hồi ức về nhau

 

                                                     

 

 

 

 

 

 

Chỉ có ở Kiến Tường

Là một ông giáo già, tôi có diễm phúc được thấy học trò của mình từ lúc còn nhỏ, cho đến lúc họ lớn lên và thành danh. Tôi cũng đã thấy đất Kiến Tường có nhiều thay đổi. Thay cũ đổi mới là luật tất yếu của tiến bộ, để có thể đứng vững trong thời hiện đại. Tuy nhiên cũng có vài truyện, vì tính chất độc đáo, không nên để chúng chìm vào quên lãng. Nhất là khi những truyện này chỉ có ở Kiến Tường.

Ca dao nước lụt và dân ca Lý quạ kêu

 


Trong mùa lụt khoảng thời gian 1966-1968, các công chức Kiến Tường phải đi cứu lụt. Tôi được phái đến một xã nào đó ở vùng Bắc Chan. Tôi thấy bên đường có một mái lều tranh rất đơn sơ. Tôi vào nhà ấy và thấy một cụ bà lui cui một mình. Sau khi nhận quà trợ giúp, bà kể cho tôi nghe về những trận lụt. Bà nhớ rõ cả tháng và năm với những chi tiết đã xảy ra ở nơi đây. Bà cụ nói thao thao, tôi chỉ biết ngồi lặng người lắng nghe. Quí vị có biết tại sao tôi lặng người không? Bà cụ kể truyện bằng thơ lục bát. Là người học về văn chương Việt Nam, tôi trực giác ra ngay đây chính là dạng ca dao nguyên thủy. Dĩ nhiên bất cứ bài ca dao nào đầu tiên cũng phải có người sáng tác ra, rồi sau đó nó mới là của dân gian. Bà cụ đọc tới 10 phút mới hết bài thơ. Rất tiếc tôi không ghi chép được và cũng không còn nhớ một chữ nào.
Sau đó về tỉnh, một hôm tôi gặp anh Trần Ngọc Trác, Trưởng ty Thể thao Kiến Tường. Cũng như tôi, anh Trác được phái tới cứu trợ lụt ở một vùng quê. Anh kể cho tôi nghe rằng anh đã gặp một bà cụ hát bài “kêu cái mà quạ kêu.” Anh không biết gì về nhạc lý, nhưng biết đây chính là dân ca. Anh bèn xin bà cụ dạy anh học thuộc lòng bài hát đó. Anh hát cho tôi nghe. Tôi nhận ra đó là câu ca dao:


Quạ kêu nam đáo nữ phòng
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương.


Câu ca dao đã được thêm vào một số chữ chuyển mạch để tạo thành một bài ca. Sau đó anh Trác có dịp về Saigon họp. Anh đã hát bài ấy cho một nhạc sĩ dân ca để ông này ghi thành nốt nhạc. Rồi bài hát được phổ biến với tựa đề là “Lý quạ kêu”. Đến nay cả nước đều biết bài này. Nó được ghi là dân ca Nam bộ. Anh Trác đã qua đời. Qua năm tháng, không ai còn biết tới công của người sưu tầm và nguồn gốc của nó. Tôi đã lỡ làm mất bài vè nước lụt. Tôi mong bài ca “Lý quạ kêu” sẽ được mọi người biết nó từ đâu mà có.

 

(Bạn có thể click vào đây để nghe bài dân ca Lý quạ kêu qua tiếng hát của ca sĩ Hương Thủy).

Thủy sản

 

Canh chua cá linh, bông điên điển.


Kiến Tường là ổ của cá linh, của rắn và trăn. Có thể nói ai chưa ăn cá linh, ăn rắn, ăn trăn, chưa phải là dân Kiến Tường thứ thiêt. Cũng có nhiều ông công chức phát cáu nói ngược lại, “Nếu không ăn những thứ đó thì còn có cái gì khác đâu mà ăn”. Không hẳn là như thế, tuy nhiên phải công nhận người dân ở đây sống quen với cá linh, với rắn, với trăn từ thủa nhỏ. Vì vậy học trò thường mang những con rắn xinh xinh vào lớp. Chúng thích hù các cô giáo từ phương xa tới, để cười chơi. Một hôm có cô giáo trẻ thò tay vào hộp phấn để lấy phấn. Tay cô đụng phải một con rắn bé tý. Cô sợ quá khóc thét lên. Mấy mươi năm sau khi nhắc lại kỷ niệm này, cô vẫn còn thấy sợ. Ở đây, tôi chỉ muốn nói về nét đôc đáo của Kiến Tường, chứ tôi không dám cười. Tôi chưa thấy nơi nào mà rắn và trăn sống gần với người như vậy.
Nhiều đêm tôi và thầy Phát, thầy Sơn đến nhà bác Tư lao công của trường để tán chuyện gẫu. Một hôm, chuyện đẩy đưa qua vụ thịt lươn. Bác Tư kể rằng ở Kiến Tường có loại lươn khi bỏ nó vào nồi cháo đang sôi, đùng một cái, ố là la, con lươn biến mất. Nó tan thành nước không để lại một vết tích gì. Bác cho biết thêm, Kiến Tường còn có một loại lươn gọi là lươn hai đầu. Con lươn này không có đuôi vì cái đuôi của nó lại cũng là cái đầu. Tôi chưa bao giờ thấy lươn hai đầu và lươn tàng hình như vừa nói, vậy xin kể ra đây với sự dè dặt.

Bùa ngãi


Thủa xưa, bùa ngãi là một phần đặc thù trong cuộc sống của dân Mộc Hóa. Nó biểu lộ một sắc thái sinh tồn của miền đất hoang sơ sát biên giới nước Miên. Có điều nó ở mặt chìm nên chỉ những ai cố tình để ý mới thấy sự ảnh hưởng của nó. Vào những ngày nước dâng cao, ngoài chợ bán đầy rắn độc. Người bán rắn lại là những chị nông dân. Nếu cứ nghĩ rằng đàn bà sợ rắn là lầm to. Bà bán rắn cầm đầu con rắn hổ, nâng cao để khoe chiếc thân dài và mập của nó, dễ dàng như ta cầm sợi dây thừng. Tôi hỏi học trò, “Tại sao họ có thể bắt rắn độc dễ dàng như vậy”. Học trò trả lời, “Họ dùng ngãi. Sau khi thoa ngãi vào bàn tay và cánh tay, người bắt rắn có thể thò tay vào hang lôi cổ rắn ra mà không hề hấn chi.”
Một hôm tôi đi lang thang qua một quán nước bên đường. Chợt có em Nguyễn Văn Kiến ở trong quán chạy ra. Em nói rằng em muốn cho tôi xem “một cái này”. Theo Kiến vào quán, tôi thấy vài em học trò đang ngồi quanh một cái bàn, các em cùng loạt chào tôi. Tôi ngồi xuống với họ. Em Kiến đi vào trong bếp rồi mang ra một con dao to bản thuộc loại dao bằm thịt. Em Nguyễn Văn Chiến vội vén một ống quần lên để lộ cái bắp đùi ra. Không một lời, em Kiến vung dao chém xuống đùi của bạn mình. Một tiếng “phập” ngắn gọn, lưỡi dao cắt sâu một đường dài lòi thịt mỡ ra. Mọi người chết lặng sững sờ. Bất ngờ thay, em Chiến tuy bị chém không những không giận bạn mà còn nói, “Tức quá, mày chém vào lưng tao coi.” Nói xong em toan cửi áo ra, tôi hoảng hồn ngăn lại và nhất định bắt ngừng cuộc chơi để lo cứu em bị thương. Chúng tôi cùng rời khỏi quán ngay lúc đó. Vài tuần lễ sau, em Kiến và em Chiến đến phân trần với tôi. Em Chiến bị thương nay đã lành. Em nói, “Em được ông thầy cho một lá bùa uống vào dao chém không đứt thịt. Lúc uống vào em thấy đau bụng ghê lắm nhưng rồi cũng hết. Sau đó em thấy đúng như vậy. Dao chém vào người bị nẩy ra như chém vào cao su. Thằng Kiến phụ em biểu diễn nhiều lần. Em không biết tại sao khi biểu diễn cho thầy coi thì hết linh. Chắc lần đó con dao bị dơ.” Tôi hỏi, “Sau vụ đó bùa còn linh không?” Em trả lời, “Dạ không, bùa không còn linh nữa.”
Nhân đây tôi muốn nói thêm em Kiến võ nghệ cùng mình, thầy cô không ai biết truyện này. Em thường đụng độ nhiều lần và nổi tiếng với thế liên hoàn cước. Với bản tính hiếu động như vậy, trong lớp em là một cậu học trò ưa quấy phá. Nhưng ở ngoài đời, em là một người đầy chí khí và tình nghĩa. Đáng thương, hai em Nguyễn Văn Kiến và Nguyễn Văn Chiến đã qua đời trong mùa chinh chiến. Cả hai em mất đi khi mới có 19 hay 20 tuổi.

Trang Web dài


Vâng, đó là trang Web THKT của chúng ta. Tuy đây không phải là truyện quá khứ nhưng bảo đảm, muôn đời sự kiện này chỉ có ở Kiến Tường, dù đó chỉ là mảnh đất Kiến Tường ảo.
Đã có lần tôi hỏi Kiến Đen, là ông từ giữ trang Web, “Tại sao nhiều bài đã lỗi thời mà em không cất chúng vào kho?” Kiến Đen trả lời, “Người trong bang ta không quen vào kho coi bài, mặc dù đã có câu chỉ dẫn: ‘xin click vào đây để coi thêm’. Vì vậy phải để tất cả mọi thứ lên trang nhất cho mọi người xem.” Kết quả là trang Web trở thành sớ Web. Tại màn hình computer của tôi, tôi phải kéo xuống (scroll down) 25 trang rưỡi mới hết tờ sớ. Tính ra sớ Web THKT dài 5m. Một trang Web dài vượt kỷ lục thế giới.
Thú thật tôi thường đọc trang blog nhật ký. Chẳng hạn hôm nay là ngày thứ Ba, tôi đọc hết thư trong ngày thứ Ba thì ngừng. Tôi nghĩ bên dưới là nhật ký của những ngày đã qua, đọc lại làm chi. Nhà tôi cho biết tôi đã sai. Bên dưới khung blog còn có vài đề mục khác nữa. Vì vậy muốn vào Web THKT, mắt phải liếc phải liếc trái và phải nhìn từ trên cùng xuống đến tận cùng, mới xứng danh là thành viên gia đình THKT thứ thiệt.
Tôi xin tạm ngừng ở đây. Tôi tin rằng Kiến Tường còn có nhiều truyện lạ. Mong được các vị khác kể cho nghe.

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, CA, Mỹ, 27-7-2010)

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage