thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Khi học trò "lễ độ"


 

* tạp bút


Người Tây phương thường chào nhau bằng cái bắt tay, còn Đông phương thường chào nhau bằng cái gật đầu. Nhắc đến chuyện gật đầu chào khiến tôi nhớ lại năm tôi học lớp Đệ lục, tôi và mấy đứa bạn cứ phá phách, và theo dõi đám con trai để xem có đứa nào ngủ gật mỗi khi thầy giảng bài không, xui cho đứa nào bị tụi tôi thấy được.


Thầy Võ Quang Chiếu dạy môn Kim văn, Cổ văn, thầy giảng bài say sưa lắm, thầy giảng thao thao, bất tuyệt, thầy như để tâm hết cho bài dạy. Vậy mà đám "thứ ba" (sau quỉ và ma) chúng tôi dám đổi lại hai câu thơ như thế này:


Hiu hiu gió thổi đầu non,
Tới giờ thầy Chiếu, ngủ ngon quá chừng!


Tôi nhớ hoài lúc mà chúng tôi học Bích Câu Kỳ Ngộ, thầy giảng hay lắm, cả lớp im phăng phắc nghe thầy giảng:


Thành Tây có cảnh Bích Câu,
Cỏ hoa góp lại một màu xanh tươi.


Thế mà chúng tôi cũng nỡ lòng nào mà đổi lại là:


Thành Tây có bãi c.... trâu,
Ngó qua, ngó lại cũng màu đen đen!!


Rồi cả đám thích chí cười lên ầm ĩ. Tôi có hai nhỏ bạn, tụi nó có tên đàng hoàng, nhưng một đứa chúng tôi thường kêu là "Mái tây hiên", nó có mái tóc dài óng mượt nhưng trước trán tóc nó lúc nào cũng cắt ngang một đường "thẳng băng", tóc nó lại dày nữa giống như là mái tây hiên mà thầy giảng trong bài vậy, thế là tên nó trở thành Mái Tây Hiên kể từ đó! Còn nhỏ kia tụi tôi kêu là Ma-ki-dê, vì hầu như ngày nào đi học trên mặt nó cũng dính khi thì "lọ nghẹ", khi thì mực... không hiểu sao lại vậy, cho nên nó bị mang tên Ma-ki-dê chết danh luôn tới bây giờ, mặc dù sau này nó đẹp lắm, đẹp nhất trong nhóm quậy của bọn tôi. Hai đứa nó là hai đứa cười lớn nhất, và hay chọc phá nhất, luôn luôn tìm đề tài hấp dẫn để có những trận cười muốn bể bụng. Hai nhỏ đó không hề biết sợ ai, mà cũng "anh hùng" lắm, dám làm và dám chịu.

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

Vì là trường tư thục nên lớp học của chúng tôi thật đông, có hơn sáu chục học sinh. Lớp học gồm có ba dãy bàn, mỗi dãy sáu cái, mỗi bàn ngồi bốn đứa, có hơi chật nhưng vui. Con gái chúng tôi chiếm hết hai dãy, còn tụi con trai chỉ có một dãy mà thôi. Thỉnh thoảng chúng tôi viết "mật thư" vo tròn và quăng cho nhau, khi thầy quay lưng lại viết trên bảng; sau đó là những tiếng cười lúc đầu nhỏ, sau to dần, đến khi thầy gõ một tiếng mạnh xuống bàn mới chịu im. Tôi ngồi bàn đầu của dãy giữa, nên dễ dàng cho tôi theo dõi cả hai dãy. Cùng với hai đứa nó, tôi bàn thêm với nhỏ Tiếm, Minh Hương và Cúc Hương nữa về kế hoạch theo dõi mấy thằng con trai coi tụi nó làm gì, nói gì, có chú ý nghe thầy giảng không. Tụi tôi thay phiên nhau theo dõi, khi thì thúc cùi chỏ làm ám hiệu, khi thì tằng hắng, có lúc giả bộ ho khi thấy thầy nhìn xuống. Bỗng Mái Tây Hiên thì thầm:
- Tao thấy thằng Phong đang gật đầu đồng ý với thầy.


Nhỏ Tiếm cũng nói nhỏ:
- Thằng Hùng đồng ý kiến với thằng Phong kìa tụi bây.


- Trông thằng Ba thật là "lễ độ", nó gật đầu tám lần luôn. Nhỏ Hương vừa cười vừa nói.


- Kìa tới thằng Thường nó gật đầu tán thành ba lần. Ma-ki-dê thúc cùi chỏ và nói.

 

Không nhịn nổi, bọn tôi cười rúc rích. Hôm đó là giờ Pháp văn (sinh ngữ II) cũng do thầy Chiếu phụ trách. Thầy dạy Ngữ vựng thì chúng tôi bảo "vỏ-cá-bự-lại-rẻ", phản dich thì tụi tôi gọi là "thèm-me", văn phạm thi gọi "ra-ma" ... ôi có đủ thứ kiểu để chọc, vi học dở môn này nên mới vậy. Thầy nghe ồn  ào ở hướng "xóm nhà lá" của chúng tôi, thầy kêu tôi lên bảng để chia verbe "aller", vì mải mê theo dõi mấy chàng "lễ độ" nên tôi không thuộc bài bị thầy bắt chép bài phạt, thật đáng đời!


Nhắc đến môn Pháp văn, tôi lại nhớ đến câu chuyện ba tôi kể lúc chị em tôi còn nhỏ. Chuyện xảy ra hồi thời Pháp thuộc, bác Hai (trong xóm) làm "tài công" cho người Pháp, bác không biết tiếng Pháp nhiều, bác chỉ nói tiếng "bồi" thôi, vậy mà Tây nói bác cũng hiểu, ngược lại bác nói gì Tây cũng hiểu tuốt luốt. Hôm đó ông Tây bảo bác đem tàu đến để đưa ông ta đi công việc, vì gió to sóng lớn lại ngược nước nên bác đến trễ, khi bác cập chiếc tàu vào để rước ông Tây, ông ta không nói gì mà đánh vào vai bác Hai một cái mạnh. Giận quá, bác nhìn thẳng vào mặt ông Tây mà vừa nói, vừa múa tay:
- Trên bờ thì beaucoup vent, dưới nước thì beaucoup l'eau, tại sao moi battre l'epaule toi un cú cái mà beaucoup tức dội!


Chị em chúng tôi không hiểu "on... đơ... tro... cách..." gì, nhưng thấy ba cười ha hả cũng cười theo ngặt nghẽo. Sống bên ba, được nghe ba kể đủ thứ chuyện thật là vui và sung sướng!


Trở lại lớp "quậy" của chúng tôi, lại học thầy Chiếu, thầy giảng bài "Mười thương" trong phần ca dao tục ngữ. Thầy đọc từng câu và giảng, sau đó thầy còn ngâm thơ nữa chứ:


Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng lánh hạt huyền....


Chúng tôi lại đảo mắt theo dõi, đối tượng được chú ý vẫn là mấy thằng con trai.


- Hôm nay tới thằng Thượng "ốm" kìa tụi bây. Ma-ki-dê thì thào.


Nhắc đến thằng Thượng, tôi nhớ thầy Đáng vô cùng.Thầy dạy Anh văn rất hay, dễ hiểu, dễ nhớ, thầy có phương pháp dạy thật lạ, đứa nào cũng thích học môn Anh văn cả, vì rất là sinh động. Bạn Thượng thì "xổ sữa" lắm, nhưng học môn nào cũng giỏi nên thầy nào cũng thương. Thầy Đáng không bao giờ kêu tên Thượng cả mà cứ kêu là "Ốm", vậy mà khi nghe thầy kêu "Ốm" lên bảng viết bài hoặc trả bài, Thượng "ủn ỉn" đi lên, lâu dần tụi tôi quên luôn tên Thượng của nó.


- Nó lễ độ quá tụi bây.


- Học giỏi như nó mà cũng ngủ gật sao?


- Đâu có, nó đồng ý với thầy.


- Hình như thằng Khánh cũng gật đầu ra vẻ ta đây hiểu bài. Mái Tây Hiên khe khẽ.


Minh Hương buột miệng "khen":
- Lễ độ thật!


- Thằng Dũng nữa kìa tụi bây.


- Đâu? Tao thấy rồi. Mày xem thằng Giảng kìa, nó ngã sang trái, rồi sang phải giống như đang tập thể dục vậy, vui quá tụi bây.


Tôi bảo:
- Coi chừng nó thấy mấy ô thầy kẻ trên bảng, nó lại tưởng miếng tàu hũ, tao thấy cái miệng nó nhép nhép tụi bây ơi.


Tụi tôi không nín được nên cười sằng sặc, ban đầu nhỏ, sau lớn dần, mới đầu chỉ có nhóm tụi tôi, sau đó có tiếng cười từ phía sau, dần dần cả dãy con gái chúng tôi. Thầy quay lại hỏi:
- Cái gì mấy trò cười vậy?

 

Thầy Chiếu kêu học trò là "mấy trò", thầy ít khi kêu là "mấy em" như những thầy cô khác. Thầy gõ bàn một cái mạnh rồi giảng bài tiếp. Tiếng gõ của thầy đánh thức mấy thằng con trai, chắc tụi nó tức lắm vì phải bỏ dở "giấc mơ" vàng ngọc.


Thầy lại la thêm một chập vì trông mặt lũ học trò đứa nào cũng có vẻ không theo dõi bài, sợ nhất là nghe thầy giảng "mo-ran", nên mấy đứa chúng tôi ngồi im re ra vẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ lắm. Nhưng rồi sẽ tái diễn ở những môn khác, ngày khác, nhất là môn Sử ký tha hồ cho chúng tôi theo dõi bọn con trai ngủ gật trong lớp, còn hấp dẫn hơn xem đá banh nữa. Nếu không phá phách thì sao xứng đáng được xếp hàng thứ ba: "Nhất quỉ, nhì ba, thứ ba học trò!"


Đó, khi ngủ gật ta là người "lễ độ" nhất phải không thưa các bạn?

 

KIẾN NGỐ
(Maryland 26-8-2011)
 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage