hồi ức về nhau

 

                                                     

 

 

 

 

 

Kiến Tường, thời tụi mình còn nhỏ

 

* hồi ức

 

Chân dung tự họa nguyễnthịvânhồng, thời học THKT.

 

Tỉnh Kiến Tường, còn gọi là thị trấn Mộc Hóa, nằm cách Saigon khoảng trăm cây số, và nằm cách biên giới Cao Miên khoảng mười cây số. Đó là một tỉnh heo hút, nghèo, buồn ngắt.


Ông ngoại tôi có thời làm việc cho chính phủ, sau bất mãn gì đó, nên chọn lối “độc thiện kỳ thân” cùng bà ngoại dọn nguyên gian hàng vải mang tên Thọ Lộc ở chợ Tân Định Saigon xuống mua bán tại chợ Kiến Tường. Mặc dù tôi đang học nội trú tại trường Thiên Phước, vì phải theo ngoại nên chuyển về ghi tên học tại trường Thánh Joan ngay tỉnh lỵ. Trường có 2 dãy lớp hình chữ L và một cô nhi viện do các soeur chăm sóc và dạy chương trình Việt. Từ cổng chính bước vào trường, ngay bên tay trái là nhà các soeur, kế đó là dãy lớp mẫu giáo và lớp Năm. Ở ngay đầu dãy kia (từ lớp Tư tới lớp Nhất) có một hang đá khá lớn và đẹp, đâu lưng vào Ty Công chánh, bên hông là một sân cỏ rộng trước tòa hành chánh tỉnh, còn nhìn xéo qua bên kia góc đường là ngôi biệt thự kiểu Pháp sơn màu trứng sáo dùng làm tòa Tỉnh trưởng với những tàn cây phủ um bóng mát chung quanh. Ngước mắt đối diện trường, cách một con đường, là ngọn tháp chuông thường rung boong beng trên nóc nhà thờ cũ kỹ, có những bậc thềm tam cấp nơi lũ học trò nhỏ chúng tôi thường qua đó chạy đuổi nhau với trò chơi “cá sấu lên bờ”, gần bên là nhà xứ của vị linh mục già khả kính mà các giáo dân thương yêu gọi bằng “ông cố”.


Đang theo học trường này một niên khóa, năm lên lớp Nhất, bà ngoại nhờ anh Tâm huynh trưởng Gia đình Phật tử chùa Tường Vân xin cho qua học trường công. Không biết có phải vì đang học chương trình Pháp, chuyển qua chương trình Việt một cách đột ngột, rồi từ trường tư sang qua trường công hay không mà năm lớp Nhất tôi học cà ngơ cà ngất đến nỗi cô giáo dạy tôi năm đó phải phán “con Vân Hồng mà đậu đệ Thất là tui bỏ trường này không dạy”, nghe thật dễ sợ. Thật ra, cô Lệ Thu (*) mắng không oan chút nào, kỳ thi năm đó nếu không có anh chàng Lê Văn Đành ra tay nghĩa hiệp cho “cọp dê” suốt mấy ngày thi thì chắc chắn tôi rớt là cái chắc.


Được bước chân vào lớp Đệ thất của trường Trung học Kiến Tường, bỗng nhiên tôi học khá ra, nhất là môn Việt văn, tôi lại học rất giỏi và thường chiếm hạng nhất từ thời thầy Hòa (người miền Bắc, dạy đệ Thất, niên khóa1965 ), và chứng tỏ khả năng nói trước công chúng bằng những cử chỉ và lý luận trong giờ trần thuyết (có lẽ nhờ vậy mà tôi từng nuôi ước mơ trở thành một luật sư). Những môn khác tôi học trên trung bình, nhưng sợ nhất vẫn là các môn Toán như Đại số hay Hình học, hôm nào có các môn này thì y như rằng tôi cứ lâm râm cầu nguyện cho thầy Đoàn Văn Nhiêu… bị bịnh!


Lên đệ Lục, ngoài môn Việt văn, tôi còn giỏi nhất môn Anh văn, ngoài Văn phạm và thuộc Ngữ vựng, tôi phát âm tiếng Anh rất chuẩn mà Mr. Webb thường khen, còn có thầy Cao Thành Phát cũng rất tự hào về cô học trò của mình. Sau này, nghe Trần Ngọc Bách kể lại, thầy Lưu Văn Nhu có nhắc với Bách là tôi có khiếu làm thơ, nhưng tôi giỏi nhất là môn Anh văn và thầy còn kể lại một kỷ niệm có lần tôi không thuộc bài Vật lý, thầy kêu tôi đọc thơ, nhìn thấy nét mặt tôi sững sờ, nước mắt chực rơi ra, thầy tội nghiệp kêu về chỗ và cho tôi… 10 điểm! Câu chuyện sau 43 năm, thầy còn nhớ từng chi tiết.


Tôi cũng nhớ từ năm đệ Lục, lớp tôi con gái học giỏi hơn con trai, ngoài Đồng Ngọc Lan, Nguyễn Thị Chiến, lớp tôi lẫy lừng nhờ “hiện tượng” Nguyễn Thị Rỡ, Rỡ học thật giỏi, viết chữ thật đẹp, môn nào Rỡ cũng đứng đầu và năm nào Rỡ cũng được lãnh phần thưởng xuất sắc, vì thế sau này Rỡ được trường giữ lại dạy cho trường.

Thời gian năm 1967, Mộc Hóa vẫn còn vắng, trống trải lắm, mảnh đất đỏ phù sa do xáng hút từ lòng sông thổi lên rộng mênh mông. Lúc đó, nếu chúng ta đứng từ cửa nhà lồng chợ, ánh mắt chúng ta có thể nhìn tuốt vô tận Khu Thành Công, nơi có những dãy nhà được chính quyền cất lên cho vợ con binh sĩ ở. Chúng ta cũng còn có thể thấy những cánh quạt chấp chới hay những đám bụi đỏ khi những chiếc máy bay quân sự lên xuống trong phi trường, nằm ở mé bên kia Khu Thành Công, bên cạnh Núi Đất. Năm này khu bến xe mọc thêm hai dãy phố lầu khang trang, đẹp, tuy vô tình làm che khuất khu nhà cao cẳng xây theo kiểu song lập – mà người ta gọi khu công chức thượng lưu, tôi còn nhớ một dãy có tiệm may Hồng Huệ, một dãy có nhà của Phan Thị Nhị.

Dọc theo chợ có hai dãy phố trệt chạy song song với nhau. Khu đầu căn nơi góc đường quẹo ra công viên là tiệm Rạng Đông bán sách, kế đó hay cách vài căn là tiệm thuốc tây Nguyễn Huệ có chị Thanh Nguyên con chủ tiệm hát bản Bésame Mucho thật hay… Đi xuống phía dưới một chút gần tiệm thuốc tây Bình Dân có tiệm thuốc Bắc là nhà của Lâm Thị Huệ, con nhỏ có cái miệng móm này lanh ơi là lanh, thường chúng tôi gọi nó là Huệ Lâm, để phân biệt với Võ Bích Huệ, em gái của anh Điền, và anh Điền con bác Tư Hưng, anh còn là anh rể của Nguyễn Thị Chiến. Dãy phố bên này ngoài tiệm Nhựt Quang, tôi nhớ lõm bõm có tiệm giặt ủi và tiệm chụp hình Nguyệt Châu, chị Châu cũng học cùng lớp với tôi và hay đi chung với chị Lê Thị Bé và chị Lê Mỹ Lệ. Ký ức tiếp tục dẫn tôi để nhớ thêm một người đẹp nổi tiếng có làn da trắng mịn như sứ là Tạ Thị Tuyết Mai, con gái tiệm sách Tinh Hoa nằm ngay góc sau chợ, ngó mặt ra hướng chợ cá.


Đến năm tôi học lớp đệ Ngũ thì thầy Trần Ba dạy Toán lên làm hiệu trưởng (nhờ vậy con trai trường tôi bỗng dễ thương ra) và năm này thầy Lưu Văn Nhu cưới cô Triệu Cẩm Nhung, một giáo sư đẹp, quí phái với mái tóc uốn cong bồng lên thật đặc biệt. Bỗng dưng năm nay trong trường cặp đôi tôi với Nguyễn Ngọc Minh học chung với anh Sơn trên tôi hai lớp, có lẽ, thấy mỗi buổi sáng tôi bên khu Tòa Hành chánh lững thững băng qua thì vừa lúc Minh nhà ở khu Công chánh cũng vừa bước ra (?), chúng tôi thường gặp nhau ngay ngã ba mà chưa hề nói câu nào rồi nhập vào đám học sinh đang kéo nhau tới trường. Sau này về lại Saigon, chúng tôi mới thường gặp nhau, thân nhau, lúc này nhà Minh ở trong khu Chí Hòa, mấy lần sinh nhật tôi, Minh có đến vẽ tranh, trang trí…Tôi biết Minh có chút cảm tình, nhưng với tôi - Minh mãi mãi là một người bạn dễ thương.


Những năm sống tại Mộc Hóa, tôi thân nhất với Đỗ Thị Kim Loan, nhà là tiệm giặt ủi Phước Tài, Loan có một người chị tên Đỗ Thị Việt Tiến khá đẹp, dạn dĩ và sống khá bạo, mỗi lần chị Tiến đi xa về, đám con gái chúng tôi đang tuổi dậy thì, vừa lơ ngơ vừa mơ mộng, vừa tò mò rất thích thú nghe chị Tiến kể chuyện tình.

Nếu tới mùa dế, tôi hay theo phụ chị Thủy nhà kế bên, xách thùng ra công viên, rượt chụp bầy dế mập ú ụ bay đầy những ngọn đèn thật vui, rồi về tẩn mẩn nhét từng hột đậu phọng vô bụng mấy con dế mà mẹ của chị Thủy đã rút ruột sẵn rồi lăn bột chiên ăn nóng, hoặc đêm nào không kinh hoảng chạy xuống hầm trốn pháo kích thì đêm đêm mọi người thường nghe tiếng đại bác bắn xa xa như ru giấc ngủ thật buồn, cho nên hễ mỗi khi ty Thông tin (do ông Điều ảo thuật gia làm trưởng ty) tổ chức chiếu phim là tôi náo nức xin bà ngoại dắt đi ra ngồi sắp lớp trước cửa nhà lồng chợ chờ coi những phim cao bồi thật gay cấn. Có khi gánh cải lương về hát, chị Thủy qua xin, bà ngoại nhất định không cho vì sợ lựu đạn hay gì đó sao tôi chạy kịp, còn ông ngoại thấy tôi buồn nên bày cách, chờ bà ngoại đi chùa, vừa thấy ngoại khuất dạng chỗ ty Hiến binh là tôi với chị Thủy hớn hở nắm tay nhau tới Hội trường, sau khi vãn hát, có ông ngoại nằm chờ sẵn trên divan chỗ phòng khách sát cửa, cứ gõ nhẹ, ông ngoại mở. Khuya đó theo y bài bản lần trước, tôi về, rồi gõ nhẹ… cửa bật mở, hết hồn thấy bà ngoại đứng lừng lững đó với cây roi mây trên tay, thế là tôi riu ríu nằm dài ngay trước hàng ba cho bà ngoại vừa nhịp roi vừa hỏi tội… may, có ông phó Hiếu đi trực về, thấy vậy tấp vô xin, từ đó tôi “tởn” không bao giờ tái phạm.

Ông ngoại mất. Tôi bỏ Kiến Tường về Saigon.


. thụyvi
(Hầm Nắng, Michigan, ngày hạ nêu Tết Canh Dần 2010)

(*) Năm tôi thi Tú tài 2 tại trường Pétrus Ký, tôi có gặp lại cô Lệ Thu gác phòng thi, tôi bước tới khoanh tay chào và xưng tên, cô la hoảng lên “Trời! Con Vân Hồng… lớn dữ!” Kỳ này ,cô không rầy mà còn bao che cho tôi… nộp bài trễ. Nghe cô nói cô dạy lớp đêm ở Gia Long.

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage