưa dễ ai là Phật Thích Ca,

Mọi niềm nhân ngã nhẫn thì qua.

Lòng vô sự, trăng in nước,

Của thảng lai, gió thổi hoa.

Kìa khách xuân xanh khi trẻ,

Mấy người đầu bạc tuổi già.

Thanh xuân ấy ắt là tiên khách,

Được thú ta, đã có thú ta.

            (Nguyễn Bỉnh Khiêm - Thế sự)

 

 

7. Tam song thanh: mỗi câu trong bài thơ có 3 cặp điệp vận. Nếu có 2 cặp điệp vận thì gọi là "song thanh".

 

Bắt gắt bơi chơi cách rạch ròi,

Sóng lòng chộn rộn tựa đưa thoi.

Tươi cười cứ thử chèo theo vịnh,

Bình tĩnh trông mong đợi tới doi.

Mỹ ý già ra càng đáng đọc,

Thâm trầm trẻ sẽ tính nhìn coi.

Khuấy rầy cụ phủ đà la ó,

Bực tức thay ai khó tỏ mòi.

            Thượng Thanh - Tặng bạn)

 

Xin đừng lầm thể “song thanh” với thể “song điệp”. Gọi là song điệp khi mỗi câu trong bài thơ có 2 cặp điệp ngữ (không phải điệp vận). Thí dụ bài “Chán đời”, tác giả Vô danh sau đây:

 

Vất vất vơ vơ cũng nực cười,

Căm căm cúi cúi có hơn ai

Nay còn chị chị anh anh đó,

Mai đã ông ông mụ mụ rồi …

 

 

8. Khoáng thủ: bài thơ có các chữ đầu câu ráp lại thành một câu có ý nghĩa.

 

Hồng thêm đóm lửa buổi hoa râm
Phước để trần ai nặng nghĩa thâm
Trang trải tâm hồn trong cõi phúc
Thủy chung muôn thuở tỏa hương trầm.

(Nguyễn Xuân Kỳ - Đóm lửa hồng)

 

Chuyện chỉ có ở Kiến Tường, một biến hóa từ thơ khoáng thủ, mỗi chữ đầu câu mang môt mẫu tự. Ráp những mẫu tự này lại sẽ thành một khóm từ có ý nghĩa.

 

Tìm đâu trong mớ đời cơm áo

Hãy nhìn lại đây mái trường xưa

Kỷ niệm còn nguyên thầy trò đó

Ta gặp lại ta thuở ban đầu

                (Manghinguyenđong – THKT)

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

9. Xướng họa: bài thơ đưa ra đầu tiên gọi là bài xướng. Nếu lấy vần của bài thơ xướng để sáng tác những bài thơ kế thì những bài thơ này gọi là bài họa.  

 

Ả ở đâu bán chiếu gon

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn

Xuân thu nay độ bao nhiêu tuổi

Đã có chồng chưa được mấy con.

            (bài xướng của Nguyễn Trãi – Thơ ghẹo Thị Lộ)

 

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon

Nỗi chi ông hỏi hết hay còn

Xuân Thu tuổi mới trăng tròn lẻ

Chồng còn chưa có hỏi chi con.

            (bài họa của Thị Lộ)

 

 

10. Thuận nghịch độc: Khi bài thơ đọc xuôi đọc ngược điều có ý nghĩa.

 

Cảnh Tây Hồ

Vô Danh

 

Đọc xuôi:

 

Đây vui thực lạ cảnh Tây Hồ!

Trước tự trời kia khéo vẽ đồ.

Mây lẫn nước xanh màu tỏ ngọc,

Nguyện lồng hoa thắm vẻ in châu.

Cây la, tán rợp, từng cao thấp,

Sóng gợn, cầm tâu, dịp nhỏ to.

Bày khéo thú vui non nước đủ,

Tây hồ giá ấy dễ đâu so.

 

Đọc ngược:

 

So đâu dễ ấy giá hồ Tây,

Đủ nước non vui thú khéo bày.

To nhỏ dịp tâu cầm gợn sóng,

Thấp cao từng rợp tán la cây…v.v.

 

 

11. Lục chuyển: Cũng giống như thể “thuận nghịch độc”, nhưng công phu hơn vì bài thơ được chuyển tới 6 cách:

 

1. Đọc xuôi cả bài bát cú

2. Đọc ngược cả bài bát cú.

3. Ngũ ngôn đọc xuôi (từ bài bát cú đó, mỗi câu bỏ đi 2 chữ cuối)

4. Rồi được đọc ngược bài ngũ ngôn.

5. Ngũ ngôn đọc xuôi (từ bài bát cú chính đó, mỗi câu bỏ đi 2 chữ đầu)

6. Rồi được đọc ngược bài ngũ ngôn.

 

Sau đây là bài thất ngôn bát cú chính:

 

Đọc xuôi:

 

Vành hoa cánh bướm nối xây vần

Tết đến người người gọi ấy xuân

Tranh liễn bánh chưng nhà chật chỗ

Lụa hàng ai mặc hội chen chân

Anh say đánh chén cùng khai bút

Chị thích đua khăn với sánh quần

Nhành điểm ánh mai vàng nứt nụ

Thanh hồng cảnh phới phới ngoài sân

      (Thuần Phong - Tết)

 

Để tiếp theo, xin quí bạn tự chuyển bài thơ “Tết” theo 5 cách còn lại theo thể cách nói ở trên.

 

Kể từ đời nhà Đường, thơ Đường luật trở thành thể thơ chính thức của văn học Trung Hoa và của những nước theo văn hóa Hán Nho. Tuy nhiên qua thời gian, người làm thơ chỉ mượn luật của nhà Đường để chọn âm cho vần điệu được thuận tai, còn hình thức và nội dung hoàn toàn biến chuyển theo cá tính tự do của người sáng tác. Vì vậy đã cả ngàm năm trôi qua, thơ Đường luật vẫn còn tồn tại với vị trí vững vàng trong thi ca.

 

ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 1-9-2011)

 

------------

Tài liệu tham khảo:

- Diên Hương. “Phép làm thơ”. In lần thứ 2. Nhà xuất bản Khai Trí. Saigon. 1963.

- Dương Quảng Hàm. “Việt Nam Văn học Sử yếu” và “Việt Nam Văn học”. Trung tâm học hiệu, bộ Giáo Dục xuất bản. 1968.

- Lãng Nhân. “Chơi chữ”. Cơ sở xuất bản Zieleks. 1978.

- Phan Kế Bính. “Việt Hán Văn khảo”. Tài liệu Đại học Văn khoa Saigon. 1964.


 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage