Những câu chuyện của chúng ta

  NHƯ MƠ

 

 

 

 

 



Có những lúc trong cái chật vật của cuộc đời, tôi cũng tự nhủ làm cách nào trở lại thăm trường Trung học Kiến Tường (Mộc Hóa ngày nay) để gặp lại bạn đồng nghiệp cũ, học trò xưa, người quen cũ,… nhưng ý nghĩ đó cũng qua đi vì sự quay cuồng của guồng máy sinh hoạt mà mình phải theo… Thời gian qua đi, thấm thoát bốn mươi năm…

Cho đến một ngày kia, khoảng rằm tháng chạp năm Đinh Sửu, tôi nhận được một bức thư, người gửi tên là Huỳnh Ngọc Phát, với chú thích học trò cũ Kiến Tường… Từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác, tôi ngỡ ngàng và vội vã bóc thư ra xem. Đúng là thật! Với những cái tên nào là Võ Xuân Sơn, Huỳnh Trung Dung, Đoàn Văn Nhiên, Nguyễn Xuân Kỳ,… Vậy thì có ai mà mạo nhận? Và mạo nhận để làm gì?... Thú thật với em Huỳnh Ngọc Phát, vì thầy “già” rồi, lẩm cẩm, có còn nhớ tới cô học trò lớp Sáu ngày xưa “Phát con” đâu? Em thứ lỗi cho thầy. Nhưng mừng quá! Quá đỗi là mừng. Bỏ cả cơm chiều, tôi liền vội điện cho em Huỳnh Ngọc Phát và được biết đúng là sự thật! Ôi sung sướng quá! Thầy cũng xin lỗi các em nào Bách, Phước…. vì lúc ấy các em là những cô cậu học trò bé xíu… bé xíu ngày xưa, nhưng mà bây giờ các em có những hành động làm xao xuyến lòng người! Thế rồi, tối đến, thầy Sơn lại điện cho tôi (chắc là do em Phát cho số điện thoại). Bạn cũ gặp nhau ríu rít mày mày, tao tao như ngày xưa…

Và liên tiếp những cuộc điện đàm sau đó của các em Bách, Phước và thầy Sơn hẹn ngày đoàn tụ của thầy trò Kiến Tường được “Bang chủ Cái Bang” Võ Xuân Sơn hướng dẫn. Tôi thật sự cảm phục tài “điều binh khiển tướng” của “Bang chủ Cái Bang” Võ Xuân Sơn cùng 2 “cận vệ” Bách, Phước vì trong vòng có hơn 20 ngày mà thầy trò các em đã làm được một cuộc “trường chinh” đầy thắng lợi… với “ba mặt giáp công” về thăm thầy… cảm ơn thầy! Phải chăng là nhờ TẤM LÒNG?

Và quên nữa, sẽ là một thiếu sót nếu không kể lại về việc gọi nhầm cho cô Hoàng Thị Cẩm Thạch, cứ ngỡ là cô Tô Ngọc Thạnh, thư ký của trường Trung học Kiến Tường ngày xưa. Nhưng lạ mà không lạ. Cô Thạch rất vui vẻ và tha thứ cho sự đường đột của tôi. Thế là quá vui!

Chỉ còn chờ đến ngày mồng Năm Tết Canh Dần là… giấc mơ bốn mươi năm biến thành sự thật! Ôi! Thời gian sao mà lâu thế! Nhẩm tính đến đó là 20 ngày, 19 ngày, 18 ngày,… và 01 ngày… và ngày ấy lại đến. Mồng Năm Tết Canh Dần lịch sử!

Nhưng trước khi đến, chắc các anh chị đồng nghiệp và các em học sinh cũng như tôi đều có một đêm không ngủ. Cứ miên man suy nghĩ đến đỗi năm giờ sáng gà gáy mà không hay! Đến sáng, vừa chuẩn bị lại nhà cửa, vừa chờ tin điện thoại. Và giờ G đã đến! Cuộc hội ngộ đầu tiên diễn ra tại Chợ Mới Gò Công. Từ xa, tôi nhận diện là người bạn cố tri của tôi… Anh bạn Võ Xuân Sơn, thầy Sơn năm xưa… Vẫn cái đầu hớt “cua” (court = ngắn) dáng cao cao và bây giờ hơi mập hơn đôi chút. Sau khi tay bắt mặt mừng và đầy xúc động, tôi được giới thiệu từng người bạn đồng nghiệp mới, từng người học trò xưa,… (cần xem lại trong đĩa) nhưng chắc là không thể không nhớ được “phu nhân” của thầy Sơn, mặc dù đường xá xa xôi, Gò Công cách trở mà vẫn lặn lội cùng “phu quân” họp mặt.

Lời kết:

Tất cả diễn biến của ngày hội ngộ mồng Năm Tết Canh Dần (2010) đều hiện diện trong hai đĩa DVD. Đặc biệt là dù “nghìn trùng xa cách nửa vòng trái đất”, cô Thủy vẫn với giọng nói dễ thương ngày xưa và tài văn chương của thầy Trang đã làm cho cuộc hội ngộ thêm phần hứng thú… Nếu tôi nhớ không lầm đây là ý thơ của thầy Trang.

“Thầy cũ trò xưa vọng Kiến Tường”

Tóm lại, còn đọng lại trong chúng ta là gì? Những cử chỉ thân ái của đồng nghiệp cũ và mới và thể hiện rõ nét nhất là sự khép nép, kính cẩn của các học trò xưa, dù giờ đây các em trong xã hội là “ông nầy bà nọ” và cũng là nội, ngoại của con cháu.

Phải chăng đó là “TRUYỀN THỐNG TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO” muôn đời của người Việt chúng ta!

Cao Thành Phát

19-3-2010
 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage