hồi ức về nhau

 

                                                     

 

 

 

 

 

Nhớ về Kiến Tường xưa

 

Mỗi lần được nghe lại những câu hát: "Đây Tháp Mười phương Nam tôi thân yêu...." hay “Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông..." tôi lại nao nao nhớ về Kiến Tường ngày nào...

 

Ở KT, tôi mới thấy được "ruộng thẳng cánh cò bay", những ruộng lúa xanh rờn chạy tít chân trời. Với những buổi sáng ánh nắng ban mai xuyên qua những giọt sương óng ánh trên các lá lúa, và mùi thơm phảng phất tỏa ra từ những thân lúa. Hay những buổi chiều về phẳng lặng, từng đàn trâu lững thững đi về, màn đêm buông xuống cảnh hoang vắng buồn vô hạn, cùng với bản hợp ca của ếch nhái, côn trùng, mà bây giờ ở thành thị muốn nghe cũng không được. Những cảnh ngày mùa mới sáng tinh mơ đã thấy các bà, các cô với bộ bà ba đen, khăn rằn quấn quanh cổ lũ lượt ra đồng. Những hình ảnh quen thuộc ấy đã in sâu vào tâm trí tôi.

 

Núi Đất ngày nay. (Ảnh: Phạm Văn Định, 2010).

 

Cả một thời niên thiếu của tôi gắn với Mộc Hóa. Ngôi trường tiểu học đầu tiên tôi học là một dãy nhà ngói nằm ngay chợ Kiến Tường, sau này phá đi làm bến xe, (bến xe hiện nay được dời ra đầu sân bay). Tôi đã sống ở KT từ những năm 1957 khi tỉnh mới thành lập còn đang trong thời kỳ xây dựng. Tỉnh lị với hai con đường trải đá xanh là đường Cộng Hòa và Thiên Hộ Dương. Ban ngày không có điện, ban đêm mới có hai hàng bóng đèn tròn ở đường Cộng Hòa, nhưng cũng không có suốt đêm. Cuối đường là ba ngọn núi giả, bây giờ quen gọi là Núi Đất, có lẽ thắng cảnh đẹp nhất ở KT là núi giả, học trò chúng tôi thường rủ nhau ra đây chơi có khi còn xuống hồ tắm, núi giả có vài cây xanh lạ mắt. Ở giữa là ngọn núi cao nhất có tượng Nữ vương Hòa Bình nhìn về toàn tỉnh mang một ý nghĩa sâu đậm đem lại bình an cho mọi người, hai bên phải và trái là hai ngọn núi nhỏ và thấp hơn có đặt hai tượng Thánh Giuse và Thánh Gioan B. Có một ngôi nhà thủy tạ rất đẹp nằm bên trái,  ngôi nhà thủy tạ này đã đón Tổng thống đầu tiên của nền Đệ nhất Cộng hòa miền Nam nghỉ đêm tại đây. Muốn vào núi phải qua cây cầu gỗ rất đẹp, bây giờ vẫn còn, nhưng không được chăm sóc như xưa. Chung quanh núi có hồ bao bọc giữa hồ có một hòn đảo nhỏ, bờ hồ có trồng hàng phi lao, chiều chiều dạo quanh hồ nghe tiếng vi vu như thông reo ở Đà Lạt vậy.

 

Cũng phải kể ở Mộc Hóa nổi bật còn có một cây phi lao mọc ngay sân nhà thờ Mộc Hóa, từ xa hàng chục cây số đã thấy ngọn cây phi lao và tháp chuông nhà thờ, lúc đó ở Mộc Hóa chưa có nhà cao tầng, đa số nhà lá rất đơn sơ.

 

Cây ô môi.

 

Trái ô môi.

 

Dọc hai bên đường trồng những cây me tây (cây còng), hồi còn bé, chúng tôi thường nhặt những trái chín rụng dưới đất để ăn, ăn chừng vài trái bị rát lưỡi cà khé cổ. Có người nhặt được nhiều đập lấy hạt rang lên cho khét làm cafe uống đỡ nghiền. Toàn tỉnh không có cây gì lạ, nhất là cây ăn trái, vì năm nào nước cũng ngập. Còn cây ăn trái "đặc sản" ở KT có ô môi, bình bát, cà na. Cây ô môi hình như trổ hoa vào mùa hè, hoa nở rất đẹp từng chùm đỏ rực trông không khác gì hoa tigon. Trái dài màu xanh, khi chín màu đen, trái chín để càng lâu ăn càng ngon, người không quen ăn thì thấy nó có mùi ngửi khó chịu. Bây giờ ở các thành phố trồng cây điệp bò cạp có trái giống trái ô môi nhưng chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, hoa nở khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm, hoa nở thành từng chùm dài màu vàng rất đẹp. Hạt ô môi chẻ ra ngâm nước nở ra ăn dai dai, hoặc để nấu chè. Các bác lớn tuổi dùng trái ô môi ngâm rượu để trị nhức mỏi. Lá ô môi là vị thuốc quí: trị lác rất công hiệu (không phải thuốc lác của thầy Nguyễn Xuân Kỳ đâu). Thân cây ô môi rất cứng, người dân ở đây dùng gốc ô môi đẽo cày để cày ruộng.

 

Cây cối ở KT phải kể dến tràm, cây đặc trưng cho vùng Đồng Tháp Mười đất phèn ngập úng, thân có nhiều công dụng: làm cừ, làm nhà, làm củi, mùa nước nổi để bắc giàn ở, bắc "cầu khỉ". Có nhiều loài tràm, nhưng phổ biến là tràm lá dài (xuất xứ từ Úc) dùng làm củi, làm cừ, và tràm gió có lá dùng để chưng cất lấy tinh dầu tràm làm dược phẩm.

 

Các thầy giáo trẻ của THKT mùa nước nổi năm 1966.

 

Lại nhớ về mùa nước nổi, vui thì ít mà buồn thì nhiều. Mùa nước nổi là mùa tôi sợ nhất, nó còn ám ảnh tôi đến bây giờ, gần ba tháng liền phải ngồi trên sàn nhà, đi đâu là phải có xuồng, mà nhà nào cũng chỉ có một cái. Vì vậy về mùa nước nổi có nhiều kiểu xuồng được phát minh độc đáo rất ngộ nghĩnh. Nếu không có xuồng mà lội nước ra chợ thì rất đau chân vì đường trải đá xanh, chưa kể nước ăn chân và quần áo ướt nhẹp, đi xuồng cũng có khi bị té, bị chìm xuồng ướt đồ nửa khóc, nửa cười rất vui (hay mếu). Còn màn nấu cơm mới khổ, nhúm được cái bếp củi mới gian nan, củi bị ẩm rất khó cháy. Còn một chuyện cười rơi nước mắt nữa là đôi khi đang đêm ngủ lăn rơi xuống nước lạnh ơi là lạnh, ác cái là cái mền nó cũng rớt theo.

 

Bù lại mùa nước nổi cá linh nhiều vô kể, giá rất rẻ. Cá linh được chế biến thành nhiều món ăn, nhưng tôi thich nhất là món canh chua với bông điên điển. Bông điên điển mà nấu canh chua thì tuyệt, ăn rất giòn, bông so đũa cũng không bì kịp. Ngoài ra, bông điên điển còn được làm dưa chua cũng rất ngon. Mùa nước nổi ở KT, rau xanh rất hiếm, có khi chùng tôi còn vớt lục binh ngắt lấy đọt non hoặc bông để nấu canh chua hoăc chấm nước kho cá linh. (Tôi là dân Môc Hóa nhưng không thưởng thức được món cá mắm, mà ở Mộc Hóa có rất nhiều loại mắm cá). Mùa nước nổi cũng là mùa người ta đi săn chuột, rắn ở các gò mối.

 

Bơi xuồng ra ngoai ô tỉnh lị, chỉ còn thấy mây trời và biển nước mênh mông, không một ngôi nhà, không một ngọn cây. Dấu ấn sâu đậm nhất với tôi là mùa nước nổi năm 1961, đối với tôi nó quá lớn và quá gian nan, lần đầu tiên tôi thấy xuồng có thể bơi trong nhà lồng chợ.

 

Trở lại tỉnh KT khi mới thành lập, dòng sông Vàm Cỏ Tây trong xanh và rất sạch, bên này sông có bờ kè xây rất đẹp, chiều nào chúng tôi cũng rủ nhau ra sông tắm. tôi đã từng bơi qua sông Vàm Cỏ. Không riêng gì bọn trẻ chúng tôi đi tắm mà còn rất nhiều cư dân, đa phần là công chức cũng đi tắm giặt. Bờ sông có xây nhiều cầu đá chạy ra xa. Bờ sông cũng có một bến tàu bằng sắt hãy còn di tích. Thời điểm đó tỉnh chưa có nước máy, nên có nhiều người sống bắng nghề đổi nước bắng xe đẩy, chỉ có nhà khá giả hay công chức mới đổi nước, đa phần phải tự đi gánh nước về dùng.

 

Về giải trí, cả tỉnh không có một rạp hát hay rạp chiếu bóng nào, chỉ có một hội trường tỉnh, thỉnh thoảng cũng có đoàn cải lương về hát năm ba bữa rồi đi. Một sân vận động nay vẫn còn. Đối diện với Tòa Hành chánh tỉnh (nay là UBND huyện Mộc Hóa) là một quảng trường rộng để mít-tinh.

 

Chợ Mộc Hóa nhìn từ cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. (Ảnh: Phạm Văn Định, 2010)

 

Ngày nay, nhiều lần tôi về thăm Mộc Hóa, Mộc Hóa đã thay da đổi thịt rất nhiều, thị xã đã khang trang đẹp đẽ rất nhiều. Một điều hồi còn ở KT tôi mong ước có một chiếc cầu bắc qua sông Vàm Cỏ, để không còn cảnh qua sông phải lụy đò, hay những khi cần phải đi sớm về khuya thì không được; thì nay tôi đã thấy cây cầu bắc qua sông Vàm Cỏ. Ôi sung sướng biết bao, tôi đã đi bộ từ đầu cầu này sang đầu kia mấy lần mà không biết chán (không dám đi nữa, sợ ai thấy tưởng mình tưng tưng...). Nhưng với nền kinh tế và xã hội phát triển như hiện nay thì KT chưa phát triển đúng tầm cỡ của nó. Mong rằng Mộc Hóa vùng đất hoang vu xưa kia sẽ mau chóng phát triển hơn nữa. Đó là kỳ vọng của các lớp người trước đặt lên vai các em học sinh THCS - THPT và các bạn trẻ thế kỷ XXI (vùng Mộc Hóa).

 

TRẦN VĂN NGỠI

(TP.HCM 8-2010)

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage