dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Ngôn ngữ tếu

 

 

* Khảo luận

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

Lấy ngôn ngữ để đùa cợt với thiên hạ là một lối chơi độc đáo phản ánh óc hài hước của dân Việt trong mọi khía cạnh sinh sống. Thậm chí tiếng gà vịt kêu chí chóe hay âm thanh ão não ò í e của cây kèn lâm khốc… cũng có thể được gán ghép để lái thành những lời khôi hài. Ngôn ngữ diễu cợt không chỉ nhằm cười đùa cho vui, đôi khi nó còn là vũ khí phản kháng mâu thuẫn xã hội. Chẳng hạn như nói mỉa mia một giới nào đó … Bài viết này chỉ chú tâm về đặc tính vui cười lành mạnh mà thôi. Tiếng cười trên website THKT là vậy.

 

Nhưng tại sao cười? Cười, vì đó là bản tính của con người. Chúng ta sinh ra với khả năng biết cười. Cười là cái gì đến tự nhiên qua giác quan. Không ai dùng lý trí ra lệnh cho óc khi nào cười. Nếu không tếu hay diễu dở sẽ không ai cười, dù trí óc bắt phải cười cũng không được. Ngược lại chính tiếng cười đã ảnh hưởng đến trí não và toàn thân những lợi ích nói ra không hết. Nói rông ra, cười là một liên kết hòa bình nhất giữa người và người, vì ít ai cười một mình. Như vậy cười không hẳn là khôi hài  suông, nó là sự liên kết xã hội trong tình người.

Tôi xin liệt kê ra đây một vài mô thức tiêu biểu về ngôn ngữ tếu.

 

Nói lái

 

Ngôn ngữ Việt là tiếng đơn âm, nên nói lái nảy sinh một cách tự nhiên. Lối chơi này rất thịnh hành trong cả giới bình dân lẫn giới trí thức. Nói lái có nhiều kiểu, dễ nhất là kiểu hoán chuyển 2 phụ âm đầu, 2 dấu chữ, và 2 vị trí của chữ cho nhau, thí dụ “hiện đại” nói lái là “hại điện”. Cái hay là câu nói lái cũng có ý nghĩa khiến người ta hiểu ngầm cái ý mỉa mai của nó. Nhờ vậy nó mới tạo nên tiếng cười.  Nói lái được dùng để né tránh những lời khiếm nhã hay nói quá lộ liễu khiến mất sự tế nhị. Chẳng hạn thay vì nói ăn thịt chó người ta nói văn vẻ là “hạ cờ tây”. Cờ tây là chữ nói lái của “cầy tơ” tức con chó. Sau đây là lời hẹn hò kín đáo của cậu trai miền Trung: “Bị nưa hay tái môi.” Mới nghe ta tưởng là câu ta bị mưa lạnh nên tái môi. Thực ra cậu ta hỏi cô gái “bữa ni hay tối mai”. Cô gái trả lời “tốt mối” (tối mốt).

 

Nói lóng

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

Nói lóng là dùng những từ có tính cách qui ước chỉ có người cùng giới mới hiểu. Vì vậy tiếng lóng có riêng cho từng giới, chẳng hạn giới học trò, giới con buôn, giới mánh mung vỉa hè… Có lẽ chỉ trừ giới tu hành là không có nói lóng.

 

Xin đưa ra một vài tiếng lóng mà tôi con nhớ được trước năm 1975. “Ăn chè”: ý nói cuộc hẹn hò trai gái. “Dân chơi cầu ba cẳng”: chỉ dân mánh mung liều lĩnh. “Bị xát xà bông”: nghĩa là bị cấp trên khiển trách.

 

Ngày nay giới thanh niên gửi text hay chat với nhau trên Internet, họ dùng rất nhiều tiếng lóng. Người lớn tuổi không hiểu bọn trẻ nói gì. Một hiện tượng mới là dân 9x dùng tiếng Anh để chỉ nghĩa tiếng Việt. Chẳng hạn “no table” (miễn bàn), “no four go” (vô tư đi), “know die now” (biết chết liền).

 

Nói bóng gió

 

Bóng là cái hình mờ nhạt. Gió là làn hơi thoảng qua. Khi không nói thẳng nhưng nói xa nói gần, nói như kể chuyện ngụ ngôn cho người ta hiểu thì gọi là nói bóng gió. Cách nói này có linh động hay không tùy ở tài năng cao thấp của người nói. Chẳng hạn người bạn gái đi lấy chồng thì nói là “con sáo sang sông”. Cười người già muốn trẻ gọi là “cưa sừng làm nghé”. Nói bóng gió rất hợp với dân ta, vì bản tính của người Việt là không nói thẳng chỉ thích nói mé mé vòng vo tam quốc. Đặc tính này một phần hợp với óc khôi hài, phần khác hợp với tính tế nhị. Mỉa người, nhưng không muốn làm mất mặt người ta. Nếu bạn được người ta khen là “người cõi trên”, bạn đừng vội mừng. Người ta mỉa bạn là kẻ mát dây đó. Trong văn chương, tôi phục nhất lối chơi chữ của cụ Cao Bá Quát. Hãy nghe cụ bóng gió mỉa mai mộng đế vương của chính mình.

Một chiếc cùm lim chân có đế

Ba vòng xích sắt bước thì vương.

 

Nói quá

 

Nói quá có hai loại. Loại thứ nhất gọi là “nổ”, tức nói khoác. Loại “nổ” ai cũng biết, nên không cần bàn luận thêm. Loại thứ 2 là phương cách dùng tu từ để tạo ấn tượng. Ca dao tục ngữ có rất nhiều câu nói quá, chẳng hạn: “gái mười bảy bẻ gẫy sừng trâu”, “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, “đất quê tôi là vùng chó ăn đá gà ăn sỏi”...

 

Phương pháp nói quá thường được các anh bán kẹo kéo sử dụng một cách triệt để. “Anh kia mắt đục lờ mờ. Ăn cây kẹo kéo mắt tỏ tờ như đèn ôtô...”

 

Dùng những từ nổi tiếng

 

Có những từ nổi tiếng có sẵn, người ta đặt chúng vào câu nói của mình để cho câu nói thêm duyên dáng. Chẳng hạn muốn nói cái gì lỗi thời thì nói “xưa rồi Diễm”. Chữ “Diễm” không có nghĩa gì cả. Nó vốn là đề tựa bản nhạc “Diễm Xưa” của Trịnh Công Sơn. Tương tự như vậy người ta nói, “Đời tàn trong ngõ hẹp” là mượn lời thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Lối chơi này chỉ thành công nếu người sử dụng khiến người nghe cười được. Xin đừng lầm cách chơi chữ này với cách dùng điển tích. Trong khóm từ “xưa rồi Diễm”, không ai nói đến cuộc tình của cô Diễm như trường hợp dùng điển tích.

 

Nói chữ Hán

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

Chữ Hán dĩ nhiên là chỉ dành cho giới trí thức hiểu Hán học. Chơi chữ Hán rất công phu và phong phú. Chúng ta có chơi câu đối, chơi chiết tự, chơi thơ phú. Các cụ nho vốn thông văn sử nên khi đã chơi ai, khó lòng người đó chống đỡ, cho dù là gỡ hòa. Trên cổng chùa làng Văn Tràng, tình Nam Định, có khắc 4 chữ do cụ Tam Nguyên Yên Đỗ tặng: “Sắc không không sắc”. Bốn chữ nói về giáo lý tánh không của Phật giáo. Treo câu này trên cổng chùa thì rất đúng. Tuy nhiên ai cũng biết người làng Văn Tràng làm nghề mài dao mài kéo. Bốn chữ Hán đó khi đọc lên âm của chúng trở thành tiếng Việt với nghĩa mài dao mài kéo có sắc bén hay không. Đùa thâm nhưng không độc nên mọi người đều phì cười thích thú.

 

Nói hai nghĩa

 

Nếu tôi nói “ba”, không ai biết “ba” nghĩa là gì, vì ba có thể là số 3 và cũng có thể là “cha” hay “bố”. Trong tiếng Việt có rất nhiều từ trùng âm dị nghĩa. Tương truyền Đoàn Thị Điểm được cha mẹ hứa gả cho Trạng Quỳnh. Nàng Điểm không phục nên muốn thử tài Trạng. Một hôm Điểm đang tắm, Trạng đòi vào. Điểm ra một câu đối và hẹn nếu đối được sẽ cho vào. Câu đối là:

Da trắng vỗ bì bạch.

 

Bì bạch có nghĩa là da trắng lại vừa là âm thanh của tay vỗ nước. Quỳnh đối không được nên xấu hổ bỏ đi.

 

Người bình dân cũng có câu tương tự:

Chim vàng lông đậu trên vồng lang

Anh mà đối đặng dẫu nghèo em cũng ưng.

 

“Vồng lang” có nghĩa là dây khoai lang mọc vồng lên, nhưng đọc ngược lại nó trở thành “vàng lông”.

 

Việt hóa ngoại ngữ

 

Sau năm 1975, một số lớn người Việt sống ở nước ngoài. Đồng thời vào lúc Việt Nam mở rộng nền kinh tế thị trường, ngôn ngữ và những từ kỹ thuật ngoại ngữ trở thành thông dụng với người Việt. Thú chơi chữ mới cũng phát sinh. Chẳng hạn chữ fund (đọc là phân) có nghĩa là quĩ tiền bạc. Các hội đoàn xin fund của chính phủ trợ giúp thường bị những tay nhà báo Việt mỉa mai rằng “họ giành nhau tí phân”. Chữ high tech (đọc là hai tếch) có nghĩa là trình độ kỹ thuật cao. Nhiều người coi nó như tên gọi. Họ gọi hãng có dịch vụ sửa computer, “Chú hai tếch ơi máy tôi hư rồi…” Hai ở đây trở thành thứ bậc như anh hai, anh ba. Có nơi còn nói là “cậu hai cô tếch ơi”. Tếch ở đây có nghĩa là ăn mặc hở hang. Từ này không nhằm đả kích ai, chỉ mượn âm để chơi dỡn mà thôi.

 

Trên đây chỉ là một vài thể loại nằm trong chủ đề lớn là đặc tính vui cười mà ngôn ngữ là một thể. Những nhà chữa bệnh tâm thần quan niệm rằng cười là tặng phẩm của Thượng đế. Một năng lực giải hóa mọi căng thẳng trí não và là một phương thuốc thăng tiến sức khỏe.  Trong cuốn sách “You Can't Afford The Luxury Of A Negative Thought,” (Bạn không có khả năng mang một tư tưởng yếm thế lớn), John-Roger và Peter McWilliams (*) cho biết một bệnh nhân tên Norman Cousins bị bác sĩ cho biết chỉ còn sống được 6 tháng. Cousins lo lắng u sầu đến độ mất ngủ. Roger và McWilliams cho ông ta coi những phim diễu và cho người kể cho ông nghe những chuyện khôi hài khiến ông không nín được cười. Kết quả Cousins đã giảm đau, đã có thể ngủ, rồi 6 tháng trôi qua ông vẫn sống tỉnh bơ cho tới ngày nay.

 

Vẫn có người nhạy cảm ưu tư rằng “có lẽ chỉ nên cười đúng lúc”. Không ai dám phản biện câu nói này vì nó quá đúng. Tuy nhiên đó chỉ là cách xử thế mà thôi. Cười vốn không phải là một thời điểm của cảm giác nhưng là một không gian mà mình cố tình đi vào để tìm sự thư giãn và an ủi.

 

 

ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 22-9-2011)

 

-----

(*) Peter McWilliam & John Roger. You Can't Afford The Luxury Of A Negative Thought. Peter McWilliam & Prelude Press, Inc. 1996.


 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage