ngẫm và nghĩ

 

 

 

 

 

 

 

Lại nói về khoảng trống

 

* Luận đề

 

Cái khoảng trống KHÔNG, khi đã vào một lứa tuổi nhất định nào đó, bây giờ ta hay suy nghĩ, người xưa cũng đã thấy. Nói chữ “không”, ta thường đơn giản và ngộ nhận với chữ “không” trong tiếng Việt có nghĩa “ngược với có”. Cho nên nói đến chữ “không” trong triết học Đông phương, ta cần hiểu hết ý nghĩa mà chúng ta phải chiêm nghiệm và hướng tới. Chữ “không” bao gồm cả ý nghĩa “hư không” hay “vô cực”.

 

Nguồn minh họa: Internet.

Cái khoảng không ấy khác hoàn toàn với cái buồn trống trải của một thi sĩ trẻ: “hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”.

“Có một vật hỗn độn, sinh thành trước trời đất; yên lặng, trống không; đứng một mình mà chẳng thấy; đi khắp nơi không dừng; có thể làm mẹ thiên hạ. Ta không biết tên của nó, nên đặt tên nó là Đạo”.

Cái Đạo của Lão tử là Đạo của Trời Đất, nó có sẵn trong trời đất. Không thể dùng ngôn ngữ để luận bàn, chỉ có khái niệm mà không có định nghĩa.
Hư không là Đạo, là bất cứ vật gì mà tất cả mọi vật đều do nó sinh ra: “Vạn vật giai phụ Âm bảo Dương, xung khí dĩ hòa”, nghĩa là muôn vật đều cõng một Âm và bồng một Dương, xung đối nhau mà hòa nhau. Thật rất gần với thuyết Electron cấu tạo nguyên tử của khoa học hiên đại.


Ví dụ như ta xét định luật Vạn vật hấp dẫn, hay vấn đề năng lượng nguyên tử mà Newton và Einsteins “bắt” được. Nguyên bản nó là như vậy, ta khám phá nó như vậy, không thể giải thích tại sao, càng giải thích, nó càng rối rắm. Vì nó có sẵn trước cả cái thuở ban sơ. Loại ý thức này tạo nên một nền tảng vững chắc của tri thức của loài người, nó đẩy lùi sự ngu dốt, sự lơ mơ về bản chất của vũ trụ, của tư nhiên. Một khi nó được chứng minh thì nó được chuyển sang lĩnh vực khoa học. Chưa chứng minh thì nó nằm trong ý thức của thần học.

Cái Đạo của Trời Đất nó còn nằm trong qui luật của “sinh lão bệnh tử” mà bậc chánh giác đã chiêm nghiệm và chỉ đường cho chúng ta tìm cách thoát ra.

 

Nguồn minh họa: Internet.


Quay lại nhìn và suy nghĩ chính chắn về bản thân mình trước thuyết “tương đối” của Einsteins và cái lẽ vũ trụ không thường hằng của nhà Phật “Tánh già nằm trong tuổi trẻ, Tánh bệnh nằm trong sức khỏe, Tánh chết nằm trong sự sống”. Khi cảm nhận được cái ý của hư không thì sự kiêu mạn trong sự sống, đồng thời cái nỗi buồn lo về ý nghĩa của sự sống - chết sẽ lập tức được đoạn trừ. Chánh niệm trong hiện tại, là không để quá khứ và tương lai vướng mắc lôi kéo.

Nhà văn nổi tếng châu Mỹ Latinh G. Marquez đã nói: “Người ta già nua không phải vì thời gian và tuổi tác, mà đối với những ai không còn yêu thương được nữa”.


Biết cái lẽ tử sinh, chuyện thịnh suy của đời người như hạt sương trên đầu ngọn cỏ mà lòng không sợ hãi, sống cho phải “Đạo”. Chúng ta đã trải nghiệm cuộc sống đầy giông bão của lịch sử và của cá nhân mình, chúng ta có một nghề nghiệp tốt, có những đóng góp nhất định cho xã hội, bây giờ chúng ta còn lại gì ngoài tình yêu thương dành cho cuộc sống này?

Đó là yếu quyết về cảm thức “tại đây và bây giờ” (here and now) mà thầy Đỗ Hiền triết muốn nhắc đến.
 

NGUYỄN VĂN HÒA

(TP.HCM 22-4-2011)

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage