hồi ức về nhau

 

                                                         

 

 

 

 

 

Kể chuyện theo dòng thời gian …

 

 

 

Thầy cô và hai con trai đầu tiên trước ngôi nhà tại Phú Bình (Q.11, TP.HCM) năm 1989.

 

 

Sau khi gia đình thầy rời Kiến Tường về Tam Hiệp (Biên Hòa) vào giữa năm 1973, thầy về dạy tại trường Trung học Phước Thiền, Long Thành, Biên Hòa. Trong thời gian này thầy cũng đã “chạy sô” đi dạy thêm một số giờ ở các trường trung học tư thục như Đồng Tiến đường Nguyễn Tri Phương, Saigon nay là trường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Vinh Sang (Tam Hiệp, Biên Hòa nay là trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai), Micae (Tam Hiệp, Biên Hòa). Chính trong thời gian dạy thêm tại trường Đồng Tiến, thầy đã có dịp gặp lại thầy Trần Khắc Hòa – nguyên hiệu trưởng THKT tại đây (khi đó thầy Hòa đã đổi về dạy tại trường Trung học Nguyễn Du, Saigon). 

 

Sau 30-4-1975, thầy tiếp tục lần luợt dạy tại các trường cấp 2 thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (mặc dù cuối năm 1974, thầy đã được thăng ngạch giáo sư trung học đệ nhị cấp do thầy vừa tốt nghiệp cử nhân Luật. Nhưng sau 30-4-75 khi biên chế lại, Sở Giáo dục Đồng Nai không công nhận các văn bằng như Luật, khoa học nhân văn (Đại học Văn khoa), báo chí (Đại học Vạn Hạnh) … trong ngành giáo dục ….(có thể ở tỉnh khác thi được công nhận chăng ???). Thầy cũng lần lượt giữ chức vụ hiệu trưởng các trường phổ thong cấp 2 Phước Long, Long Thành 2 cho tới giữa năm 1980 thì thầy đổi về Saigon và lần lượt dạy tại các trường Bổ túc văn hóa quận 11, trường phổ thông cấp 2 Nguyễn Văn Phú, quận 11…

 

Ngày 24-6-1992 gia đình thầy được người anh bảo lãnh qua Úc theo diện tay nghề (skill – secondary teacher of mathematics). Thầy lập gia đình năm 1977 với một đồng nghiệp dạy Anh Văn chung trường và khi sang Uc thầy đã có bốn người con: con trai lớn lúc đó 14 tuổi và con gái út được 4 tháng.

 

Gia đình thầy Môn trong buổi tiễn đưa sang định cư ở Úc. Ảnh chụp tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 24-6-1992.

 

Qua mấy năm đầu khá vất vả, năm 1996 thầy và cô quyết định đi học lại và đã ghi danh học về IT (Information technology mà Việt Nam thường gọi la computer, tin học, vi tính gì đó) tại Canberra Institude Technology gọi tắt là trường CIT (các du học sinh sang học ở trường này họ gọi là  Viện Công nghệ Kỹ thuật Canberra nghe có vẻ “kêu” quá). Thầy tốt nghiệp năm 1999 và 27-11-2000 thầy có việc làm tại Bộ Xã hội Úc sau khi đã trải qua gần mười lần phỏng vấn (interview). Hơn hai tháng sau thầy lại được đổi về Sở Thuế vụ Liên bang Úc và làm tại đó cho tới nay (gần nhà và lương cao hơn chút ít). Công việc của thầy là Programmer (hình như tiếng Việt gọi là lập trình viên hay thảo chương viên gì đó). Cô thì học xong trước thầy vài tháng và có việc trước thầy hơn một năm (tại vì Anh văn thầy hơi kém. Thưa thầy Cao Thành Phát, em xin lỗi thầy - thầy dạy Anh văn sinh ngữ 2 của em. Thầy dạy rất tận tuỵ và dạy giỏi, linh động … nhưng tại trò Môn dốt về môn này quá!).

 

Cuộc sống của thầy cô chỉ “thường thường bậc trung” thôi. Cả thầy và cô thì cứ “sáng vác ô đi, tối vác về”. Rất nhiều người Việt Nam ở Úc rất thành đạt về dịa vị, tiền bạc, con cái … nhưng rất tiếc gia đình thầy cô không được ở trong số người này!

 

Sống ở Úc, cả thầy và cô không những trở thành những người “mất dạy” (tạm mượn chữ của cô Kim Lan) mà còn là những kẻ “vô lương” nữa. Cảm thấy hơi buồn nên thầy, rồi cô lần lượt tham gia giảng dạy thiện nguyện tiếng Việt cho các em học sinh Việt Nam (cũng có vài người Úc học) vào mỗi sáng thứ bảy (khoảng 3 tiếng) cho trường Việt ngữ Canberra (Canberra Vietnamese School). Ở Canberra thì chỉ có một trường duy nhất vì số người Việt ít, nhưng ở Melbourne – nơi cô Kim Lan ở - thi có rất nhiều trường dạy tiếng Việt loại này. Năm 1999 thầy lại làm hiệu trưởng trường này và đã giúp trường này phát triển tốt đẹp. Năm 2002 vì bận nên thầy xin nghỉ luôn và … thế là thầy lại trở thành người “mất dạy” và “vô lương” (tuy dạy thiện nguyện nhưng cũng có chút đỉnh lương khoảng vài triệu VND một tháng!!!)

 

Thầy Phạm Doanh Môn (bìa trái) và một số giáo viên trường CVS năm 2001.

 

Gia đình thầy cô tại nhà trong đám cưới của con trai Vĩnh Duy ngày 10-5-2008.

 

Trước đây khi có thời gian rảnh thỉnh thoảng thầy có viết bài cho một hai tờ báo Việt Nam ở Úc. Bây giờ thỉnh thoảng thầy viết bài cho hai web Đại học Sư phạm Saigon, Hội Ái hữu trường Nguyễn Đình Chiểu – Lê Ngọc Hân Úc châu và sắp tới cho Trung học Kiến Tường nữa. Sợ hết chữ rồi không biết có còn viết được nữa không. Khi viết bài, lúc đầu thầy dùng bút hiệu MAI KHÁNH THƯ (do ghép tên vợ, tên người con thứ ba và thứ tư: Nguyễn Thi Phương MAI, Phạm Nguyễn Đại KHÁNH và Phạm Nguyễn Phương THƯ). Sau này thầy lại ghi thêm tên thật sau bút hiệu với hy vọng có ai quen đọc được .. Và thật không ngờ, cô Lý Thị Kim Oanh khi thấy tên thầy là nhớ ngay và đã gửi e-mail cho thầy (chắc tên thầy không giống ai. Thầy Trần Ba cũng nói tên của thầy hơi lạ và chưa thấy ai trùng cả chữ lót và tên cả).

 

PHẠM DOANH MÔN

(Canberra, Úc, 21-4-2010)

 

 

Một số ảnh khác của gia đình thầy Phạm Doanh Môn

 

Một số ảnh về thời gian thầy Phạm Doanh Môn làm việc tại trường Việt ngữ Canberra.

 

 

Canberra.

 

 

Kangaroo - chuột túi, con vật biểu tượng của nước Úc.

 

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage