hồi ức về nhau

 

                                                     

 

 

 

 

 

Điểm số 00 sớm nhất

 

Từ trái qua là các thầy: Nguyễn Tấn Trưởng, Mai Văn Nhãn, Nguyễn Hữu Hệ, Lương Văn Liên, Trịnh Đình Loạt và Nguyễn Xuân Kỳ.
(Ảnh chụp năm 1967 trong khuôn viên trường THKT)

 

Được bổ nhiệm về trường TH Kiến Tường, sau một tuần lễ giảng dạy, tôi bắt đầu gọi học sinh lên trả bài. Học sinh đầu tiên trả bài là nữ sinh. Tôi nói:

-          - Em kể ra những tác dụng chính của dòng điện một chiều.

Em nữ sinh không trả lời tiếng nào, sau 2, 3 phút. Tôi cho điểm 00. Trong lòng tôi có chút không vui. Tôi không “truy” bài nữa mà quay ra giảng bài mới, trong khi đó em nữ sinh về chỗ úp mặt lên bàn, khóc. Cách khóc này làm cho tôi ý nghĩ là có thể học sinh này có lý do chính đáng gì đây. Sau khi giảng hơi nhanh cho hết bài, tôi gọi em nữ sinh ngẩng đầu lên và hỏi:

-          - Thầy cho điểm như vậy có nghiệt quá không?

-          - Thưa thầy không.

-          - Nhưng em khóc như vậy thì thầy nghĩ em có lý do chính đáng nào đó. Em có thể cho thầy biết không?

Học sinh yên lặng, tôi tiếp:

-          - Các em học sinh à, thầy đến đây để giảng dạy môn Lý - Hóa. Thầy cũng muốn là mẫu mực của các em về đạo đức. Thầy luôn muốn dẫn dắt, giúp đỡ các em giải quyết những vấn đề để đạt kết quả tối ưu. Thầy hy vọng các em cho thầy nhiều dịp may để giúp đỡ các em.

-          - Thưa thầy, thầy nói tiếng Bắc mau quá, em không hiểu bài.

Tôi giật mình, đi về phía cửa ra vào, nhìn vào chân trời xa lạ và nghĩ: “À, thì ra mình cũng dự phần tạo ra điều gì không đúng.” Chợt một hồi kẻng vang lên, học sinh được ra chơi. Tôi giơ tay ra dấu để nói câu chót của giờ học:

-          - Thôi được rồi, kỳ tới thầy sẽ giải quyết tốt việc này.

Rồi ba ngày sau, tôi trở lại lớp này. Vào lớp, tôi nói:

-          - Hôm nay tôi muốn dùng hai giờ này để kể chuyện với các em. Tôi nói chậm và rõ để các em quen với giọng nói này. Nhưng trước hết ta phải xóa điểm 00 vì kết quả này có phần do thầy tạo ra.

Tôi quay ra nữ sinh bị 00:

-          - Em có thể xé bỏ tờ giấy đầu của quyển vở cho đỡ xui xẻo.

Tôi vốn là người trung thực, không bóng bẩy, văn hoa. Tôi không nhớ rõ là đã nói những gì cho hết hai giờ dài đằng đẵng. Tôi chỉ nhớ vài câu mở đầu:

-          - Tôi đến đây kế nhiệm GS Võ Đ. Ái, một người bạn rất vui tính của tôi. Tôi cũng xin báo với mấy em một tin mừng: Năm nay các em học Lý - Hóa với một giáo sư mang giọng nói của cái nôi của “bốn ngàn năm văn hiến”, một GS rất thông minh, mà trí tuệ này lồng trong một khuôn mặt không có gì là “handsome” mấy. (Cả lớp và tôi cùng cười, chẳng ai để ý đến chữ mấy.)

Độ một tháng sau, tôi lại gọi nữ sinh đó lên trả bài. Lần này em thuộc bài, nhưng tờ giấy có diểm 00 vẫn chưa bị xé. Tôi hỏi:

-         - Tại sao em không xé bỏ tờ giấy có điểm 00 đi?

-          - Thưa thầy, tại vì điểm 00 này không còn làm em buồn nữa!

Tôi giật mình, nhìn về phía học sinh thì biết là các em cũng đã cảm nhận được tính cách phong phú của ngôn ngữ Việt Nam.

Tóm lại, với em nữ sinh, điểm 00 tuy vẫn còn đó, nó không còn tác dụng xấu nữa thì kể như không có nó. Với tôi, điểm 00 đã ở rất xa, cả về không gian lẫn thời gian, nhưng vẫn còn lẩn quẩn trong tôi, nghĩa là nó còn là một hiện hữu. Tới đây, tôi lại muốn đặt cho kỷ niệm này một tên khác “sắc sắc không không”.

TRỊNH ĐÌNH LOẠT, 2006. Đặc san Giáo sư và Nhân viên Kiểu mẫu Thủ Đức. “Vài kỷ niệm khó quên trong quá trình công tác giáo dục”, trang 218-220.

Nguồn: http://kieumau.info/DacSan2006.htm 

* Thầy PHẠM DOANH MÔN cung cấp.

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage