thế giới của chúng ta

 

 

 

 

 

 

Châu Âu chìm trong tuyết trắng

 

 

Trong những ngày thượng tuần tháng 2-2012 này, châu Âu vẫn đang tiếp tục hứng chịu cái giá lạnh khủng khiếp của băng tuyết trong đợt rét đột ngột (cold snap) từ Bắc cực tràn về. Báo chí quốc tế mô tả là "cực kỳ lạnh" (extreme cold).

 

Ở Ukraine, từ ngày 27-1-2012 tới nay có khoảng 3.000 người phải nhập viện vì bị thương tổn do lạnh gây ra. Trong 2 tuần qua có ít nhất là 135 người chết được ghi nhận. Hôm 8-2, Bộ trưởng Tình trạng Khẩn cấp Viktor Baloga cho biết có tới 9 phần 10 số người chết trong đợt lạnh này có sức khỏe có vấn đề liên quan tới rượu.

 

Hiện nay, nhà chức trách Ukraine đã thành lập một bệnh viện khẩn cấp để chữa trị cho các người bị bệnh vì lạnh. Khoảng 3.000 lều cấp cứu khẩn cấp cũng đã được phân phối trên khắp cả nước. Các lều này được sưởi ấm và những người không có nơi trốn lạnh có thể tới nhận thức uống và thức ăn nóng.

 

Theo nhà chức trách, thủ đô Kiev của Ukraine có hơn 14.000 người vô gia cư, Họ chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất đối với cái giá lạnh cắt da của mùa đông này. Bác sĩ Anatoliiy Vershigora, bác sĩ trưởng tại một trạm trợ giúp khẩn cấp ở Kiev, cho biết: nhiều người bị những vết phỏng tuyết, giảm thân nhiệt,… Nhiều người chết do tác động của rượu. Phần lớn người dân có một niềm tin sai lầm rằng uống rượu sẽ giúp ấm cơ thể chống lại giá lạnh.

 

Những nhân viên làm việc ngoài trời, như những người bán tại các quầy hàng ngoài trời ở chợ, cũng thường bị phỏng lạnh nghiêm trọng. Một số trẻ em cũng lâm vào tình trạng tương tự do cha mẹ để chúng ngoài trời quá lâu.

     

Joe Lowry, người phát ngôn của Hội Chữ thập Đỏ châu Âu, nói rằng: “Có một thực tế đáng tiếc là nhiều người vô gia cư là những người nghiện rượu hoặc ghiền những chất khác. “Rượu tạo cho người uống ảo tưởng là đang ấm, vì thế chẳng có gì phải ngạc nhiên khi có quá nhiều người uống rượu khi mùa đông về và cũng không có gì phải ngạc nhiên khi họ mất mạng.”  Chủ yếu là do hiện tượng giảm thân nhiệt (hypothermia) xảy ra sau khi uống nhiều rượu. Lowry cho biết: “Chúng tôi cố gắng tiếp cận được những người này trước khi họ uống quá nhiều rượu. Nếu được chúng tôi tìm thấy, họ sẽ được an toàn. Hiển nhiên là một cái bụng no đầy hay các thức uống nóng thì tốt hơn rất nhiều so với uống vodka.”

    

Các tình nguyện viên Chữ thập Đỏ đang hỗ trợ nhà chức trách giúp phân phát quần áo ấm, giày, thức ăn nóng ở Ukraine và nhiều nơi khác ở châu Âu.

     

Bác sĩ Sam Zakhari, giám đốc bộ phận chuyên trách về nghiện rượu thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia Ukraine, giải thích rằng việc uống rượu là nguy hiểm trong thời tiết giá lạnh có hai nguyên nhân. Một là rượu làm giãn các mạch máu nơi da, khiến nhiều máu lưu thông hơn. Nó sẽ làm người ta có cảm giác nóng ấm. Tình trạng này không gây gì nguy hiểm nếu như người ta ăn mặc ấm áp và ở trong nhà. Nhưng nếu người uống rượu mặc không đủ ấm, họ sẽ nhanh chóng bị giảm nhiệt cơ thể. Thứ hai là những người say xỉn sẽ không có khả năng phán đoán điều gì đang xảy ra hoặc có cách ứng xử thích nghi. Người đó có thể trợt té trên tuyết đóng băng và có nguy cơ bị bất tỉnh hay ngủ mê mệt khi rượu tác động lên hệ thần kinh trung ương. Té hay ngủ mê ngoài trời giá lạnh đều dễ dẫn tới tử vong. Đó là lý do mà bác sĩ Zakhari khuyến cáo những ai say rượu nên ở trong nhà và giữ ấm.

    

Tới ngày 8-2-2012, Kiev đã trải qua 24 ngày liên tục có nhiệt độ dưới độ âm. Hôm 8-2, nhiệt độ xuống thấp ở mức âm 18 độ C. Lẽ ra trong điều kiện bình thường trước đây, thời điểm này nhiệt độ chỉ ở mức âm 2 độ C.

     

Nhà khí tượng học Brandon Miller của hãng truyền hình thời sự Mỹ CNN cho biết nguyên nhân của đợt rét buốt bất ngờ này ở châu Âu là do một luồng không khí lạnh giá thổi theo hướng tây ra khỏi nước Nga vào phần còn lại của châu Âu hồi cuối tuần qua. Trung Âu và Đông Âu là những nơi hứng chịu không khí lạnh nhất. Nhiệt độ ở một số nước bị ảnh hưởng nặng nhất như Ukraine, Romania, Hungary và Serbia sẽ xuống thấp trở lại dưới mức bình quân hàng năm là 15 tới 20 độ C. Thủ đô Warsaw (Ba Lan) thông thường lúc này có nhiệt độ là 2 độ C, nhưng bây giờ đã phải chịu nhiệt độ âm suốt 15 ngày qua. Thành phố Sarajevo ở Bosnia-Herzegovina cũng đã phải trải qua 14 ngày có nhiệt độ dưới 0 độ C, trong khi lẽ ra mùa này là 5 độ C.

    

Theo dự báo của Miller, nhiệt độ ở châu Âu sẽ vẫn tiếp tục xuống dưới mức bình quân trong tuần tới. Nơi đây sẽ khó lòng ấm lại cho tới cuối tháng 2-2012. Nhiều đoạn sông Danube vốn là tuyến đường vận tải giờ đây đã gần như bị đóng băng – đây là tình trạng xảy ra lần đầu tiên trong 25 năm nay.

     

Trời lạnh làm cho nhu cầu sưởi ấm tăng vọt, gây quá tải cho các nhà cung cấp điện và khí đốt. Lúc này, người ta đặt lại câu hỏi về sự tin cậy (và phụ thuộc) của châu Âu vào nguồn khí đốt do Nga cung cấp. Trong thời gian gần đây, lượng khí đốt từ Nga vận chuyển theo đường ống qua Ukraine tới châu Âu đã bị giảm dưới mức mong đợi.

     

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, ông Yuri Boyko cho biết mức tiêu thụ điện ở nước này hiện tăng cao chưa từng có. Và trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng truyền hình Mỹ CNN, ông này đã bác bỏ những tin đồn rằng Ukraine đã “ăn cắp một phần lượng khí đốt từ Nga tải sang châu Âu”. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine giải thích nguyên nhân làm giảm 30% lượng khí đốt tải tới châu Âu qua lãnh thổ Ukraine là do thời tiết cực lạnh ở Nga khiến công suất khai thác khí thiên nhiên bị đình trệ. Lẽ ra mỗi ngày có 500 triệu mét khối khí đốt từ Nga chuyển vào biên giới phía tây của Ukraine, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 400 triệu mét khối. Trong khi đó, hãng Gazprom, nhà cung cấp khí đốt của Nga, không thừa nhận họ đã giảm bớt lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu. Đây quả là một vấn đề tế nhị và phức tạp, có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ nhiều phía. Bộ trưởng Boyko của Ukraine trích dẫn tuyên bố của Phó Chủ tịch hãng Gazprom nói rằng hãng không sẵn sàng cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay.

     

Cho tới nay có ít nhất 250 người đã chết trong đợt rét đột ngột này ở châu Âu. Trong số đó có 39 người ở Romania, hơn 50 người ở Ba Lan, ít nhất 64 người ở Nga.

     

Tuyết đã sang tới cả miền tây châu Âu, như ở Tây Ban Nha. Nhiều đường sá và khu vực ở vùng tây nam châu Âu, gần Địa Trung Hải, đã bị cô lập bởi tuyết nặng. Thủ đô Berlin của Đức suốt 2 tuần qua có nhiệt độ dưới mức đóng băng, trong khi lẽ ra mùa này chỉ khoảng 4 độ C. Nước ở đập Muggelseedamm đã bị đóng băng cứng. Thủ đô Luân Đôn và nhiều vùng ở miền đông nước Snh có tuyết dày từ 2 tới 10 cm. Suốt 1 tuần nay, nhiệt độ ở thủ đô Paris của Pháp xuống dưới mức đóng băng.

 

Tuyết rơi phủ chìm các xe cộ ở thủ đô Rome của Ý hôm 4-2-2012. Một người đàn ông đang gắn đai dây xích vào bánh xe để chống trơn trợt.

 

Một con đập ở gần thủ đô Bucharest (Romania) hôm 8-2-2012 bị đóng băng.

 

Ảnh chụp ngày 6-2-2012 cho thầy những con ngựa đang co ro trên một cánh đồng phủ tuyết trắng xóa ở làng Cognocoli-Monticchi trên đảo Corsica ở Địa Trung Hải của Pháp.

 

Ngày 6-2-2012, đài phun nước Bartholdi tại quảng trường Terraux ở thành phố Lyon (miền đông nước Pháp) bị đóng băng.

 

Một chú chó đang giỡn với băng đóng trên mặt sông Elbe ở Hamburg (Đức).

 

Tuyết dày làm tê liệt giao thông ở thủ đô Bucharest (Romania) hôm 6-2-2012.

 

Tuyết phủ trắng bên hồ Geneva ở Versoix (Thụy Sĩ) hôm 5-2-2012.

 

Hai phụ nữ Bulgaria đi trong tuyết tại Rakovski hồi cuối tháng 1-2012.

 

Một người đàn ông đang cào tuyết phủ kín xe ở thủ đô Sofia (Bulgaria) hồi cuối tháng 1-2012.

 

Tuyết cào dựng cao thành tường hai bên đường ở Bucharest (Romania) hồi cuối tháng 1-2012.

 

Người ta chơi trượt tuyết ở gần Oberhof (Đức) hồi cuối tháng 1-2012.

 

KIẾN ĐEN

(Saigon 11-2-2012)
 

 

 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage