dnnp - đỗ xanh

 

 

Biểu tượng văn hóa muôn thuở của lễ Giáng sinh

 

Vào những ngày này, khắp nơi đã giăng đèn kết hoa rộn rã mừng lễ Noel. Khởi đầu là một lễ tôn giáo kỷ niệm ngày Chúa Giêsu giáng sinh. Qua thời gian tục lệ này đã trở thành một lễ hội dân gian với ý nghĩa ngày lễ của hòa bình và hy vọng. Ở Việt Nam, mọi người gọi nôm na là lễ Giáng sinh. Lễ Giáng sinh được toàn thể thế giới đón nhận và trở thành ngày vui mừng đích thực của mọi người. Vì vậy càng ngày càng có nhiều truyền thống của các nước đóng góp vào. Chúng tạo nên một phong tục xã hội đầy tính đa văn hóa.

 

Nhân dịp này, chúng ta cũng nên biết về những biểu tượng đã tạo nên sắc thái đặc biệt của ngày lễ. Ở đây chúng tôi không nói về khía cạnh tôn giáo mà chỉ lược bàn về những biểu tượng văn hóa mà thôi. Lễ Giáng sinh mà không có những biểu tượng này sẽ mất hết thi vị của ngày lễ.

 

Ông già Noel:

 

 

(Noël, tiếng Pháp, có nghĩa là giáng sinh). Ông là biểu tượng của tình thương hướng về tha nhân. Ông già Noel vốn là nhân vật có thật, tức Giám mục Nicholas, thành Myra (Thổ Nhĩ Kỳ).  Ông có lòng nhân từ, thường ẩn mặt giúp đỡ những người nghèo. Sau khi qua đời, ông được an táng tại Pari  (nước Ý), hiện nay mộ ông vẫn còn. Từ đó nảy sinh tục lệ vào ngày lễ Giáng sinh, người ta cho người đóng vai Thánh Nicholas đi phát quà. Rồi ông trở thành vị thánh của trẻ em với huyền thoại ông đang sống ở Bắc cực. Người Hà Lan (Dutch) gọi ông là Saint Klaus. Khi di cư qua Mỹ, họ mang theo tập tục này vào Mỹ. Tại đây tên của ông trở thành Santa Claus theo cách phát âm của tiếng Anh. Dù thời gian biến đổi, tinh thần tặng quà nguyên thủy của giám mục Nicholas vẫn được giữ. Người ta tặng quà cho nhau nhưng để giữ bí mật, đến nửa đêm của ngày lễ Giáng sinh, quà mới được mở.  

 

Bầy hươu:

 

 

Gồm chín con kéo chiếc xe tuyết chở quà của ông già Noel. Lúc đầu bầy hươu có tám con. Chúng là sản phẩm tưởng tượng của thi sĩ Clement Clarke Moore trong bài thơ “cuộc thăm viếng của Thánh Nicholas” (a Visit from St. Nicholas), năm 1823. Sau đó, vào năm 1939, Robert L. May, nhà văn viết truyện nhi đồng đặt thêm vào một con hươu đầu đàn có tên là Rudolph. Bầy hươu trở thành chín con. Hươu Rudolph nổi tiếng vì nó có cái mũi đỏ sáng như ngọn đèn soi đường cho cả đoàn bay trong đêm. Bầy hươu trở thành biểu tượng của mùa Giáng sinh.

 

Cây Giáng sinh:

 

Cây Giáng sinh 2011 trong sảnh của khách sạn Marina Bay Sands Singapore. (Ảnh: PHP)

 

Thông thường là cây thông. Cây Giáng sinh tượng trưng cho sự sống vững bền vì lá nó luôn luôn xanh tươi bốn mùa. Ở những xứ không có cây thông, như châu Phi, người ta dùng cây nào đó có lá xanh và có dạng tương tự thế vào. Ở Âu Mỹ, thành phố nào cũng có một cây Giáng sinh to lớn làm cho cả thành phố.

 

Ngôi sao và đèn trên cây Giáng sinh:

 

Ngôi sao được gắn trên đỉnh cây Giáng sinh (sao Bethlehem hay Christmas star) tượng trưng cho lời hứa cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa.  Những đèn nhỏ gắn vào cành cây là hình dung của những vì sao trên bầu trời. Chúng là biểu tượng của ánh sáng hy vọng đi vào thế gian. Ngày nay người ta treo rất nhiều thứ trang trí trên cây. Cây Giáng sinh trở thành biểu tượng của hy vọng và niềm vui trong năm sắp tới.

 

Nhạc Giáng sinh:

 

Biểu tượng của liên hoan vui vẻ. Đầu tiên thánh ca Giáng sinh chỉ hát trong nhà thờ. Từ thời Trung cổ, dân chúng hát những bài hoan ca (gọi là caroling) và nhảy múa xung quanh cây Giáng sinh. Ngày nay nhạc carol vẫn còn, nhưng người ta cũng có đủ mọi loại nhạc khác nữa và được hát ở khắp mọi nơi để phụ họa với không khí tưng bừng của ngày lễ.

 

Thiệp Giáng sinh:

 

Đầu tiên do Sir Henry Cole sáng tạo vào năm 1843. Đó là những tấm thiệp mỹ thuật để ghi lời chúc gửi cho người ở xa. Ngày nay chúng ta có hằng ngàn mẫu thiệp khác nhau và có in sẵn lời chúc tụng.

 

Hoa nhất phấn hồng:

 

 

Tên tiếng Anh là hoa Poinsett. Hoa tượng trưng cho sự thành tâm và trong sạch. Hoa màu đỏ, nở trong mùa Đông. Cánh hoa lòe ra như ngôi sao. Theo truyền thuyết của nước Mễ, có cậu bé nghèo, vào đêm giáng sinh không có gì đáng giá làm quà tặng Đức Giêsu. Trên đường đến nhà thờ, cậu bứt nắm cỏ trên lối đi mang theo. Lòng thành của cậu đã biến nắm cỏ thành hoa nhất phấn hồng. Năm 1825, ông Joel Robert Poinsett, đại sứ Mỹ đầu tiên ở Mễ Tây Cơ đã mang hoa này về Mỹ, vì vậy tên hoa được đặt theo tên của ông.

 

Cành lá và trái ôrô (Holly):

 

 

Cành ôrô là một biểu tượng có khá nhiều sự tích khác nhau về nguồn gốc của nó. Lý do vì nó đã được sử dụng  trong rất nhiều chủng tộc Âu Châu từ thời cổ. Xin nêu ra đây một sự tích tiêu biểu. Theo huyền thoại của dân Celtic, cây ôrô có sức mạnh trừ ma quỉ. Vì cây vẫn xanh tươi và trái vẫn đỏ tươi dù bị tuyết lạnh phủ kín. Nhờ vậy có nhiều sinh vật nho nhỏ núp sống dưới cành lá của cây ôrô. Nó là hồn thiêng sự sống của rừng. Vì vậy ôrô là biểu tượng của sức mạnh che chở.

 

Chuông:

 

 

Trong các nền văn hóa thế giới tiếng chuông được dùng để báo tin mừng. Trong văn hóa Thiên Chúa giáo, người chăn chiên thường rung chuông để gọi những con chiên đi lạc. Những con chiên này hướng theo nơi phát ra tiếng chuông mà tìm lối trở về cùng bầy. Vì vậy chuông là biểu tượng của sự hướng dẫn.  

 

Kẹo cây gậy (cane candy):

 

 

Biểu tượng chỉ Đức Giêsu. Tục lệ này bắt nguồn từ nước Đức từ năm 1670. Những thợ làm kẹo có ý vinh danh Chúa. Họ tạo ra cây kẹo có dạng chữ J là chữ đầu của tên Đức Jesus. Lật ngược lại kẹo có dạng cây gậy mục tử của Đức Giêsu, đấng chăn chiên. Kẹo có nền màu trắng tượng trưng cho sự thanh sạch. Sọc màu đỏ tượng trưng máu Đức Giêsu đã đổ ra.  

 

Bánh khúc gỗ (buche de Noel):

 

 

Tiếng Anh là yule log. “Yule” nghĩa là vòng tròn. “Log” là khúc gỗ. Theo cổ tục có từ thế kỷ thứ 7, trong 12 ngày cuối năm, dân Bắc Âu (như Thụy Sĩ…) xếp củi thành vòng tròn nơi sân công cộng rồi đốt lên để xua đuổi ma quỉ. Đến thế kỷ 19, nhà của các tư nhân thường có lò sưởi riêng, vì vậy tục lệ đốt lửa ngoài trời bị mai một. Vào thời Trung cổ, một nhà làm bánh ngưòi Pháp nào đó đã có sáng kiến làm tấm bánh kem có hình dạng khúc gỗ thế vào. Từ đó bánh Buche de Noel trở thành phổ thông. Ý nghĩa trừ tà không còn nữa, bánh gỗ mang ý nghĩa mới là chúc mừng sức khỏe.

 

Bí tất treo trước lò sưởi:

 

 

Tục lệ nên thơ dành cho gia đình có con nhỏ. Chuyện cổ kể rằng có một gia đình quí phái có 3 người con gái. Không may bà mẹ mất sớm. Người cha thất chí phung phí hết cả gia tài. Gia đình lâm vào ảnh nghèo khổ khiến 3 cô gái đến tuổi lấy chồng nhưng không ai để ý. Như mọi khi trước khi đi ngủ, các cô treo bí tất ướt của mình trước lò sưởi để hong khô. Thánh Nichola biết chuyện muốn ngầm giúp đỡ họ. Ban đêm ngài đi ngang qua căn nhà đó và ném ít đồng tiền vàng vào nhà qua ống lò sưởi. Mấy đồng tiền rớt vào những đôi bí tất treo ở đó. Nhờ có tiền, 3 cô gái có phương tiện lập gia đình và sống hạnh phúc sau đó. Trẻ con ngày nay rất tin tưởng rằng ông già Noel vẫn còn sống và sẽ bỏ quà vào bí tất của chúng. Nhiều gia đình, cha mẹ con cái đều treo bí tất bên lò sưởi và cẩn thận đề tên mình vào cho khỏi lộn.

 

Máng cỏ và hang đá:

 

 

Đây là biểu tượng hoàn toàn thuộc tôn giáo nhưng không thể thiếu trong ngày lễ Giáng sinh. Chính vì biến cố này đã xảy ra cách đây 2011 năm mà có lễ Giáng sinh. Người Tây phương (Roman Catholic) thường trình bày hoạt cảnh hài nhi Giêsu nằm trần mình trong cái máng đựng cỏ trong chuồng bò. Đó là biểu tượng Thiên Chúa đơn sơ và sống với người nghèo khó. Tuy nhiên giáo hội Kitô Đông phương (Orthodox Church) đã giải bày biến cố Giáng sinh hướng về thần học cứu độ. Họ trình bày hài nhi Giêsu quấn trong tấm vải màu trắng, nằm trong máng cỏ, và trong một hang đá. Ở Việt Nam, giáo dân có khuynh hướng chọn biểu tượng hang đá. Hang đá rắn chắc sâu tối tượng trưng cho thế gian mê chấp cứng lòng trong tối tăm. Chúa Giêsu đã đi vào thế gian nơi đầy bóng tối và nguội lạnh. Khăn tã trắng bọc hài nhi tượng trưng cho chiếc khăn liệm xác. Khăn liệm và hang đá cũng là dấu chỉ Đức Giêsu sẽ bị giết chết và được an táng trong hang đá. Chiên bò cừu là những thú vật thở hơi ấm cho hài nhi. Đồng thời đàn thú cũng là biểu tượng sinh vật nhận ra hài nhi là Đấng chủ chăn mới. Bởi vì súc vật chỉ đến gần thân mật với chủ của chúng chứ không đi theo người lạ.

 

Cảnh Noel trong sân bay quốc tế Changi Singapore ngày 11-12-2011. (Ảnh: PHP)

 

Tôi còn nhớ cách đây hơn 30 năm khi mới qua Mỹ, tôi làm việc cho Bank of America, tỉnh San Francisco, vào ca đêm. Giữa đêm trước lễ Giáng Sinh, tất cả nhân viên trong nhóm tôi tập họp lại, tay nắm tay làm thành một vòng tròn. Đèn trong phòng tắt đi. Đúng 12 giờ đêm, từng ngọn đèn được từ từ bật sáng trong lúc chúng tôi cùng nhau hát bài “Silent night”, kế đó là bài Jingle bells và cuối cùng là bài Merry Christmas. Rồi chúng tôi quay qua nhau để chúc mừng Giáng Sinh, trao quà và ăn bánh. Bên trái tôi là cô Tàu Đài Loan, bên phải tôi là anh Mỹ đen và tôi là người Việt Nam.

 

Từ khi sinh ra cho đến khi rời Việt Nam, tôi luôn luôn sống trong không khí chiến tranh. Vào những ngày lễ Giáng sinh, rất nhiều gia đình gặp cảnh tang tóc hay ly tán là chuyện thường. Nhiều nơi, vào đêm đó vẫn có tiếng súng và còn bị giới hạn trong luật giới nghiêm. Đêm tiền lễ Giáng sinh ở văn phòng Bank of American năm ấy là lần đầu tiên trong đời tôi được cảm nhận thế nào là sự bình an.

 

Hôm đó, cũng như trong những hôm nay, chúng tôi và chúng ta chỉ thấy nhau là những con người. Đó là ý nghĩa của biểu tượng lễ Giáng sinh. Ngày ca tụng một nền hòa bình phổ cập phi tôn giáo.

 

ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 12-12-2011)

-----

Chú thích: những hình minh họa trong bài được trích dẫn từ những nguồn khác nhau trên Internet.

 

 

 NHẠC GIÁNG SINH

 We Wish You A Merry Christmas

 

 

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage