hồi ức về nhau

 

   Những chuyện hơi kỳ kỳ của

 

  Lão sư Nguyễn Xuân Kỳ

                                                     

 

 

 

 

 

 

Lời thưa trước: Anh Kỳ quí mến. Anh cho phép tôi được chọc ghẹo anh một chút. Đúng ra trò Phước đã mở đường cách hòa nhập nửa diễu nửa đứng đắn khi tôi và Phước “nối được sợi dây thừng”. Đáng lẽ “lời thưa trước” này tôi phải nói riêng với anh, nhưng… vào thời buổi điện tử này mà anh vẫn không có email address, cũng không có số phôn (tôi dò trong “phiếu thông tin” không thấy gì hết), tôi đành phải viết lên đây. Mặc dù có hơi kỳ, vì chưa được anh trả lời mà đã bật mí… nhưng tôi nghĩ rằng im lặng tức là bằng lòng. Vả lại có gì anh cứ trách trò Phước.

 

Duyên kỳ ngộ

 

 
Anh Kỳ và tôi trước căn nhà trọ ở xóm Cá Rô, năm 1967  

 

Khi tôi gia nhập gia đình giáo chức Kiến Tường, các quí anh: Kỳ, Hệ, Loạt, Liên, (xin click vào đây để xem ảnh các thầy) và cô Nhung (*) đã có mặt. Họ là những bậc tiền bối của tôi. Lúc đầu tôi cũng thấy khớp họ. Nhưng rất mau sau đó, chúng tôi đều là bạn mày tao với nhau. Do duyên kỳ ngộ, tôi trọ cùng nhà với anh Kỳ cả năm trời. Tôi với anh thường đi chơi với nhau, mặc dù cho đến bây giờ tôi vẫn không biết anh thương tôi ở cái điểm nào. Trái lại, sau này khi anh Phát, anh Sơn, và cô Bích Thủy (**) đến Kiến Tường, tôi tách rời anh ra để ở với họ. Họ hấp dẫn hơn. Có mới nới cũ nghĩa là vậy. Xin lỗi anh.

 

Ông Thầy lỳ

 

Tôi nhớ anh thường chơi đàn ghita, nhưng thuộc loại nhạc cổ điển. Anh biết không, bản tập sử dụng 4 ngón tay đầu tiên anh dạy tôi, tôi vẫn nhớ. Cho đến bây giờ mỗi khi cầm cây đàn lên là tôi chỉ biết đánh bài đó. Hồi ấy, có người bạn hàng xóm đến nhà chúng ta hằng đêm. Gã cũng chơi đàn ghita. Tôi nghĩ gã đánh sai nhiều nốt và thiếu bài bản. Tôi và hắn cứ rống lên ồn cả xóm cái bài “Căn Nhà Ngoại Ô”.  Nhưng kỳ lạ một điều, dù chúng tôi có làm ồn ào đến nỗi chó hàng xóm phải sủa, anh vẫn tỉnh bơ ngồi im thin thít trong phòng. Chưa lần nào anh góp mặt hay góp lời với “ban nhạc” một tiếng.

 

Thầy lang tốt bụng

 

Một hôm tôi thấy mấy cô học trò thập thò trước cửa. Tôi hỏi các em muốn gì. Các em nói muốn gặp thầy Kỳ để xin thuốc. Tôi cho họ vào nhà để gặp anh. Tôi quan sát thấy anh lôi ra một cái hũ. Rồi anh lấy một cái gì giống như cái que tăm thọc vào hũ móc ra một cục cao màu trắng. Rồi anh bỏ cục cao ấy vào cái hũ nhỏ do cô học trò mang tới. Sau đó tôi ngạc nhiên khám phá ra ông Kỳ đã lấy một loại cỏ địa phương, trộn với một dung hóa nào đó để chế ra thuốc chữa lác. Từ đó nhà tôi biến thành cái phòng mạch rất đắt khách, vì thuốc tặng không. Đặc biệt bệnh nhân thì ít (có lẽ vì thẹn khi gặp thầy) mà bà con của bệnh nhân lại nhiều. Họ đến tới tấp để xin thuốc mang về. Họ không cần xin hẹn, nhưng lại biết khi nào thầy Kỳ ổng có mặt ở nhà. Bí ẩn thật!

 

Đi chơi trên sông Vàm Cỏ Tây (khúc sông này gần nhà em Bửu). Từ trái qua phải: thầy Kỳ, Sử, tôi (thầy Trang), Em, Chiến, Thành. Năm 1967

 

 

Kỳ nhân

 

Kỳ họp mặt Gò Công, trong khi ai cũng râu tóc hoa râm, có nhiều cụ tóc còn trắng xóa, nhưng  tóc anh vẫn đen. Không lẽ học trò lại già hơn Lão sư Kỳ như rứa sao đặng. Hay là anh đã chế ra một loại cao dưỡng tóc nào đó? Nếu thật, xin anh cứ tự nhiên dùng vài cái đầu ở bang ta để thí nghiệm xem sao. Hôm đó tôi hỏi anh, “Anh còn chơi đàn ghita nữa không?”, anh nói, “Cây đàn vẫn còn, nhưng không chơi nữa, bây giờ già rồi.” Tiếc quá hôm nay tôi mới nghĩ ra câu hỏi tiếp, “Vậy chứ bây giờ anh chơi cái gì?” Hy vọng được anh phán cho vài lời.

 

Anh Kỳ quí mến, xưa anh với tôi ở xóm Cá Rô, nay anh ở Đồng Nai. Thật kỳ, tại sao đời anh cứ gắn liền với những con vật. Có phải vì anh dạy môn vạn vật. Tôi ở Elk Grove, Elk Grove nếu dịch ra tiếng Việt sẽ là Đồng Hươu. Nai với Hươu thì cũng một bầy. Như vậy chúng ta vẫn còn là bạn mày tao như ngày nào.

 

  

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, CA, Mỹ, 31-3-2010)

 

----

(*) Các thầy Nguyễn Xuân Kỳ, Nguyễn Hữu Hệ, Lương Văn Liên, Trịnh Đình Loạt, và cô Triệu Cẩm Nhung. (Theo thông tin của thầy Nguyễn Xuân Kỳ và thầy Bùi Trung Tính).

(**) Các thầy Cao Thành Phát, Võ Xuân Sơn, và cô Nguyễn Thị Bích Thủy (sau đó là phu nhân của thầy Đỗ Ngọc Trang).

 

  Thầy Nguyễn Xuân Kỳ cho biết hiện nay thầy vẫn tiếp tục bào chế món thuốc gia truyền trị lác đó. Công hiệu lắm. Ai có nhu cầu, xin cứ liên hệ với thầy hay qua anh Trần Ngọc Bách, người mà kể từ 14g00 ngày 7-4-2010 đã trở thành đại-lý-phân-phối-độc-quyền-thuốc-trị-lác do thầy Kỳ bào chế cho gia đình THKT.  

 

Bạn Trang thân mến.

 

Mấy hôm nay tôi rất bận, nhưng vẫn cố lướt Web để xem bài viết thú vị của Trang theo lời nhắn của em TN Bách. Thật không ngờ Trang cũng như tôi còn lưu giữ nhiều hình ảnh, trong đó có đôi bạn Trang-Kỳ và ngôi trường cùng học sinh thân yêu tại Kiến Tường. Và cũng không ngờ người bạn thời trẻ có vẻ triết gia nay vào buổi gần thất thập lại vui hài đến vậy. Nhìn ảnh Trang với chòm râu bạc cùng người đẹp trên màn hình ở Gò Công tôi thấy mình nếu để râu chắc cũng là bạc trắng nhưng không khỏe bằng bạn. Còn tóc tôi có nhuộm gì đâu! Có lẻ do ánh sáng trong nhà hơi mơ huyền nên không thấy bạc. Chớ nó đã nửa trắng nửa mỡ gà rồi! Tuổi xế chiều mà.


Về đàn, thực sự tôi rất mê. Nhưng giờ đây những ngón tay đã yếu lại bận nhiều với căn nhà ngoại ô Ông Bà để lại "với hoa thơm trái hiền" (chớ không "với cô bạn thân sớm hôm chung sách đèn") nên không tiếp tục được, phải nhìn nó như một hiện vật bảo tàng. Tôi nhớ đã có lần hát "Căn nhà ngoại ô" với thầy Tính(?) vào một tối tại căn nhà trọ mình ở chung đó, rất vui...


Còn chuyện thuốc xức lác, lang ben, vảy nến, mình làm theo sách thuốc nam cũ, người hợp, người không. Song nếu ai cần, tôi sẽ hướng dẫn cách làm từ cây kiến cò...

 

Hiện nay ở Đồng Nai tôi hay về vườn vì căn nhà ngoại ô chớ không vì "hươu nai" hay "cá rô", ngoài ra còn để thu hái hoa mai chế biến trà đặc sản hoàng mai hoa uống cho sáng mắt. Khi nào có dịp mời các bạn cùng học sinh thân yêu dùng thử trà mai "Hoa-Kỳ".

 

Xin chúc đôi bạn Trang - Thủy vạn sự tốt lành.

 

NGUYỄN XUÂN KỲ

(Biên Hòa 9-4-2010)

 

 

 

Lão huynh Nguyễn Xuân Kỳ kính mến.

 

Được e-mail bạn, mình mừng lắm. Nhất là bạn còn nhớ chuyện mình song ca bài Căn nhà ngoại ô - bây giờ bạn vẫn nhớ lời - hay thật! Thời kỳ đó, mình thấy bạn trẻ lắm, ngoại diện bạn còn trẻ hơn bác Trang nữa (xin lỗi, không dám chê bạn Trang - lúc đó 21 tuổi - già đâu)... Chắc bạn Kỳ trông vẻ thư sinh quá, trắng trẻo, mảnh mai, y như học sinh lớp 10 vậy. Còn bạn Trang lúc nào cũng cái kính dày cộm, hiền triết quá, dễ nể quá, dù mình luôn thường xuyên cặp kè bác ấy! Bác Nhiêu ư? Bác ấy không khoái "văn nghệ". Bác ấy cứ mải mê đọc sách thôi. Khi nói chuyện, bạn Kỳ đều kèm theo nụ cười thật dễ thương, kể cả với học sinh. Chắc bạn chưa dùng "thước bảng" để trị học trò bao giờ. Bạn chỉ dùng Kiến Cò trị....thôi! Không ngờ bạn cũng tròm trèm tuổi mình. Nhưng nhìn bạn vẫn trẻ hơn, tóc đen hơn... Chúc mừng!


Câu chuyện hát hò khiến mình chạnh nhớ hồi đó: trước khi hết giờ dạy chừng 5 - 10 phút, mình hay cho học trò "mần văn nghệ". Thầy trò đóng cửa lại (tránh ồn ào qua lớp khác) rồi hè nhau hát xướng. Các bài thường được học trò ưa chuộng là: Căn nhà ngoại ô, Nỗi buồn hoa phượng, Thương ca mùa Hạ, Những đốm mắt hỏa châu, Cho tôi được một lần, 60 năm cuộc đời v...v... (1966 - ....), sao mà vui quá !


Mình thì hát dỡ ẹc, nhưng nhờ tiếng đờn xập xình của bạn tạo hứng, nên mình cũng ráng lên gân cổ ăn theo giọng bạn mà thôi... Nói trước để học trò mình đừng kêu đi hát Karaoke, "xệ" chết... Nếu có kêu thì kêu cô Trung Dung, thầy Phát, thầy Trang, cô Bích Thủy. Hì, hì! Hồi đó nhiều học trò mình hát hay quá phải không bạn?


Ít lời hồi ức kỷ niệm xưa và chúc bạn vui thú điền viên, tiếp tục nghiên cứu cây cỏ làm vui... tìm thêm phương thuốc mới cho gia đình THKT.

BÙI XUÂN TÍNH

(TP.HCM 10-4-2010)

 

ĐỌC THÊM...

Nhân chuyện thầy Nguyễn Xuân Kỳ bào chế thuốc lác  (bài của thầy Bùi Trung Tính, 7-4-2010)

 

Đáp lại bài thơ vần "ác" về câu chuyện "lác"  (thầy Bùi Trung Tín, 9-4-2010)

 

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage