dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Thầy và bạn học của tôi trong trí nhớ

 

* Hồi ức


Năm 1954, tôi theo bố mẹ di cư vào Nam. Nơi gia đình tôi tạm trú đầu tiên là tỉnh Trà Vinh, quê của thầy. Thuở ấy tôi mới có tám, chín tuổi, rất khờ dại, và thầy còn rất trẻ. Nơi xứ lạ, ngay ngày đầu nhập trường, tôi đã thấy mình lạc lõng. Ở Nam Định khi đi học, tôi phải mặc quần áo tươm tất và chân phải đi giày hoặc đi xăng-đan. Nhưng ở đây, học trò đều mặc áo ngắn tay, bận quần xả-lỏn, và đi chân đất. Tôi được vào học lớp ba do thầy hướng dẫn. Khi tôi lắp bắp trả lời vài câu hỏi của thầy, các bạn ngồi bàn đầu cười khúc khích. Lần đầu tiên chúng được nghe giọng Bắc kỳ lạ hoắc. Từ đó tôi là cơ hội bằng vàng để chúng phá phách. Chúng chê tôi “không biết nói tiếng Việt”. Tôi đầy mặc cảm tự ty, sống co rút đến mức rất hiếm khi dám mở miệng nói. Nhiều bạn khác đã tưởng tôi bị câm. Nhưng hai tháng sau đó, thầy đã thay đổi đời sống của tôi cùng với mối liên hệ trong lớp. Với cảm nhận của thầy, tôi luôn luôn được thầy cho điểm nhất về môn viết chính tả và về luận văn. Không những thế, thầy còn lấy bài luận của tôi đọc cho các lớp khác nghe. Từ đó các bạn hết cười tôi không rành tiếng Việt.

 

Nguồn minh họa: Internet.


Đời học trò, hễ có thầy ắt phải có bạn. Bạn thân thiết độc nhất mà tôi có lúc đó là tên năng nổ ngồi bên cạnh tôi. Nhà bạn ở Cầu Kè, đến thăm bạn phải đi trên những tấm ván gỗ dài dằng dặc, bắc trên bãi sình lầy. Trên bãi sình có những con cá thòi lòi nhảy lóc cóc. Bạn là người to miệng, đối đáp mà như cãi nhau. Bạn nói thay cho tôi mỗi khi tôi phải đối đầu với người khác. Tôi thường xuyên đến nhà bạn, nếu tôi nhớ không lầm tôi đến nhà bạn hằng tuần. Lần nào tới thăm cũng thấy bạn đang vẹo hông bế em. Tất cả những sinh hoạt của tôi đều do bạn hướng dẫn. Bạn dẫn tôi vào rừng hái ăn những trái gì màu vàng chua lòm mà tôi không nhớ tên. Bạn làm đèn lồng cho tôi đi rước tết Trung Thu. Rồi bạn đưa tôi vào đội banh trong xóm. Trái banh là trái bưởi được nướng cho vỏ nó dẻo ra. Có lần trận đấu đang sôi nổi, bỗng bằng cách nào đó tôi té ngồi lên trái bưởi. Thế là trái bưởi bị vỡ. Cả bọn trẻ tức tối xúm lại la lối um xùm. Tôi hoảng hồn bỏ chạy một mạch về nhà. Tôi nghe thấy tiếng bạn gọi tôi sau lưng.


Một hôm thầy bị bệnh nên không đi dạy. Anh trưởng lớp dẫn chúng tôi đến thăm viếng thầy tại nhà. Chúng tôi khá đông người, nên chỉ có anh trưởng lớp và vài trò có vai vế đi vào trong nhà. Hình ảnh duy nhất tôi nhớ về thầy là cái buổi trưa nắng cháy da hôm ấy, thầy cởi trần chỉ mặc chiếc quần xà lỏn để tiếp chúng tôi. Ở nhà thì không cần phải mặc đồ như đi dạy, một phong thái rất bình dị của người miền Nam. Tuy nhiên anh trưởng lớp vẫn đứng khép nép rụt rè dạ dạ thưa thưa. Khi ấy, tôi chỉ dám ngồi ngoài sân, xa xa nhìn thầy qua khung cửa sổ. Thầy ngoảnh mặt nhìn ra sân, mắt lướt một vòng trên đám học trò ngồi lố nhố trên nền đất. Tôi không dám chắc thầy trông thấy tôi, nhưng tôi vẫn tin là “thầy có biết mình đến thăm”. Tôi sẽ rất buồn nếu thầy không biết điều ấy vì tôi rất kính trọng thầy.


Hết niên học đó, tôi theo bố mẹ về Sàigòn. Từ đó tôi không bao giờ còn gặp lại thầy và bạn nữa, vì cho đến nay, tôi chưa trở lại Trà Vinh. Rồi ngày tháng trôi qua, tất cả những hình ảnh xưa từ từ phai mờ. Bây giờ, cố gắng lắm tôi cũng chỉ có thể gợi ra một cảm giác mơ hồ, với vài mẩu chuyện đứt đọan, nhưng không có hình ảnh đi kèm về thầy và về người bạn học thời thơ ấu. Không những thế tên của thầy và của bạn cũng biến mất trong trí nhớ mây mù của tôi.


Thưa thầy,


Đã có thời con lớn lên cỡ bằng tuổi thầy hồi đó. Con cũng trở thành một ông thầy. Vâng thưa thầy, một ông thầy dạy Quốc văn. Thành quả này bắt nguồn từ hạt mầm thầy đã gieo trong con. Cái mạch thầy khai thông đã thành một đường. Tuy nhiên học trò của con là học sinh trung học, chúng không coi thầy là thần tượng như những trẻ nhỏ lớp Ba hồi đó. Vì vậy con không thể nào sánh được với thầy. Con luôn luôn chỉ là tên học trò lớp Ba và thầy luôn luôn là một thần tượng mà con chỉ có thể đứng nhìn từ xa.


Nếu có thể bé lại như ngày xưa, thì cũng thế thôi, con vẫn không dám bạo gan đến gần thầy dù chỉ để nói tiếng “cám ơn”. Và hôm nay, con cũng chỉ có thể ở nơi thật xa hướng về tổ cũ kính cẩn vấn an thầy. Thầy còn lưu trú nơi cành xưa gốc cũ? Con vẫn mãi mãi nợ thầy tiếng cám ơn.


Người bạn thân thời thơ ấu của tôi. Thời chinh chiến quá dài trên quê hương, nên chẳng ai biết bàn chuyện số mệnh như thế nào. Nếu bạn vẫn còn ở đâu đó, năm nay chắc chắn bạn đã trên 66 tuổi. Có lẽ nào tôi vẫn mãi mãi nợ thầy và bạn tiếng cám ơn. Vì vậy, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi ước mong thầy và bạn đọc được lời cám ơn này. Tôi có mơ mộng quá không?
 

ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 19-11-2011)

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage